1. Remap động cơ
Trước hết, hầu hết các phương tiện hiện đại đều chứa Bộ điều khiển động cơ ECU (Engine Control Unit). Đây là một máy tính nhỏ điều khiển cách thức hoạt động của động cơ. Các nhà sản xuất xe tinh chỉnh đặc tính làm việc của động cơ bằng cách đặt phần mềm trên ECU. Thông thường khi một chiếc xe bán ra thị trường, nhà sản xuất chỉ hiệu chỉnh công suất chiếc xe đạt khoảng 60-80% so với mức tối đa động cơ có thể sản sinh.
Remap động cơ (còn gọi là Remapping hoặc Reflash ECU) về cơ bản là thay đổi hoặc thay thế phần mềm mặc định của nhà sản xuất trên ECU của xe. Từ đó chúng ta có thể thay đổi, hiệu chỉnh lại các thông số cơ bản của động cơ như tỉ lệ hòa khí ( tỉ lệ xăng và gió), thời điểm đánh lửa, độ trễ chân ga… Ngoài ra, việc remap sẽ cho kết quả tốt hơn nếu chúng ta thực hiện cả việc nâng cấp phần cứng, chẳng hạn như nâng cấp hệ thống ống xả, thay lọc gió mới hiệu năng cao hơn…
Mục đích cơ bản nhất của việc remap là mở thêm giới hạn công suất, mô-men xoắn của động cơ, mở giới hạn vòng tua, hay đơn giản là loại bỏ giới hạn tốc độ điện tử mà nhà sản xuất đã cài đặt sẵn. Nhưng việc nâng cấp phần mềm cũng phải phù hợp với giới hạn độ bền của các chi tiết cơ khí. Với những xe sử dụng động cơ tăng áp (turbocharger) thì tiềm năng khai thác thêm công suất là rất lớn, có thể tăng 20-30% so với mức công suất công bố của nhà sản xuất. Còn với những xe sử dụng động cơ hút khí tự nhiên thì tiềm năng khai thác ít hơn, tăng tầm khoảng 5-15% so với thông số gốc.
Kết quả chạy dyno trước và sau khi remap: động cơ tăng thêm khoảng 26 mã lực, khoảng 27%
(Nguồn: Darksidedevelopments)
Để dễ hiểu lấy luôn ví dụ Ford Ranger cho nhanh. Ranger có: turbo điều khiển điện, bơm cao áp điều khiển áp suất bằng điện, kim phun cũng đóng mở bằng điện. Turbo zin chạy được ở áp suất 26 psi (gần 1,8 bar), remap cho chạy 28 psi (hơn 1,9 bar) thì được. Lên đến 30 psi (hơn 2 bar) thì ống cao su cổ hút nổ bùm bụp, hơn nữa thì bản thân turbo lăn ra chết. Vậy lối thoát là gì? Thay turbo.
Tương tự với bơm cao áp: tăng áp suất phun lên đến 1 mức nào đó thì kim phun lăn ra ngất, hoặc bản chất cái bơm chỉ đến thế thôi. Bơm công suất 1 kW khó mà bơm nước lên đỉnh Landmark. Kim phun cũng thế, có cho phun nhiều hơn thì ở 1 mức nào đó cũng sẽ bị giới hạn bởi khoảng thời gian kim có thể mở, và không thể vượt quá. Lối thoát cho các tunner là thay luôn kim phun.
Rất nhiều tunner thay hết phần cứng để có áp suất turbo lớn hơn, kim phun nhiều nhiên liệu hơn… và đa số họ cuối cùng đã đạt đích đến bằng việc làm cái động cơ cháy luôn. Muốn không cháy thì phải độ lại cả mặt máy lốc máy, tay biên piston… hết sức mệt mỏi.
Việc thiết lập các thông số để động cơ làm việc trơn tru và bền bỉ không phải việc dễ, chính vì yếu tố bền bỉ nên các remapter không dám quá tay, vì họ thực sự không muốn đền gà. Việc remap “an toàn” có thể nói không mang lại quá nhiều công suất cực đại (hình như 220 mã lực với Ranger là con số lớn rồi), tuy nhiên nó có thể thay đổi tầm công suất trong các vùng tua máy khác.
Ví dụ xe zin tua 2.000 vòng/phút là 100 mã lực, sau khi độ xong sẽ được 120 mã lực tại 2.000 vòng/phút. Con số này lớn, thậm chí khá lớn – đạt 20% . Và điều đó cho các bạn cảm giác khác hẳn khi sử dụng hàng ngày, nơi mà chúng ta không dùng đến 5.000 vòng/phút.
(Nguồn: Performance-centre)
Đấy là những gì anh Vinh Nguyễn chia sẻ về remap, nói chung là với mớ kiến thức này trong quá khứ anh cũng làm ra được cái gọi là V-chip dành cho xe pickup, và thành công của nó làm cho rất nhiều tay đua toát mồ hôi. Sự thật đằng sau V-chip là: phần cứng của Dfast Thailand, còn phần mềm của Thái hay Malay vứt luôn qua 1 bên, và anh phải thiết lập từng phần mềm riêng biệt cho từng tay đua, người dùng khác nhau. Ví dụ:
- Với người chân to, hơi tý đạp ga mạnh nên làm cho động cơ không bốc lắm
- Với người chân nhát nên thò vào ga là cho Full power (công suất tối đa) luôn
- Với người khéo chạy, dễ thích nghi có sao dùng vậy thì phần mềm nằm sẵn trong cái đầu của họ, nên chỉ cần động viên là chạy như bay.
2. Độ cảm biến chân ga
Các xe đời nay sử dụng chân ga là 1 cảm biến điện, ECU nhận tín hiệu từ cảm biến chân ga và quyết định ta cần bao nhiêu công suất. Việc giả lập tín hiệu chân ga gọi là độ cảm biến chân ga.
Ví dụ đạp nửa ga, cảm biến báo cho ECU là “nó đạp hết ga anh ơi”. ECU lập tức cung cấp toàn bộ công suất. Với xe không độ cảm biến, thì đơn giản nó báo về ECU “chấp nửa trái”, thế là ECU cho 50% công suất.
Vậy có khác nhau không?
– Về công suất: chả khác gì
– Về độ bốc khi đề pa: chả khác gì, có chăng nhanh hơn 0,1 giây khi bàn chân đạp xuống đến kịch ga.
– Tác dụng rõ của nó là trong đua offroad: đôi lúc trong vòng 1 giây ta cần đạp 2 lần hết ga (ví dụ qua gờ giảm tốc ta nhả ra trước đó, và hết ga sau đó) , thì nó tiết kiệm được ít thời gian (tiết kiệm khoảng thời gian mà chân đạp trên bàn đạp). Mà đua thì 0,1 giây cũng quan trọng phết đấy. Nhưng mà nhắc lại là có nhiều lần 0,1 giây cũng chả biến anh em thành mãnh thú ngay được.