Xe điện có gì đặc biệt và ưu điểm của nó lớn như thế nào, khiến cho các nước hướng tới việc dẹp bỏ cả một nền công nghiệp xe xăng/dầu?
Ai cũng bảo bây giờ là thời của xe điện. Tuy nhiên, ngồi trên một chiếc xe máy dầu nổ máy ầm ầm đợi kẹt xe, trong khi chiếc xe trước mặt vẫn đang thả khói đen khắp tầm nhìn phía trước thì các tin tức về xe điện nghe chừng… xa vời và khó tin.
Nhưng thời của xe điện thật sự đang đến và không thể nào trì hoãn được nữa. Tất cả các nước đều đặt ra lộ trình chuyển đổi từ phương tiện giao thông chạy nhiên liệu hóa thạch sang phương tiện chạy điện. Các hãng xe từ bình dân đến xe thể thao đều dần dần ra mắt các phiên bản chạy điện, tiến tới các dòng xe chạy điện riêng biệt.
Đến cả thị trường “chậm chạp” như Việt Nam cũng đã bắt đầu xuất hiện những chiếc hybrid, PHEV và xe điện chính hãng đầu tiên thì… các bác cứ tin đi. Thời của xe điện đang đến rất gần rồi.
Vậy loại xe này có gì đặc biệt và ưu điểm của nó lớn như thế nào, khiến cho các nước dẹp bỏ cả một nền công nghiệp xe xăng/ dầu để chuyển đổi qua xe điện?
Giảm khói bụi
Ô nhiễm giao thông là 1 trong 6 nguồn gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở các đô thị hiện nay. Đặc biệt mức độ ô nhiễm do các phương tiện tham gia giao thông gây ra tác động trực tiếp, gây những hậu quả không nhỏ cho sức khỏe con người.
Các chuyên gia nhận định, ô nhiễm không khí ở đô thị do giao thông gây ra chiếm tỉ lệ khoảng 70%. Hoạt động giao thông chiếm tới gần 85% lượng khí cacbon monoxit có khả năng gây nhiễm độc cấp và nhiều chất độc hại khác.
Xe điện được xem là cứu tinh của môi trường do nó là loại phương tiện không gây ô nhiễm (Zero Emission Vehicle). Ngồi trên xe điện, người lái và người xung quanh hiển nhiên không phải hít khói bụi từ xe của mình nữa.
Kẹt xe ở Hà Nội
Người lái sẽ dễ dàng nhận thấy sự khác biệt, nhất là khi chạy xe điện lúc kẹt xe. Khi tắc đường kéo dài, động cơ xe chạy xăng/dầu vẫn hoạt động liên tục khiến cho lượng khí thải phát ra lớn hơn, khói bụi nặng hơn. Lượng khí thải này bao phủ trong phạm vi chật hẹp nên người dân hít phải nhiều khí độc. Chưa kể, khói và bụi mịn tại những điểm kẹt xe tập trung cũng góp phần khiến cho không khí tại đó nóng hơn bình thường.
Nhưng khi cả cộng đồng sử dụng xe điện, những nút kẹt xe chỉ đơn thuần tốn thời gian chứ không còn gây mệt mỏi vì khói bụi.
Các tài xế taxi điện đang nghỉ ngơi ở Thâm Quyến, Trung Quốc
Ô nhiễm khói bụi đô thị cũng chính là lý do mà một thập niên trước, Trung Quốc, đất nước từng có các thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới đã phải đưa ra một loạt giải pháp, trong đó nổi bật nhất là khuyến khích, hỗ trợ phát triển xe điện. Bằng hàng loạt chính sách trợ giá, miễn thuế cho xe điện, mỗi năm doanh số bán ra của ngành công nghiệp sản xuất xe điện Trung Quốc đạt hơn 10 triệu chiếc.
Tại các thành phố của Trung Quốc, xe máy điện đã gần như thay thế hoàn toàn xe xăng. Ngay cả xe ba gác, xe chở hàng trong đô thị, thậm chí là xe bus cỡ lớn cũng đã chuyển sang dùng điện một cách phổ biến. Sau 10 năm, chất lượng không khí tại các đô thị lớn tại Trung Quốc đã thay đổi một cách ngoạn mục.
Không gây quá nhiều tiếng ồn
Nhưng không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm không khí, xe điện còn giải quyết cả vấn đề ô nhiễm tiếng ồn.
Theo WHO thì tiếng ồn là nguyên nhân lớn thứ 2 gây ảnh hưởng sức khỏe. Tại Việt Nam, ô nhiễm tiếng ồn đang là vấn đề thời sự, mang tính cấp thiết nhất là tại các đô thị và một số ngành công nghiệp. Mặc dù tiếng ồn không tích lũy trong môi trường như ô nhiễm các chất độc hại khác nhưng nó tác động vào con người và có thể để lại hậu quả lâu dài.
Do cấu tạo đặc biệt nên động cơ xe điện không gây nhiều tiếng ồn. Khi chạy ở tốc độ thấp các xe trang bị động cơ điện (EV) thường vận hành khá yên ắng. Điều này là ưu điểm giúp cho không gian quanh các con đường đô thị yên tĩnh và dễ chịu hơn. Thậm chí, nhiều nước vẫn khuyến nghị các hãng nên lắp thêm hệ thống cảnh báo phương tiện bằng âm thanh (Acoustic Vehicle System – AVAS) để đảm bảo an toàn cho người khiếm thính.
Tăng tốc nhanh
Ô tô sử dụng động cơ đốt trong dùng nhiên liệu hóa thạch chuyển hóa thành nhiệt năng và từ nhiệt năng chuyển thành cơ năng, ma sát nhiều dẫn đến sinh nhiệt lớn và bị thoát ra ngoài thông qua thành xi lanh làm giảm hiệu suất của động cơ.
Trong khi đó, ô tô điện do nguyên lý hoạt động bằng cảm ứng điện từ, quá trình làm việc, truyền tải 100% mô-men xoắn sinh ra để dẫn động, không bị thất thoát qua các bộ phận khác nên có hiệu suất cao hơn. Mặc dù, cũng sinh nhiệt do điện trở dây dẫn nhưng không đáng kể so với động cơ đốt trong.
Cũng nhờ thế, ô tô điện có khả năng tăng tốc nhanh hơn ô tô sử dụng động cơ đốt trong, thậm chí nhanh hơn gần gấp đôi. Mô – men xoắn của xe điện cao hơn, giúp xe đạt tốc độ 0 – 100km/h nhanh hơn ô tô sử dụng động cơ đốt trong tuy nhiên không duy trì được tốc độ lớn trong thời gian dài như động cơ đốt trong. Mặt khác, khi pin có dấu hiệu gần hết, ô tô điện cũng khó tăng tốc độ hơn.
Nếu hay theo dõi các cuộc đua drag lớn trên thế giới, các bác sẽ dễ dàng nhận ra được khả năng tăng tốc đáng nể của xe điện. Ví dụ như cuộc đua giữa Tesla Model S P85D và các siêu xe truyền thống. Về đường dài thì tất nhiên là các mẫu siêu xe thông thường sẽ là giành chiến thắng vì chúng thường đạt tốc độ tối đa hơn 300 km/h, trong khi Tesla Model S P85D là chiếc sedan hạng sang với tốc độ giới hạn ở mức 250 km/h. Thế nhưng, ở “nước đầu” chưa chắc các siêu xe đã có thể thắng được Model S. Với khả năng tăng tốc siêu nhanh từ động cơ điện, Tesla Model S P85D có thể tăng tốc nhanh hơn nhiều siêu xe.
Ít bảo dưỡng, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng hàng tháng
Chi phí sửa chữa và bảo dưỡng mỗi dặm trong vòng đời của một chiếc xe điện thấp hơn một nửa so với các phương tiện truyền thống sử dụng động cơ đốt trong.
Điều này phần lớn là do động cơ điện chỉ có một bộ phận chuyển động, so với động cơ truyền thống thường có hàng chục bộ phận. Có nghĩa là cần phải thay thế ít thành phần hơn trong một chiếc xe điện, dẫn đến người dùng có thể tiết kiệm đáng kể.
Điều này đã được chứng minh trong thực tế. Các bác có thể tham khảo bài viết sau để biết sau 600.000 km/ 400.000 dặm, một chiếc xe điện như Tesla Model X có thể sẽ hư hỏng gì, phải sửa chữa những gì và chi phí bảo dưỡng ra sao.
Chủ động nguồn cung cấp điện, không lo nhiên liệu kém chất lượng
Khi sở hữu một chiếc ô tô điện hay xe máy điện, chủ xe có 2 phương án để cung cấp năng lượng cho nó. Thứ nhất là đem sạc ở các trạm sạc nhanh, thứ hai là sạc chậm tại gia.
Nhờ đó, bản thân người tiêu dùng có thể chủ động cung cấp nhiên liệu cho xe của mình ngay tại gia đình. Ngoài ra, vì điện năng có tính tiêu chuẩn và đồng bộ nên người dùng cũng không cần quá lo về tình trạng xăng giả/dầu giả.
Bảo vệ môi trường bền vững
Để đáp ứng tiêu chuẩn về khí thải và môi trường ngày càng khắt khe, các hãng xe ô tô đang có xu hướng dịch chuyển dần từ xe động cơ đốt trong sang xe điện.
Tuy nhiên, câu chuyện bảo vệ môi trường không hề đơn giản. Các chuyên gia vẫn cảnh báo mối nguy hại về pin, việc sản xuất điện và quá trình xử lý pin. Điều này khiến nhiều người lo ngại rằng đi xe điện có thật sự bảo vệ môi trường không?
Câu trả lời là có.
– Hiện vẫn chưa có nghiên cứu tổng hợp, so sánh hiệu quả giữa xe điện và xe xăng trong điều kiện Việt Nam. Tuy nhiên, có thể khẳng định lợi ích về mặt môi trường, cải thiện chất lượng không khí do các loại xe chạy điện mang lại.
– Công nghệ pin ngày càng phát triển, giúp cho tuổi thọ của pin lâu dài hơn, hiệu suất sử dụng cao hơn, và việc tái chế cũng được xử lý dễ dàng hơn. Đơn cử, Tesla từng tuyên bố 100% pin dùng trong ô tô điện của hãng là loại có thể tái chế.
– Về điện năng, các nhà khoa học cũng cho rằng, mức độ bảo vệ môi trường của xe điện sẽ phụ thuộc vào nguồn cung cấp điện năng của xe; phụ thuộc vào việc chúng ta sẽ dùng công nghệ gì để tạo ra điện, để sạch các phương tiện chạy bằng điện. Nếu chúng ta dùng nguồn điện từ thủy điện, điện gió hoặc điện mặt trời thì đảm bảo bền vững; nhưng nếu chúng ta sử dụng những nhiên liệu hóa thạch để vận hành các nhà máy tạo ra điện thì hiệu quả bảo vệ môi trường sẽ giảm đi.
– Ô tô điện có hiệu suất chuyển đổi năng lượng cao hơn so với các ô tô sử dụng động cơ đốt trong. Do đó, về mặt nào đó sử dụng ô tô điện sẽ tiết kiệm nhiên liệu hơn và giảm ô nhiễm môi trường.
Lộ trình phát triển pin của Volkswagen: (1) Giảm bớt Cobalt trong pin, (2) Gia tăng tuổi thọ pin, (3) Tái sử dụng Lithium và các kim loại hiếm trong quá trình sản xuất pin => Tất cả nhằm giảm bớt sự phụ thuộc của ngành sản xuất pin vào các nguyên liệu thô quan trọng và góp phần bảo vệ môi trường
>>> Đón đọc Những nhược điểm của xe điện
Các bác nghĩ sao về những ưu điểm của xe điện so với xe ô tô truyền thống?