Điều hòa làm mát kém
Nếu như điều hoà không thể hạ nhiệt độ xuống nhanh và hiệu quả như mọi lần, cộng thêm với việc cabin xe bỗng có mùi khó chịu. Đây chính là dấu hiệu nhắc nhở rằng đã đến lúc bạn cần vệ sinh tấm lưới lọc của điều hoà rồi đấy. Sau một thời gian thường xuyên sử dụng, bụi bẩn sẽ tích tụ ở lưới lọc và lâu ngày sẽ kết thành mảng làm gió không thể xuyên qua được.
Đối với việc này bạn cần duy trì một lịch vệ sinh và thay thế định kỳ tấm lọc gió để đảm bảo khả năng làm mát của hệ thống luôn được như mới. Thời điểm để thay lọc gió phụ thuộc vào môi trường vận hành có nhiều bụi bẩn hay không. Các chuyên gia khuyên rằng sau mỗi khoảng 16.000 đến 24.000 km thì người dùng nên thay mới một lần. Còn đối với những bác tài thường xuyên di chuyển trong môi trường ô nhiễm thì có thể linh hoạt rút ngắn khoảng thời gian giữa các lần vệ sinh và kiểm tra lọc gió.
Điều hòa làm lạnh không sâu
Nếu điều hoà vẫn tỏa hơi mát nhưng yếu hơn mọi khi, thì nguyên nhân chủ yếu có thể là do dàn nóng và dàn lạnh bị bẩn.
Đối với dàn nóng, nếu không vệ sinh thường xuyên, hệ thống sẽ bị tỏa nhiệt kém và làm giảm hiệu quả làm mát của ga. Còn đối với dàn lạnh, nếu bụi bám quá nhiều thì sẽ hạn chế không khí lạnh tỏa ra trong khoang xe.
Sau khi kiểm tra và phát hiện dàn nóng lạnh là nguyên nhân chính, thì việc duy nhất cần làm là rửa nước cả hai hệ thống và thay các hóa chất chuyên dụng. Tuyệt đối không dùng vòi nước có áp suất cao xịt thẳng vào dàn nóng lạnh vì sẽ làm hỏng các thanh tản nhiệt bằng nhôm bên trong. Ngoài ra, bạn cần chú ý không làm hư hỏng hệ thống điện.
Đây là quy trình khá phức tạp nên nếu có thể hãy đưa xe của bạn ra các gara chuyên cung cấp dịch vụ vệ sinh chuyên dụng cho ô tô.
Điều hòa chết hẳn, không có tác dụng làm mát
Nếu chủ xe thấy mình trong trường hợp vừa đưa xe đi bơm ga thì điều hoà không mát nữa thì nguyên nhân có thể là do thừa ga hoặc thiếu ga. Đối với trường hợp này, bạn không thể tự giải quyết được mà cần đưa xe trở lại gara để được hỗ trợ bởi các chuyên viên.
Quy trình vệ sinh hệ thống điều hoà bao gồm việc vệ sinh phần vỏ của dàn lạnh, giúp loại bỏ bụi bẩn tích tụ trong dàn máy.
Nguyên nhân xấu nhất khi điều hoà không mát là hỏng lốc hay hỏng máy nén. Bởi chi phí sửa chữa và thay thế bộ phận này khá cao, lên đến cả chục triệu đồng, tùy loại xe và nhà sản xuất.
Nguyên nhân hỏng lốc điều hoà có thể kể đến đó là sử dụng loại gas không đúng tiêu chuẩn, bật máy liên tục với tần suất cao, hay lắp máy lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ vào lốc.
Quy trình thay thế lốc điều hoà sẽ bao gồm vệ sinh và thay thế lốc, sau đó bơm dầu bôi trơn đúng chuẩn để đảm bảo việc vận hành trơn tru. Lưu ý trong quá trình bơm gas, chỉ nên bơm một lượng vừa đủ cho hệ thống điều hoà, bởi nếu bơm thừa sẽ dẫn đến hỏng lốc hoặc làm mát không hiệu quả.
Các chuyên gia khuyến cáo rằng các chủ xe nên chỉnh lấy gió trong khi sử dụng điều hoà để giúp kéo dài tuổi thọ của hệ thống làm mát. Ngoài ra, nếu xe đang được vận hành trong môi trường nhiều bụi bẩn với tần suất liên tục, các bác tài nên chú ý đưa xe đi bảo dưỡng ít nhất 1 lần/năm để tăng năng suất sử dụng máy.