Thông thường những chiếc xe bán tải, SUV bản cao cấp thường sử dụng hệ truyền động 2 cầu cùng các chế độ lái cho khả năng vận hành vượt trội điển hình như Ford Ranger. Tuy nhiên không phải tài xế nào cũng nắm rõ các chế độ, cách sử dụng khi vô tình đối mặt với những cung đường hiểm trở.
Với Ford Ranger nhờ sở hữu kiểu dáng hợp thời, khoảng sáng gầm lên đến 200mm, các góc thoát, góc tới lớn là một trong những mẫu xe lý tưởng không ngại khó khi gặp các chướng ngại vật trên. Thêm nữa xe còn sở hữu tính năng gài cầu điện tử Shift-on-the-fly sẽ kích hoạt chế độ 2 cầu ngay cả khi xe đang di chuyển, hỗ trợ tốt hơn đặc biệt là những tay lái mới, chưa kể ưu thế nổi trội khi có khả năng tải hay kéo hàng tốt.
Nhưng với những chủ xe lần đầu sử hữu xe có hệ dẫn động 4×4 thường rất dễ nhầm lẫn giữa việc khóa vi sai cầu sau, hay các chế độ cầu nhanh, chậm dễ nhầm lẫn.
Phân biệt chế độ cầu nhanh/cầu chậm
Các xe bán tải bản cao thường có chế độ cầu nhanh, hai cầu nhanh, hai cầu chậm với ký hiệu lần lượt là 2H, 4h và 4L trong đó:
Chế độ 2H là chỉ có 2 bánh sau có nhiệm vụ dẫn động, đây là chế độ mặc định khi xe di chuyển trên điều kiện vận hành như đi phố, đi cao tốc, đường trường, các mặt phẳng có độ bám cao.
Chế độ 4H thì 4 bánh xe sẽ được truyền lực thường dùng trên các bề mặt có độ trơn trượt như lên/ xuống đèo khi trời mưa, chạy trên bãi cỏ khô, bề mặt đường có sỏi đá, cát nhưng vẫn đảm bảo độ bám, thông thường nhà sản xuất thường giới hạn việc chuyển từ 2H sang 4H ở vận tốc từ 80-100km/h, hãng cũng khuyến cáo không nên sử dụng chế độ này ở chế độ thông thường dễ ảnh hưởng tới hệ truyền động xe.
Chế độ 4L hoạt động tương tự như 4H, tuy nhiên tỷ số truyền động sẽ thấp hơn, các bánh xe chuyển động chậm tạo lực bám tốt giúp xe có thể vượt qua các cung đường khó như sỏi, đá, bùn lầy, hay các cung off-road trơn trượt.
Tương tự chế độ 4H, ở chế độ 4L, cả bốn bánh xe đều được tận dụng. Tuy nhiên, tỷ số truyền động ở chế độ này thấp hơn, khiến bánh xe chuyển động chậm hơn so với chế độ 4H, dễ dàng giúp xe vượt qua những cung đường off-road khó khăn hơn.
Khi nào dùng cầu chậm
Chế độ cầu chậm sinh ra để giúp xe đi qua các cung đường khó, không đề cao tốc độ như đi rừng, băng suối, vượt sông đến các nơi hiểm trở. Thế nên người lái cần lưu ý không sử dụng chế độ này trên điều kiện vận hành bình thường và không chạy quá 40km/h khi sử dụng.
Việc kích hoạt chế độ này cũng khác so với từ 2H sang 4H, cụ thế người lái cần dừng xe, về số N sau đó chuyển sang chế độ 4L, với Ford Ranger người lái chỉ cần xoay nút bấm để chỉ dẫn hướng về ký hiệu của chế độ này. Sau đó bảng điều khiển trung tâm sẽ hiển chữ 4L báo hiệu đã kích hoạt thành công, chỉ cần về D là bắt đầu di chuyển.
Khóa vi sai cầu sau
Thực chất bộ vi sai giúp cho 2 bánh xe hai bên có thể quay ở nhiều tốc độ khác nhau khi vào cua, tuy nhiên trong nhiều trường hợp đi trên các địa hình khó, buộc lòng phải khóa bộ vi sai này lại để tránh một trong hai bánh mất lực bám dẫn đến, bánh còn lại vẫn quay nhưng không có tác dụng nhiều.
Khi đó việc khóa lại sẽ giúp xe có lực kéo đồng đều, thế nên dù có bị sa lầy thì bánh xe còn lại vẫn có lực bám để giúp xe thoát ra và tiếp tục di chuyển. Nhưng chức năng khóa vi sai chỉ dùng trong các trường hợp như mắc lầy, bánh xe bập bênh, đi trên cát, còn lại tuyệt đối không sử dụng để đảm bảo độ bền của bộ vi sai cũng như lốp xe.
Hệ thống hỗ trợ đổ đèo (HDC)
Khi điều khiển Ford Ranger đi xuống đường đồi dốc, hãy đảm bảo hệ thống hỗ trợ đổ đèo đã được lựa chọn (biểu tượng giống như một chiếc xe đang đi xuống dốc). Để kích hoạt hệ thống này, người lái cần dừng xe lại và về số P.
Một khi đã kích hoạt hệ thống hỗ trợ đổ đèo và về lại số D, chỉ cần nhẹ nhàng bỏ chân phanh, tập trung vào tay lái phía trước và để chiếc xe từ từ di chuyển xuống dốc. Nếu muốn điều chỉnh tốc độ, hãy sử dụng nút bấm (+/-) tương ứng trên vô lăng để tăng hoặc giảm tốc. Lưu ý, hệ thống hỗ trợ đổ đèo chỉ hoạt động trong khoảng tốc độ từ 3 – 19 km/h.
Giảm áp suất lốp xe
Đây là một trong những cách đơn giản để cải thiện độ bám trên các cung đường khó đặc biệt là đi đường cát, sình lầy, tùy thuộc vào địa hình mà có cách điều chỉnh mức áp suất lốp khác nhau.
Việc giảm áp suất lốp sẽ giúp bề mặt của lốp tiếp xúc nhiều hơn, tăng độ ma sát, lực bám. Ngoài ra có thể hấp thụ lực va đập tốt từ mặt đường tốt hơn, giúp bảo vệ bánh xe và các bộ phận khác khi di chuyển trên địa hình sỏi đá gồ ghề hay vượt qua ổ gà một cách nhẹ nhàng.
Tuy nhiên khi đã hạ áp suất lốp, cần phải đi với tốc độ phù hợp để giữ cho lốp không bị hư hỏng. Chỉ nên giảm áp suất khi đi trên các cung đường trơn trượt, cần độ bám lớn. Khi ra tới địa hình bình thường cần phải bơm lại áp suất theo tiêu chuẩn vì thế hãy trang bị thêm một bộ bơm điện để sử dụng kịp thời.