Trước đây, xedoisong.vn đã có bài viết giới thiệu chi tiết về thiết kế ngoại hình, trang bị cũng như động cơ trên chiếc KTM 390 Adventure khi mẫu xe này vừa cập bến tại showroom KTM Sài Gòn. Còn trong bài viết này, chúng tôi sẽ tập trung vào trải nghiệm cảm giác lái cũng như những trang bị được đánh giá cao trên chiếc adventure tầm trung của nhà KTM.
Dù là dòng xe dành cho người mới “nhập môn” mô tô phân khối lớn cùng mức giá dễ tiếp cận, KTM 390 Adventure khá được trau chuốt về cả thiết kế lẫn trang bị. Ấn tượng đầu tiên là phần đầu đèn trông như được bê nguyên từ người đàn anh 790 hay 890 Adventure, với cụm đèn pha LED được thiết kế 3 tầng kết hợp dải đèn daylight hai bên khá bắt mắt. Tiếp đến là hệ thống thống treo WP Apex gồm: phuộc trước USD đường kính 43mm, hành trình 170mm dài hơn so với chiếc 390 Duke 2018.
Một điểm nhấn trên cặp phuộc này mà các đối thủ không có là khả năng điều chỉnh được độ nén/hồi của phuộc thông qua hai núm vặn tiện dụng. Tương tự phuộc sau monoshock hành trình 177mm cũng có thể tuỳ chỉnh tải trọng và phản hồi của phuộc. Cặp mâm trên 390 Adventure có kích thước mâm trước lớn là 19 inch, mâm sau 17 inch để phục vụ sử dụng trên đường địa hình. Tuy nhiên dù là một mẫu adventure hướng khá nhiều tới địa hình, xe vẫn chỉ sử dụng mâm đúc chứ chưa phải là vành căm như nhiều người mong đợi.
Nếu như muốn vành căm với độ đàn hồi cao hơn, khách hàng sẽ phải bỏ ra thêm số tiền khá lớn (vào khoảng 30 triệu đồng theo quy đổi) để mua một bộ bánh căm hàng chính hãng KTM Powerparts kèm theo đầy đủ đĩa phanh và moay-ơ. Nhưng với thiết kế đa chấu chữ Y, bản thân vành nguyên bản đã có thể phân tán đều lực tác động lên mâm khá tốt. Bọc quanh mâm là cặp lốp đa địa hình Anakee Adventure của Michelin. Điểm cuối cùng cho thấy KTM khá chăm chút cho chiếc adventure cỡ nhỏ của mình là bộ bảo vệ tay lái và ốp gầm bảo vệ động cơ lắp sẵn.
Về trang bị công nghệ, 390 Adventure được thừa hưởng nhiều từ người đàn anh 790 Adventure. Có thể kể tới như: Hệ thống ga điện tử Ride-by-wire, kiểm soát lực kéo (MTC), bộ côn chống trượt (Assist and Slipper Clutch), chế độ tắt/bật ABS và MTC, đặc biệt là hỗ trợ ABS trong cua (ABS Cornering). Xét tới toàn bộ phân khúc mô tô phân khối lớn dành cho người mới chơi ở cả Việt Nam lẫn trên Thế giới, đây vẫn là chiếc xe nhiều công nghệ nhất hiện tại.
Ngoài ra cũng như người anh em 390 Duke, bản Adventure cũng có bảng đồng hồ TFT kích thước 5 inch tương đối tiện dụng trong quá trình di chuyển. Màn hình hỗ trợ kết nối với điện thoại thông minh qua bluetooth nên có thể thông báo, nhận cuộc gọi; nghe nhạc và hiển thị ứng dụng điều hướng trên màn hình. Nhưng trong quá trình kết nối với điện thoại, bảng đồng hồ vẫn có độ trễ khi tiếp nhận cuộc gọi cũng như thao tác điều khiển trên cụm công tắc.
Tư thế ngồi trên chiếc adventure tầm trung của nhà KTM mang đặc trưng của dòng xe địa hình đường trường với ghi đông cao, góc lái rộng và tư thế ngồi thẳng lưng đem tới cảm giác thoải mái cho người sử dụng. Chiều cao yên 855mm có thể nói là hơi lớn so với kích thước cơ thể trung bình của người Việt Nam. Mặc dù vậy, người trải nghiệm cao 1m70 chống chân cũng gặp không quá nhiều khó khăn, vẫn có thể chống hai chân bằng nửa bàn mỗi bên.
Điều này có được nhờ phần yên được làm thuôn về phía bình xăng. Mặc dù phần yên thiết kế mỏng nhưng phía trên yên được phủ một lớp gel mềm nên cảm giác ngồi êm ái hơn so với chiếc 390 Duke. Toàn bộ yên bọc da nhám để hạn chế bị trượt trong quá trình chạy off-road. Khoảng cách từ vị trí người điều khiển tới tay lái thoải mái, tay được thả lỏng kể cả khi ngồi lâu trên xe vẫn không cảm thấy mỏi.
Khi vận hành trên đường, cảm giác đầu tiên đó là nước ga đầu của 390 Adventure không còn “sốc” như 390 Duke 2018. Dù chung động cơ nhưng có thể vì là một chiếc xe sử dụng đường trường, nên KTM có chút điều chỉnh về tỉ số truyền. Ngoài ra, ở những vòng tua thấp, tay ga của chiếc xe này vẫn hơi giật. Nhưng nếu so với 390 Duke đời 2014 hay 2016 thì 390 Adventure ga đã tròn trịa hơn.
Đặc biệt kể từ vòng tua 4.000rpm trở lên, tay ga sẽ trở nên mượt hơn và xe thoát máy hơn rất nhiều, không còn bị hiện tượng giật đặc trưng của động cơ x-lanh đơn như ở những vòng tua thấp. Trên đường phố đông đúc, xe nóng khá nhanh và quạt tản nhiệt hoạt động liên tục khi gặp đường tắc. Tuy nhiên trên bản 390 Adventure KTM đã trang bị 2 quạt tản nhiệt thay vì một như trên chiếc 390 Duke, chính vì vậy sẽ hạn chế hiện tượng xe bị quá nhiệt dẫn tới tắt động cơ.
Nhược điểm của hệ thống quạt tản nhiệt đó là hơi nóng từ quạt phả thẳng trực tiếp vào hai đầu gối và đùi của người lái. Sở hữu lợi thế chiều cao yên lớn nên chiếc adventure cỡ nhỏ của KTM có tầm quan sát tốt, ngoại hình tổng thể gọn cộng thêm góc lái rộng nên xe di chuyển trong phố tỏ ra rất linh hoạt. Những lúc vận hành ở tốc độ cao, dù có ngoại hình tương đối nhỏ gọn nhưng xe vẫn ổn định và không bị hiện tượng chòng chành.
Khối động cơ xi-lanh đơn DOHC 373cc tỏ ra không hề đuối trong các tình huống vượt xe kể cả khi đang vận hành ở tốc độ cao, xe vẫn có độ vọt với mô-men xoắn luôn được đáp ứng tốt ở dải tua từ 7.000-10.000 vòng/phút. Dải tua trên mỗi cấp số của KTM khá ngắn, điều này giúp xe nhanh chóng đạt mô-men xoắn cực đại nhưng cũng gây chút bất tiện khi phải thường xuyên phải lên xuống số trong những lúc đường đông.
Một vài trường hợp giảm tốc không kết hợp xuống số, động cơ sẽ xuất hiện hiện tượng lục khục và kéo ga xe không có độ mượt. Ở tốc độ từ 80km/h trở lên có thể cảm thấy rõ độ rung truyền từ động cơ lên khung và yên xe, nếu chạy trong một thời gian dài sẽ cảm thấy hơi tê người. Kính chắn gió phía trước có thiết kế nhỏ, nếu đi trong phố hoặc chạy off-road thì kính gió này phù hợp. Nếu định mua KTM 390 Adventure để chạy đường dài, bạn có thể sẽ cần một một kính gió lớn hơn để người lái không bị gió đập quá nhiều gây mệt mỏi.
Hệ thống phuộc là điểm mạnh trên 390 Adventure, xe có trọng tâm tương đối cao nhưng cảm giác vào cua vẫn dễ dàng. Trong cua xe ổn định không có hiện tượng vẩy đuôi mỗi lần kéo ga thoát cua. Phuộc trước và sau hành trình lên xuống đều nên người trải nghiệm mỗi lần ôm cua thấy rất tự tin. Còn trong những đoạn đường xấu, khung sườn tỏ ra chắc chắn kết hợp với giảm xóc hấp thụ tốt những phản hồi truyền lên từ mặt đường nên xe không có cảm giác bị chòng chành.
Do có trọng lượng ướt chỉ khoảng tầm 170-175kg, nên việc “vần” chiếc xe trong những đoạn đường xấu không gặp quá nhiều khó khăn. Về trang bị điện tử, ở các điều kiện đường độ bám kém như cát hoặc ướt nước, khi thốc ga tăng tốc cảm giác xe vẫn hơi trượt nhẹ. Điều này chứng tỏ hệ thống kiểm soát lực kéo (MTC) có can thiệp nhưng hơi muộn và chưa thể hiện được rõ ràng.
Trong khi đó ABS hoạt động tốt, chỉ cần dẫm phanh sau mạnh ngay lập tức cảm nhận ngay được phản hồi từ chân phanh. Cuối cùng hệ thống phanh trên 390 Adventure có thể nói ngắn gọn là tốt hơn nếu so với đa số các đối thủ trong phân khúc hiện nay, với chỉ có Honda CB300R và các dòng BMW G 310 mới đạt hiệu năng tương đương. Đây là ưu điểm chung của các dòng xe cùng phân khúc của KTM khi hãng sử dụng heo phanh trước Bybre có tới 4 piston và gắn hướng tâm.
Tổng kết lại, với con số niêm yết là 175 triệu đồng, KTM 390 Adventure sở hữu một mức giá hợp lý nếu so với những gì chiếc xe đang sở hữu. Ngoài danh sách các trang bị “vô đối” trong phân khúc, chiếc xe còn hiệu năng sử dụng đáp ứng tốt những điều kiện đường sá Việt Nam. Có thể nói trong phân khúc adventure tầm trung trên thị trường hiện nay như Kawasaki VersysX 300, BMW G310 GS hay Honda CB500x thì 390 Adventure đang nắm giữ nhiều lợi thế hơn các đối thủ còn lại.