Tham gia một buổi off của những biker yêu thích bộ môn này, mới nhận thấy gymkhana tại sao lại được họ yêu thích như vậy. Quả thực, nó không nghiêng về sự phô trương như driff hay bốc đầu biểu diễn. Mà hướng đến kỹ thuật tay lái, đòi hỏi chủ nhân của chiếc xe phải gắn liền với chính nó khi đi qua các địa hình.
Bạn Trọng Khang, một người luyện tập gymkhana lâu năm chia sẻ: “Với bộ môn này, nếu thành thục thì người lái có thể thực hiện rất nhiều kỹ thuật như chạy zíc zắc, vào cua…trên sa hình được thiết lập sẵn. Thậm chí, nhiều người điêu luyện hơn có thể thực hiện các động tác khó khi đảo chiều, quay 360 độ”.
Tất nhiên, để luyện tập được bộ môn này thì không phải dễ. Sa hình trong bộ môn này có độ khó cao do số lượng chướng ngại vật có thể thay đổi, biến hóa tùy thích từ dễ cho đến khó. Chưa kể, biker buộc phải chạy theo lộ trình đã được thiết lập sẵn, nếu sơ sẩy thì sẽ bị đánh giá rất thấp khả năng của mình.
Ngoài trình điều khiển điêu luyện khi vượt qua các chướng ngại vật trên sa hình thì gymkhana đòi hỏi biker phải đáp ứng được thời gian quy định hoàn thành. Đặc biệt là khi tham gia các giải đấu hay giao lưu với nhau. Điều này mới thực sự là một thử thách khi tham gia môn thể thao này.
“Nhiều lúc quá tập trung vào điều khiển chiếc xe để tránh chạm vào các mốc hay không để chân chạm đất mà quên hẵng thời gian cần hoàn thành. Thế là không đáp ứng được yêu cầu của một vòng chạy”, Anh Khang nói.
Đối với người mới bước vào bộ môn này thì sẽ được làm quen với các bài tập cơ bản bao gồm chạy vòng số 8 – GP8, làm quen dần với kỹ năng phanh, ôm cua. Giúp biker dần tăng kỹ năng kiểm soát tay ga cũng như làm quen với chiếc xe của mình. Khi nào đã ổn định việc kiểm soát tay ga, phanh thì chuyển sang bài tập nâng cao với các sa hình. Lên các level cao hơn thì có thể ôm cua một cách hoàn hảo với tư thế lái xe hoàn thiện.
Vì vậy, để thành thạo các kỹ thuật này đòi hỏi biker phải luyện tập rất nhiều. Tuy nhiên, khi đã quen thì bất kỳ địa hình thực tế nào cũng không thể làm khó được họ. Nhất là trong điều kiện đường xá ở Việt Nam, việc đổ đèo hay vào cua sẽ trở nên an toàn hơn.
Bộ môn này đòi hỏi rất nghiêm khắc việc bảo vệ người chơi. Để tham gia những buổi tập luyện gymkhana thì đòi hỏi biker phải trang bị đầy đủ nón bảo hiểm loại 3/4 (open face) hay FullFace. Găng tay phải loại full ngón, giày cổ cao phủ quá mắt cá chân với giáp tay, giáp chân.
“Khi chạy, biker tuyệt đối không được nẹt pô gây náo loạn hay phóng nhanh, không kiểm soát chiếc xe của mình. Mục đích luyện tập gymkhana là giúp bản thân an toàn hơn khi đi trên đường nên ai cũng tuân thủ nghiêm túc”, anh Khang nói thêm.
Gymkhana là một môn thể thao trên mô tô và ô tô, được gọi là Autotesting ở Anh và Ireland hay Motorkhana ở Úc và New Zealand. Cái tên Gymkhana, xuất phát từ tên Ken Block Gymkhana trong bộ môn thể thao cưỡi ngựa. Trước đó, bộ môn này rất phổ biến ở Nhật Bản, sau đó du nhập vào Việt Nam và rất được nhiều người ưa chuộng. |
Nguồn ảnh: MotoGymkhanaVietNam