Điều tuyệt vời của năm 2021 là, dù hình ảnh trong Death Stranding là giả tưởng, nhưng nền móng và ý tưởng để biến điều đó thành hiện thực thì đã có rồi, thậm chí anh em dùng mấy năm nay rồi cơ. Đấy chính là đế sạc không dây cho điện thoại, smartwatch hay bàn chải đánh răng. Nguyên lý rất cơ bản với mục tiêu tạo ra cảm ứng từ giữa mạch phát và mạch thu, dựa vào cuộn cảm để tạo ra dòng điện cấp nguồn cho thiết bị. Đấy cũng chính là một trong những ý tưởng mà thiên tài Nikola Tesla lúc sinh thời đã cố gắng nghiên cứu trong khoảng từ năm 1891 đến 1898. Ý tưởng hơn 1 thế kỷ trước giờ đã trở thành tiêu chuẩn của không ít thiết bị điện tử công nghệ.
Thử thách đặt ra cho các kỹ sư và những cái đầu sáng tạo là, làm thế nào để ứng dụng công nghệ tương tự với hai cuộn cảm, nhưng phục vụ cho cuộc cách mạng ô tô điện, để từ đó con người không còn phải lo nghĩ đến chuyện tìm trạm sạc, mà cứ chạy xe đúng làn là xe sẽ được sạc pin? Cứ tưởng đó là câu hỏi đặt nền móng cho những giải pháp trong tương lai 10 đến 20 năm nữa, nhưng ngay hôm nay, những kỹ sư Israel đang tìm ra câu trả lời cho thử thách ấy. Đó là những nhà khoa học và kỹ sư ở startup ElectReon, có trụ sở tại Tel Aviv, Israel.
Quảng cáo
Ý tưởng của họ rất đơn giản mà đầy tiềm năng. Tại sao không đặt cuộn cảm của mạch sơ cấp ở ngay phía dưới mặt đường nhựa, nối trực tiếp dòng điện với mạch sơ cấp, để cuộn cảm của mạch thứ cấp sạc điện cho xe tương tác trực tiếp với mạch sơ cấp dưới mặt đường, vừa đi vừa cấp năng lượng cho xe? Phía dưới mặt đường, những mạch sơ cấp sạc không dây cho xe điện được ElectReon phát triển và thử nghiệm trông như thế này, trước khi đường được phủ nhựa:
Tháng 12/2020, tờ Telegraph đưa tin, rằng thủ đô Tel Aviv của Israel đã bắt đầu thử nghiệm những cung đường có lắp đặt hệ thống cuộn cảm do ElectReon phát triển, để vận hành tuyến xe bus điện công cộng nối liền ga tàu từ đại học Tel Aviv đến vùng ngoại ô Ramat Aviv, “dự kiến vận chuyển hành khách trên tuyến xe bus này từ tháng 01/2021, và sẽ nhân rộng thí điểm nếu mô hình này thành công.” Kể từ đó đến nay, nếu tìm kiếm Google, cái tên ElectReon liên tục xuất hiện với những dự án thử nghiệm đường nhựa sạc không dây cho xe ô tô điện. Gần nhất là 5 ngày trước, khi startup Israel hợp tác với tập đoàn xe Stellantis (Fiat Chrysler Automobiles và PSA Group sát nhập, toàn thương hiệu xe lớn ở châu Âu) và IVECO để thử nghiệm đường nhựa sạc không dây cho xe gia đình và xe tải ở Brescia, Ý.
ElectReon rất tự tin vào mô hình họ đã phát triển được. CEO kiêm đồng sáng lập ElectReon, Oren Ezer từng tuyên bố: “Nó rất dễ ứng dụng, bạn chỉ cần lắp thêm khung cuộn cảm thứ cấp vào xe và kết nối nó với hệ thống pin. Bạn không phải thay đổi bất kỳ phụ tùng linh kiện nào bên trong xe, và những xe điện đang có trên thị trường cũng làm được điều đó.”
Thử thách lớn nhất của công nghệ này nằm ở ba điểm. Thứ nhất, làm cách nào để hai cuộn cảm trên đường và trên xe điện vận hành như ý muốn, sạc pin hiệu quả ngay cả trong lúc xe đang di chuyển ở tốc độ cao. Và thứ hai, làm thế nào để hệ thống nhận diện đúng lượng điện mà một chiếc xe đã sử dụng thông qua hệ thống sạc không dây trên đường, để từ đó tạo ra giải pháp thanh toán nhanh, hiệu quả và chính xác. Thứ ba là chi phí để tạo ra những cung đường cho phép sạc xe điện không dây.
Với thử thách đầu tiên, ElectReon tối ưu hiệu năng sạc giữa cuộn cảm sơ cấp dưới mặt đường và cuộn cảm thứ cấp dưới sàn xe bằng một hệ thống quản lý tự động lắp đặt ngay bên vệ đường, nguồn điện cũng dẫn qua hệ thống này để cấp nguồn cho cuộn cảm trên đường.
Thử thách thứ hai là theo dõi và thanh toán. Cả ba phần linh kiện kể trên đều được quản lý bởi phần mềm điện toán đám mây, cho phép ElectReon đảm bảo lượng điện cấp cho xe là đủ, và tính được luôn lượng điện năng một chiếc xe đã dùng để hạch toán chi phí gửi bill về cho tài xế.
Thử thách thứ ba thì cần thêm thời gian để công nghệ này trưởng thành và chứng minh tác dụng của nó đối với bước chuyển từ xe xăng sang xe điện. Theo ước tính, hiện giờ 1km đường nhựa trang bị cuộn cảm để sạc xe điện không dây có chi phí 600.000 USD. Nhưng công nghệ này sẽ giúp những chiếc xe điện rẻ đi rất nhiều vì hệ thống pin không còn bị yêu cầu phải đủ công suất để chạy quãng đường trung bình từ 300 đến 500km mỗi lần sạc như hiện nay nữa.
Pin cũng là phụ tùng đắt nhất trên một chiếc ô tô điện. Nếu không phải lo nghĩ về tầm vận hành của xe, không phải lo tìm trạm sạc, giá xe điện sẽ rẻ đi rất nhiều nhờ vào việc thu gọn hệ thống pin. ElectReon thậm chí ước tính, nếu hệ thống đường xá phục vụ tốt việc sạc không dây cho xe, thì chi phí sở hữu một chiếc xe điện có thể giảm tới một nửa nhờ vào việc giảm kích thước của hệ thống pin.
Không chỉ dừng lại ở đó, cùng một nền tảng cuộn cảm, ElectReon còn cho phép kích hoạt những mức công suất điện khác nhau để sạc nhiều loại xe, từ xe 4 chỗ gia đình cho đến xe tải, đó là lợi thế riêng có của công nghệ sạc không dây nhờ cảm ứng từ.
Hiện tại nỗi lo lớn nhất khi mua xe điện là hệ thống trạm sạc. Nếu con đường nào cũng cho phép sạc không dây thì nỗi lo này sẽ biến mất ngay lập tức. Ở thời điểm này, công nghệ của người Israel dù chưa đúng thời điểm chín muồi để thay đổi cả thế giới, nhưng những bước đầu tiên mà họ triển khai là vô cùng tiềm năng. Một điểm khó nữa là hiện giờ thế giới vẫn chưa có một chuẩn chung để sạc không dây ô tô điện. Không có những tiêu chuẩn được cả thế giới chấp thuận và ứng dụng, thì rất khó để ElectReon thương mại hóa ý tưởng rất hay của họ.
Quảng cáo
(tổng hợp)