Được truyền cảm hứng bởi thiên nhiên, một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Seville ở Tây Ban Nha đã phát triển những rô bốt tự hành trông giống chim mà có thể thực hiện nhiều động tác như vỗ cánh, bay, đậu, và hơn thế nữa. Mục tiêu sau cùng của họ là sử dụng loại rô bốt thông minh này cho những nơi máy bay không thể tới được.
Video tóm lược sự phát triển của dự án GRIFFIN từ tháng 2/2020 – 2/2021
Thông thường khi sạc đầy điện, loại drone trông giống chim này có thể bay khoảng 20 đến 30 phút. Giáo sư Anibal Ollero, một kỹ sư điện tử tại Đại học Seville ở Tây Ban Nha, và nhóm của ông hiện đang nghiên cứu một công nghệ mới nhằm tăng gấp đôi con số đó. Để tăng thời gian bay, nhóm dự định sử dụng gió và các luồng không khí tự nhiên.
Dự án GRIFFIN của họ nhằm mục đích phát triển các rô bốt tự động có thể bay với mức sử dụng năng lượng tối thiểu, đậu trên các bề mặt cong, và thực hiện các thao tác khéo léo. Được gọi là “máy bay cánh chim,” các nguyên mẫu lấy cảm hứng từ các loài chim bằng cách chọn những yếu tố liên quan có thể hỗ trợ chúng. Để bảo tồn năng lượng, các nhà nghiên cứu đang sử dụng gió để đẩy các rô bốt. Đối với điều hướng, mỗi chú chim rô bốt đều nhận được sự hỗ trợ từ máy tính và camera tích hợp trong.
Vì không có cánh quạt đẩy và sử dụng các chất liệu mềm, dẻo như chất liệu tổng hợp sợi nhỏ và nylon làm cánh và đuôi, giáo sư Ollero tin rằng thiết kế này cũng có thể giảm tiếng ồn và cải thiện tính an toàn trong nhiều tình huống cụ thể. Ví dụ, một tình huống như thế là các chú chim rô bốt có thể đáp xuống những người bị thương và phân tích trạng thái của họ mà không gây tổn hại thêm.
Một trường hợp khác là có thể tiếp cận các khu vực mà con người không thể vào vì sự hiện diện của khí ga nguy hiểm. Ví dụ, chim rô bốt có thể đáp xuống một đường ống và phát hiện sự ăn mòn trong các nhà máy công nghiệp.
Được bắt đầu từ năm 2018, dự án đã đạt được những bước tiến vượt bậc. Các lần bay thử trong nhà và ngoài trời đã được chứng minh là thành công bằng cách sử dụng động tác cánh vỗ. Hơn nữa, động tác hạ cánh trên một bệ hình vuông nhỏ rộng khoảng 30 cm cũng đã hoàn thiện xong. Bước tiếp theo của nhóm là đưa những con chim đáp xuống cột hoặc dây và duy trì trạng thái cân bằng của chúng.
Mặc dù giáo sư Ollero nói rằng “còn rất nhiều việc phải làm để tích hợp các công nghệ mới liên quan đến khoa học vật liệu, cơ học, khí động học và trí tuệ nhân tạo vào các chú chim rô bốt,” ông tin rằng vào năm 2030, loại máy bay cánh chim này sẽ có khả năng làm các nhiệm vụ phức tạp một cách tự chủ.
Công việc của nhóm đã được đăng trên Tạp chí Nghiên cứu và Đổi mới của EU, và dự án GRIFFIN của họ hiện cũng được EU tài trợ.