Tại Việt Nam, Toyota Celica là một dòng coupe khá quen thuộc với dân chơi xe. Với kiểu dáng thể thao và các đặc tính gắn liền với thương hiệu Toyota như độ bền bỉ, phụ tùng dễ kiếm, dòng xe này được khá nhiều người tìm mua và độ lại. Tuy nhiên đa phần những chiếc Celica tại Việt Nam đều thuộc những thế hệ được sản xuất từ khoảng thập niên 90-2000, trong khi các đời xe cổ hơn lại từng một thời gian bị lãng quên.
Nhưng với phong trào chơi xe nội địa Nhật (Japanese Domestic Market – JDM) đang lên cao ở cả Việt Nam lẫn Thế giới, ngay cả các thế hệ Celica cổ hiện tại cũng đã hấp dẫn được một bộ phận không nhỏ người đam mê săn lùng. Trong đó, thế hệ đầu tiên với tên mã TA22, được sản xuất từ năm 1970 tới 1977 rất được ưa chuộng bởi kiểu dáng mang phong cách xe cơ bắp Mỹ cùng thời, do Toyota thiết kế hướng tới cạnh tranh tại thị trường Mỹ.
Hiểu được giá trị lịch sử và vẻ đẹp của thế hệ Celica này, anh Minh Thái – một người trẻ yêu xe cổ tại TP.HCM đã tìm kiếm và phục chế một chiếc được sản xuất từ năm 1972. Khác với nhiều chiếc Celica khác ở Việt Nam thường bị chủ xe độ theo kiểu “lai tạp” nhằm cố gắng nâng đời trông hiện đại hơn, anh đã đi theo hướng “restomod” – dọn mới đồng thời nâng cấp theo đúng phong cách, đúng chất của những chiếc JDM cổ điển.
Đối với một chiếc xe cổ, điều quan trọng nhất đó là khôi phục lại trạng thái vận hành bình thường. Hiểu được điều này, anh Thái đã dành thời gian để chuẩn bị nền tảng bằng cách làm đồng và sơn lại toàn bộ khung vỏ, cũng như thay toàn bộ giảm xóc mới. Động cơ nguyên bản của chiếc xe có dạng 4 xi-lanh thẳng hàng 1.6l cũng không chỉ được dọn mới, mà chủ xe còn “nhân tiện” nâng cấp két giải nhiệt lớn để đảm bảo khả năng vận hành bền bỉ trong điều kiện nhiệt độ cao ở miền Nam.
Ở bên ngoài, có thể nói anh Thái đã chơi “chuẩn bài” JDM khi chỉ thay đổi thân xe bằng cách lắp thêm nẹp ốp khí động học dưới cản trước, cũng như cánh đuôi dạng nẹp ở gờ khoang hành lý. Nhắc tới xe Nhật cổ, người yêu phong cách JDM sẽ nghĩ ngay tới thiết kế mâm Watanabe RS đặc trưng. Tuy nhiên do bộ mâm này rất khó mua ở Việt Nam, anh Thái đã thay bằng mâm Atara 15inch x 9j với thiết kế tương tự. Nhờ bản mâm lốp rộng hơn, chiếc Celica đời đầu nay đã có kiểu dáng đúng chất xe cơ bắp.
Cuối cùng, phần nội thất của chiếc Celica cổ đã được anh Thái phục chế bằng cách bọc da lại hoàn toàn các chi tiết. Bên cạnh đó, hệ thống âm thanh cũng đã được anh nâng cấp với dàn loa Pioneer bao gồm cả sub siêu trầm. Những nâng cấp nêu trên không quá “khủng”, nhưng chúng đã giúp chiếc Celica gần 50 tuổi mang một sức sống mới, hấp dẫn hơn và bền bỉ hơn để có thể tiếp tục lăn bánh trong nhiều năm tới.
Ảnh: Minh Thái Art