Việc khai tử động cơ đốt trong dường như đang diễn ra nhanh chóng hơn khi các nhà sản xuất ô tô lớn tiết lộ kế hoạch không chỉ giảm tốc độ mà trong một số trường hợp, ngừng hoàn toàn việc sản xuất động cơ đốt trong.
Đơn cử, General Motors cho biết hãng sẽ chuyển sang EV vào năm 2035. Ford cho biết tất cả các loại xe bán ở châu Âu sẽ là xe chạy điện vào năm 2030. Volkswagen tuyên bố rằng 70% sản lượng của hãng sẽ là điện vào năm 2030. Jaguar cũng sẽ chỉ bán xe điện vào năm 2025, trong khi Lotus thuộc sở hữu của Geely sẽ theo sau 3 năm sau đó. Hay Volvo sẽ chỉ phát triển xe điện từ năm 2030.
Có thể có một lý do chính đáng cho việc di cư ồ ạt khỏi năng lượng hoá thạch. Bất chấp doanh số bán ô tô nói chung giảm 1/5 trong đại dịch coronavirus, doanh số bán ô tô điện toàn cầu vào năm 2020 đã tăng 43% lên tổng số 3,2 triệu chiếc.
Đó là một xu hướng được cho có sự tương đồng với một cuộc cách mạng công nghệ khác: Internet. Vào cuối những năm 90, những người am hiểu công nghệ đã nâng cấp PC để kết nối mạng. Nhưng sự bùng nổ sử dụng internet trong thiên niên kỷ mới được chứng minh qua các con số. Đến năm 1995, đã có 16 triệu người trực tuyến. Đến năm 2001 là 513 triệu. Ngày nay, có hơn 3 tỷ.
Ô tô điện trước đây thường rất đắt do chi phí pin cao. Tuy nhiên, Madeline Tyson, thuộc nhóm nghiên cứu năng lượng sạch RMI có trụ sở tại Mỹ cho rằng cách đây một thập kỷ, chi phí sử dụng pin là 1.000 USD / kWh, bây giờ nó gần 100 USD/ kWh.
Với 5% số ô tô bán ra ngày nay là xe chạy điện, có vẻ như chúng ta đã có những bước chuyển đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, doanh số bán xe điện sẽ tăng lên 20% chỉ trong 4 năm và đến năm 2030 (đoạn dốc của đường cong), chúng ta sẽ thấy doanh số bán xe điện tăng lên 40%. Từ đó, các chuyên gia dự đoán trong 10 năm tới, hầu như mọi chiếc xe mới được bán đều là BEV.
Theo Autoevolution