Nắng nóng, bụi bẩn khiến gạt mưa xe ô tô rất nhanh xuống cấp. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể khắc phục điều này với các mẹo sau.
Cần gạt mưa là bộ phận nhỏ nhưng lại đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với xe hơi. Bộ phận này đóng vai trò như một chiếc chổi nhỏ, quét sạch toàn bộ bụi bẩn và nước đọng trên kính chắn gió cabin, giúp người lái có được tầm nhìn tốt nhất khi điều khiển xe trong điều kiện nhiều bụi bẩn, trời mưa hay sương mù.
Khác với nhiều bộ phận khác trên chiếc xe ô tô, cần gạt mưa là thiết bị khá thú vị bởi nó được sáng tạo ra từ một người phụ nữ “ngoại đạo” trong ngành sáng chế: bà Marry Anderson (sinh năm 1866, mất năm 1953). Bà là một chuyên gia phát triển bất động sản người Hoa Kỳ và cũng là người sáng tạo ra chiếc cần gạt nước mưa đầu tiên trên thế giới. Cho đến nay, sau nhiều phiên bản cải tiến cả về tính năng và thẩm mỹ, gạt mưa vẫn là một trong những bộ phận không thể thiếu của mọi chiếc xe hơi.
Tại Việt Nam, cần gạt mưa được sử dụng rất nhiều bởi thời tiết mưa nhiều và hay có sương mù ẩm ướt. Do vậy, gạt mưa rất nhanh chóng bị hư mòn dẫn tới làm việc không hiệu quả. Điều này sẽ làm cản trở khả năng quan sát của người lái ô tô, thậm chí là nguyên nhân gây ra những vụ va chạm không mong muốn cho người điều khiển xe. Để tăng tuổi thọ cho gạt mưa, chủ xe có thể áp dụng vài mẹo hay và lưu ý một số điều quan trọng trong quá trình sử dụng gạt mưa dưới đây:
Dựng đứng cần gạt mưa khi nắng nóng
Đây được coi như cách đơn giản nhất để tăng tuổi thọ cho bộ phận nhỏ này. Sở dĩ nhiều chuyên gia khuyên người sử dụng nên đặt cần gạt mưa ở chế độ dựng đứng là bởi khi trời nắng, kính chắn gió cabin hấp thụ nhiệt cao và trở nên nóng, thậm chí là bỏng rát. Việc phải tiếp xúc với nhiệt cao như vậy trong thời gian dài sẽ khiến lớp đệm cao su của gạt mưa nhanh bị xơ cứng và nhanh rệu rã, mục nát.
Do vậy, việc để gạt mưa ở chế độ dựng đứng không chỉ là cách hay giúp tiết kiệm chi phí thay lưỡi gạt mới, mà phần nào đó còn gia tăng sự an toàn cho lái xe trong trường hợp cần dùng đến gạt mưa. Ngoài ra, để giảm thiểu các tác hại của nắng nóng đối với gạt mưa nói riêng cũng như toàn bộ chiếc xe nói chung, chủ xe nên hạn chế đậu xe ô tô ở những nơi nắng gắt.
Không sử dụng gạt mưa để dọn bụi bẩn
Nhiều chủ xe ô tô thường “tiện tay” nhấn gạt mưa để gạt đi các lớp bụi bẩn, phân chim hoặc tạp chất khác bám trên kính chắn gió. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không hề tốt. Bởi lớp đệm cao su của cần gạt được thiết kế ôm sát với mặt kính chắn gió, do đó cần gạt chỉ hoạt động hiệu quả với các chất lỏng như nước. Việc dùng cần gạt để xử lý bụi bẩn sẽ làm lớp cao su phải chịu ma sát mạnh hơn và đây cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây hư hại cho lớp đệm cao su của cần gạt. Do vậy, tuyệt đối không nên sử dụng cần gạt trong trường hợp kính chắn gió cabin không có nước hoặc chất lỏng.
Trong trường hợp bụi bẩn đã bám nhiều vào mặt kính chắn gió cabin, chủ xe nên mang xe đi rửa để làm sạch vết bẩn thay vì dùng cần gạt. Hoặc nếu xe chưa bẩn đến mức cần phải rửa, chủ xe có thể xịt một ít nước lên bề mặt kính trước khi bật gạt mưa. Có như vậy, gạt mưa sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi bề mặt nhám của kính do lớp bụi tạo thành.
Lựa chọn cần gạt phù hợp với hãng xe
Mỗi một hãng xe hoặc thậm chí một phiên bản xe sẽ có những thiết kế cần gạt dành riêng cho chiếc xe đó. Khi chọn cần gạt mưa, chủ xe không chỉ cần lưu tâm đến kích thước mà còn phải để ý đến độ cong của cần gạt, độ bám của lớp cao su vào mặt kính, trọng lượng cần gạt… Một chiếc cần gạt đẹp mắt nhưng chưa hẳn đã hữu dụng với chiếc xe. Bởi, nếu cần gạt quá nặng thì lực quán tính cũng theo đó tăng và sẽ làm gia tăng áp lực cho động cơ. Nhưng nếu cần gạt quá nhẹ sẽ không thể dọn sạch lớp nước đọng trên mặt kính.
Ngoài ra, các xe hiện nay phần lớn là sử dụng kính chắn gió có độ cong. Do vậy, khi chọn cần gạt cũng cần lưu ý đến độ cong này để bảo đảm việc gạt nước mang đến hiệu quả tốt. Trong trường hợp chỉ thay mới lớp đệm cao su của gạt mưa, chủ xe cần lưu ý chọn đúng loại đệm về kích thước, khối lượng và bề mặt để không ảnh hưởng đến hoạt động dọn sạch mặt kính của 2 thanh gạt. Vì có nhiều lưu ý như vậy nên khi thay mới gạt mưa, chủ xe ưu tiên lựa chọn những trung tâm phân phối chính hãng, hoặc những cửa hàng sửa chữa đáng tin cậy, để chọn được sản phẩm có độ bền tốt và được tư vấn sản phẩm đúng với chủng loại xe.
Lựa chọn dung dịch làm sạch kính phù hợp
Lưỡi của gạt mưa được làm bằng những lớp nệm cao su. Loại vật liệu này tương đối nhạy cảm với các dung dịch làm sạch bề mặt kính. Do vậy, chủ sở hữu xe cũng cần đặc biệt lưu ý trong quá trình lựa chọn dung dịch vệ sinh. Chủ xe nên tránh dùng các chất như: dung môi sơn, xăng, thuốc tẩy mạnh… để làm sạch bề mặt kính hoặc bề mặt gạt mưa. Những dung dịch này sẽ tác dụng vào lớp nệm cao su và khiến phần đệm này bị biến dạng, không thể tiếp tục sử dụng được hoặc sẽ làm đệm nhanh chóng nứt vỡ, hư hại hơn. Thay vào đó, chủ xe nên cố gắng lựa chọn những dung dịch vệ sinh kính tiêu chuẩn.
Thay mới kịp thời
Trung bình, tuổi thọ của cần gạt mưa rất ngắn, chỉ 4 – 6 tháng với xe di chuyển nhiều hoặc hơn 1 năm đối với xe di chuyển ít. Do vậy, chủ xe nên định kỳ kiểm tra lớp cao su trên cần gạt mưa. Khi phát hiện những dấu hiệu hỏng hóc như: nứt vỡ, mòn, chai cứng… ở lớp đệm cao su của cần gạt, chủ xe cần phải có phương án thay thế cho hợp lý. Nếu để lớp đệm gạt cao su quá mòn có thể dẫn tới những tiếng rít khó chịu khi bật gạt nước, hoặc thậm chí tạo nên những vết xước trên kính chắn gió của ca bin xe. Thay thế đệm cao su hoặc cả cần gạt sẽ giúp gạt mưa hoạt động hiệu quả hơn, từ đó giúp đảm bảo an toàn cho chính người lái xe.
*Hướng dẫn thay mới cần gạt mưa:
Thay thế cần gạt mưa không hề khó khăn như nhiều chủ xe vẫn nghĩ. Thay vì phải tốn một khoản phí không hề nhỏ cho việc ra gara sửa chữa, chủ xe chỉ cần mua cần gạt đúng loại và tiến hành thay thế ngay tại nhà. Để việc thay mới gạt mưa đạt hiệu quả, chủ xe có thể tham khảo các bước hướng dẫn ngay dưới đây:
- Bước 1: Kéo nhẹ cần gạt cũ ra khỏi kính chắn gió sao cho đến khi tạo thành một góc 30 độ hoặc đến khi chủ xe cảm thấy thuận tay nhất. Có hai lưu ý cho bước này. Thứ nhất là không kéo quá mạnh tay để tránh bị gãy cần gạt. Thứ hai, chủ xe cần phải cầm cần gạt cho thật chắc để tránh tuột tay làm cần va mạnh vào kính gây trầy xước hoặc thậm chí nứt kính chắn gió.
- Bước 2: Tại điểm giao giữa cần gạt và thanh gạt (bộ phận có đệm cao su) có một chốt khóa. Chỉ cần nhấn nhẹ vào chốt sẽ làm thanh gạt trượt ra ngoài. Chủ xe chỉ cần nhẹ tay tháo lưỡi gạt cũ ra khỏi cần gạt là đã hoàn thành một nửa công việc.
- Bước 3: Chủ xe nhẹ tay đặt cần gạt về lại phía kính chắn gió. Lưu ý, để tránh trầy xước, chủ xe có thể đặt một khăn vải hoặc một miếng bìa cát tông xuống mặt kính trước khi đặt cần gạt.
- Bước 4: Dùng khăn mềm và dung dịch vệ sinh làm sạch cần gạt trước khi lắp thanh gạt mới.
- Bước 5: Chủ xe tiến hành móc thanh gạt mới vào chốt, sau đó khóa chốt lại thật chắc chắn và lại nhẹ tay đặt cần gạt về phía kính chắn gió cabin. Lưu ý, chủ xe cần kiểm tra kỹ lưỡng khi lắp thanh gạt để đảm bảo lớp nệm cao su tiếp xúc vừa khít với mặt kính. Như vậy là đã hoàn tất quá trình thay thế gạt mưa cho xe ô tô.
Ngoài ra, để dễ dàng hơn, chủ xe nên tham khảo thêm hướng dẫn tháo lắp cần gạt mưa của nhà sản xuất. Bởi vì, mỗi một dòng xe sẽ có những lưu ý và thiết bị đi kèm khác nhau dành cho cần gạt.
Sử dụng cần gạt mưa xe ô tô cũ, hỏng không chỉ gây ảnh hưởng đến tầm nhìn mà còn có thể làm trầy xước kính chắn gió ô tô khiến khách hàng có thể phải thay mới kính với chi phí đắt đó. Do vậy, trong quá trình sử dụng xe, chủ xe cần đặc biệt lưu tâm đến gạt mưa, kịp thời thay thế, sửa chữa nếu có hư hại. Đây còn là yếu tố quan trọng giúp người điều khiển xe có được những chuyến đi an toàn và thuận lợi.
Duy Tân