Phụ gia xăng, phụ gia dầu Diesel được quảng cáo giúp động cơ “bốc” hơn tuy nhiên thực tế chưa hẳn vậy.
Có nên dùng phụ gia xăng/dầu Diesel ô tô?
Tác dụng phụ gia xăng/phụ gia dầu Diesel là vệ sinh hệ thống kim phun, piston, buồng đốt… trong động cơ ô tô. Khi đổ chất phụ gia vào bình xăng, chất phụ gia sẽ đi theo nhiên liệu giúp làm sạch hệ thống phun nhiên liệu, loại bỏ các muội than, cặn bẩn, tạp chất bám vào kim phun, xi lanh buồng đốt… Phụ gia xăng ô tô thường được pha theo tỉ lệ 0,0001 – 0,0005% so với mức nhiên liệu chính.
Sau một thời gian dài làm việc, hệ thống kim phun, buồng đốt thường bị bám muội than, cặn bẩn. Điều này làm giảm hiệu quả quá trình đốt cháy hỗn hợp khí và nhiên liệu, dẫn đến xe bị yếu hơn, xe hao xăng hơn. Khi sử dụng phụ gia xăng/phụ gia dầu Diesel đúng cách, các cặn bẩn được loại bỏ, hỗn hợp không khí và nhiên liệu sẽ được đốt cháy triệt để. Từ đó cải thiện, phục hồi hiệu suất động cơ, xe chạy khoẻ hơn, “bốc” hơn.
Với những tác dụng trên, phụ gia xăng/phụ gia dầu Diesel ô tô thực sự mang đến lợi ích, giúp động cơ vận hành tốt hơn, mức tiêu hao nhiên liệu được tối ưu hơn. Tuy nhiên, để sử dụng phụ gia xăng/dầu một cách hiệu quả cần chọn đúng loại phụ gia xăng phù hợp với loại động cơ xe.
Lưu ý khi sử dụng phụ gia xăng/dầu Diesel
Để sử dụng chất phụ gia hiệu quả, người dùng cần lưu ý:
Xe sử dụng động cơ xăng hay dầu?
Động cơ đốt trong ô tô có 2 loại chính là động cơ xăng và động cơ dầu Diesel. Động cơ xăng sử dụng nhiên liệu xăng. Còn động cơ dầu Diesel sử dụng nhiên liệu là dầu Diesel. Do đó tính chất rất khác nhau. Không thể sử dụng chất phụ gia xăng cho động cơ dầu và ngược lại. Vì thế khi mua chất phụ gia cần lưu ý kỹ chọn loại sản phẩm phụ gia phù hợp với loại động cơ xe mình.
Xe sử dụng hệ thống phun xăng điện tử gián tiếp hay trực tiếp?
Với động cơ xăng, có hai hệ thống phun xăng được sử dụng phổ biến nhất là phun gián tiếp EFI và phun trực tiếp GDI. Ở động cơ phun xăng gián tiếp EFI, nhiên liệu và không khí được hoà trộn bên ngoài sau đó mới đi qua xu páp nạp để vào buồng đốt. Còn ở động cơ phun xăng trực tiếp GDI, kim phun sẽ đặt trong buồng đốt nên sẽ phải chịu áp suất và nhiệt độ cao hơn nhiều so với EFI. Tạp chất bám vào kim phun của động cơ GDI sẽ dễ bị biến chất, khó hoà tan và phân huỷ hơn.
Do đó động cơ phun xăng trực tiếp GDI “nhạy cảm” với nhiên liệu hơn nhiều so với động cơ phun xăng gián tiếp EFI. Thế nên chất phụ gia sử dụng cho động cơ EFI và GDI có tính chất khác nhau. Nếu dùng phụ gia xăng ô tô cần biết động cơ xe mình là loại EFI hay GDI, từ đó chọn loại phù hợp.
Bên cạnh chọn phụ gia xăng, phụ gia dầu phù hợp với cấu tạo, hoạt động đặc thù của động cơ, người dùng cũng nên lưu ý đến chất lượng, thương hiệu chất phụ gia. Tuyệt đối không sử dụng các loại chất phụ gia trôi nổi, không có nguồn gốc xuất xứ, thông tin sản phẩm rõ ràng. Nên ưu tiên chọn các loại chất phụ gia của những thương hiệu có tiếng như Liqui Moly, 3M, Blue Chem, Bosh…
Dũng Phan