Lợi ích to lớn không của riêng ai
Vào trung tuần tháng 5 vừa qua, trong cuộc họp của Chính phủ với các Bộ, ban ngành, Tập đoàn VinGroup đã đưa ra đề xuất về việc thí điểm miễn thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ đối với ô tô điện trong thời hạn 5 năm. Đây được xem là ý kiến gây sự chú ý nhất từ phía doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc tháo gỡ khó khăn và tạo ra cơ chế riêng cho việc phát triển ngành xe điện tại Việt Nam là một trong những ưu tiên bức thiết hiện nay. Lý giải điều này, các chuyên gia cho rằng ô tô điện không chỉ là một phương tiện giao thông đơn thuần mà còn chứa đựng rất nhiều yếu tố từ hàm lượng công nghệ, phát minh, chế tạo và cả chuỗi cung ứng kèm theo.
Bên cạnh giá trị trông thấy về việc bảo vệ môi trường, thúc đẩy giao thông xanh, ô tô điện còn mang tới nhiều lợi ích to lớn giúp đưa Việt Nam, từ một quốc gia mới có tên trên bản đồ công nghiệp xe hơi thế giới với thương hiệu VinFast, bứt phá lên thành một hiện tượng trong ngành, kéo theo sự phát triển về kinh tế và những yếu tố vĩ mô liên quan.
VinFast e34, mẫu xe điện đầu tiên của VinFast
Xét riêng về đề xuất cơ chế phát triển xe điện của VinGroup, các chuyên gia cho rằng, đây không chỉ là lợi ích của cá nhân một doanh nghiệp mà nó còn là tiền đề để tạo sự phát triển cho toàn bộ các doanh nghiệp tham gia trong ngành công nghiệp chế tạo ô tô, công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam nói chung và ngành xe điện nói riêng, bao gồm cả các doanh nghiệp nước ngoài đang có mặt trong nước.
Bên cạnh sự đồng tình, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế còn cho rằng, đề xuất của VinGroup thực tế còn quá khiêm tốn so với những yêu cầu bắt buộc của việc phát triển công nghiệp xe điện đặt ra. Lấy ví dụ tại một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan hay Singapore, họ đều đang có những chính sách riêng biệt và cụ thể cho việc phát triển xe điện như miễn/giảm thuế phí cho doanh nghiệp, ưu tiên nghiên cứu và phát triển thị trường… Thậm chí, tại một số quốc gia có nền kinh tế phát triển như Mỹ hay Trung Quốc, cơ sở hạ tầng cũng là yếu tố được Chính phủ hết sức chú trọng trong việc đầu tư, xây dựng, tạo cho doanh nghiệp sự tập trung tối đa về cả nguồn lực kinh tế lẫn nghiên cứu công nghệ.
“Liều Doping” đưa công nghiệp chế tạo của Việt Nam bứt phá
Cần phải nhìn nhận thực tế rằng, ngành công nghiệp xe điện mới chỉ thực sự phát triển trên thế giới trong khoảng 10 năm trở lại đây. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam, tuy là một quốc gia đi sau trong lĩnh vực chế tạo ô tô và có thể sau thế giới tới cả trăm năm nhưng, trên mặt trận xe điện, điều này lại hoàn toàn khác. Ngành xe điện được ví như một sân chơi mới với quy mô thị trường khổng lồ nhưng chưa có “Ông lớn” nào làm chủ.
Chẳng thế mà không chỉ những thương hiệu ô tô lâu đời như Mercedes-Benz, Audi, GM… mà ngay cả những “Ông trùm” công nghệ như Apple, Samsung, Xiaomi… cũng đều đang có những bước đi đầu tiên trong công cuộc nghiên cứu và phát triển dòng sản phẩm này.
Xe buýt điện VinBus chạy thử nghiệm tại nhà máy VinFast Hải Phòng
Yếu tố lớn nhất khiến người dùng không chỉ tại Việt Nam mà ở nhiều quốc gia chưa sẵn sàng chuyển sang sử dụng các loại xe xanh, xe điện thân thiện với môi trường phần lớn tới từ những yếu tố chủ quan như cơ sở hạ tầng không có, mặt bằng giá bán xe điện còn quá cao so với xe sử dụng động cơ đốt trong hay tâm lý lo sợ, e ngại đổi mới… Để giải quyết các vấn đề trên, chắc chắn không chỉ doanh nghiệp mà cần tứoi cả sự tham gia và hỗ trợ mạnh mẽ từ phía Chính phủ.
Nếu được Chính phủ tạo điều kiện với những cơ chế riêng, hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp chế tạo xe điện, Việt Nam hoàn toàn có khả năng bứt phá để trở thành “Con Rồng châu Á”. Hơn nữa, các doanh nghiệp trong nước sẽ có bước đệm rất lớn hay nói đúng hơn là một “liều Doping” đủ mạnh để đi tắt đón đầu xu hướng của thế giới.
Tựu chung lại, ngành công nghiệp chế tạo xe điện “Made in Vietnam” đang đứng trước một vận hội vô cùng to lớn. Giống như một chuyến tàu đã khởi hành với tốc độ rất nhanh, nếu để lỡ, có lẽ chúng ta sẽ mãi mãi là người đến sau và chỉ còn biết tiếc nuối trong vô vọng.
Hoàng Vũ (Tuoitrethudo)