Ngày nay những mẫu xe có kiểu dáng cổ điển đang ngày càng được ưa chuộng, nắm bắt được xu thế này nhiều thương hiệu xe lớn đã sản xuất ra những bản biến thể mang phong cách retro để khách hàng có thể lựa chọn như Kawasaki Z900RS, Yamaha XSR900 hay các mẫu Neo Sport Café của Honda.
Tuy nhiên nếu tự tay làm ra một bản độ theo sở thích cá nhân thì sẽ ý nghĩa hơn rất nhiều và đó cũng chính là lý do tại sao tay độ nổi tiếng người Ý Francis Von Tuto đã biến chiếc Honda CBR600RR đời 2006 thành một bản độ Café Racer. Hiện tại anh đã trở về quê hương sau 8 năm làm việc tại Queensland, Úc. Khi đi Francis đã để lại bản độ mới nhất này và chiếc xe đang được rao bán cho những người muốn sở hữu nó.
Anh đã chọn CBR600RR vì đây là một mẫu xe thân thuộc đối với mình. Francis nhớ lại: “Thế thứ hai của chiếc xe này ra mắt khi tôi còn đang làm việc cho một đại lý Honda ở Florence. Tôi đã từng tiếp xúc với hàng chục chiếc xe này khi được mang đến sửa chữa và nâng cấp, chính vì vậy tôi biết khá rõ về chúng. Cá nhân tôi cũng đã sở hữu bốn chiếc trong số chúng, hai ở Ý và hai ở Úc”.
Ban đầu, Francis dự định biến chiếc CBR600RR 2006 thành một xe chạy track của mình tại Úc. Anh ta mua chiếc xe trong tình trạng hư hỏng dàn vỏ ngoài trong khi quãng đường sử dụng trên đồng hồ chỉ 30.000km. Về mặt kết cấu và động cơ vẫn ở trong tình trạng hoàn hảo.
Chiếc CBR này đã không được sử dụng trong một gian dài, do đó Francis đã bắt tay vào phục hồi lại toàn bộ, kể cả việc làm sạch cụm bơm nhiên liệu cũng như vệ sinh tám kim phun. Trên động cơ I4 có rất ít không gian để thao tác, đặc biệt quanh khu vực nắp quy-lát “đầu bò”. Tuy nhiên chất lượng các phụ tùng Nhật Bản luôn được đánh giá cao.
Tiếp đến, anh đã phục hồi hệ thống treo, thay thế các gioăng bị rỉ dầu và bắt đầu lắp thử dàn vỏ có kiểu dáng classic bằng sợi thủy tinh. Bộ quây trước có thiết kế giống chiếc Ducati 900ss – chúng được tạo ra bởi Brisbane Paul Borowinski, sau đó dàn áo có những điều chỉnh trên bản độ của Honda.
Để phù hợp với thân xe mới, Francis đã chế các tai bắt và khung phụ mới. Anh chia sẻ: “Nó hoàn toàn có thể tháo rời, vì vậy tôi đã giữ nguyên khung chính và bản độ này bắt buộc phải có trọng lượng nhẹ nên tôi đã sử dụng vật liệu nhôm”.
Thiết kế khung phụ được điều chỉnh dựa trên nguyên mẫu mà Francis đã chế tạo cho một trong những chiếc 600RR trước đây của mình và có sự trợ giúp của CSF Welders tại Queensland, khung sau tiết diện vuông 25mm và có không gian bên trong để chứa ắc-quy, các trang bị điện tử và rơ-le khởi động. Ốp đuôi sau tích hợp đèn hậu và xi-nhan, đồng thời cũng là nơi đặt ống xả của xe.
Bộ fairing 900ss đã trải qua nhiều lần điều chỉnh, do nguyên bản các cánh gió hai bên quá dài và lưu lượng gió vào bầu lọc gió ít. Chính vì vậy Francis đã cắt bỏ và lắp thêm kính gió, phía trước đầu xe khoét lỗ để lắp vừa đèn Koito H4 4,5 inch nằm về một phía theo phong cách Suzuka 8 hours cổ điển. Do bộ fairing khó lắp ráp nên Francis đã phải chỉnh sửa tới hai lần khung bắt dàn áo cho tới khi hài lòng.
Điểm nổi bật nhất trên bộ vỏ là các chốt tháo nhanh với một thanh trượt nhôm dạng ống được hàn vào mặt sau ốp đầu xe và được cố định bằng kẹp chữ R để dễ dàng tháo lắp. Cấu trúc này liên kết chắc chắn và ổn định ngay cả chạy ở tốc độ trên 250km/h. Hệ thống cổ pô được giấu một cách kín đáo phía sau dàn vỏ của chiếc CBR600RR độ, toàn bộ làm từ thép không gỉ chia theo kiểu 4-2 đến từ thương hiệu Moriwaki.
Lon pô ngắn bằng thép ống SS 63mm còn đối với các đoạn nối Francis đã phải gia công để thu nhỏ đường kính xuống 44mm. Cả hai ống xả đều có tiêu giảm thanh và động cơ vận hành trên 5.000 vòng/phút sẽ mang tới một âm thanh khủng khiếp nhưng cũng đầy phấn khích cho người điều khiển. Trước đây một chiếc CBR của Francis đã lắp ống xả của Moriwaki và dải công suất hoàn toàn thay đổi – mô-men xoắn đẩy lên ở vòng tua cao hơn và sức mạnh động cơ dưới 8.000 vòng/phút khá hiền.
Bộ ống xả này hoạt động tốt ở mọi dải tua mặc dù anh chưa thay thế ECU độ cũng như vẫn sử dụng bầu lọc gió và lọc gió nguyên bản. Phần bình xăng được tay độ người Ý giữ nguyên chỉ tháo các ống thông hơi để hàn gia cố lại thay vì sử dụng ốp bình xăng. Chắn bùn trước là phụ tùng carbon chính hãng của Honda lấy từ chiếc 600RR đời 2010. Yên xe làm thủ công với đế bằng sợi thủy tinh và được bọc da bởi David Webster.
Francis nói: “Tôi không chắc mình đã hoàn thành bản độ này cho tới phút cuối cùng, nhưng thực sự tôi rất tâm đắc. Dàn áo được lắp vào khung chỉ bằng một ốc 6mm ở phía sau và dải khóa dán to bản giúp giữ chúng lại, thế là quá đủ để vừa khít”. Francis Von Tuto hoàn thành bản độ CBR600RR bằng việc sử dụng cùm phanh Brembo bình dầu rời. Gác chân độ có thể điều chỉnh vị trí để chân cho phép người điều khiển ôm cua “gắt” hơn.
Cặp lốp Pirelli Diablo Rosso Corsa II phù hợp cho nhu cầu đi lại hằng ngày của chủ sở hữu. Màu sơn đen vàng bên ngoài thể hiện sự tôn vinh những mẫu xe đua mang tính biểu tượng của Honda trước đây và được tạo nên bởi Jimi Lucas tại Extreme Dents. Khi nhìn vào những bản độ chúng ta thường nghĩ tới khả năng khó vận hành trên đường, nhưng thực tế chiếc CBR600RR này đem tới một cảm giác lái thú vị và hoàn toàn dễ dàng. Hiện tại CBR600RR Café Racer đang được bán với mức giá AU$10.500 (187 triệu đồng).