Ngày 22/4 tại Hà Nội, buổi tọa đàm “Xu hướng ô tô điện hóa ở Việt Nam” do báo Tiền Phong tổ chức đã diễn ra với sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước như Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), Cục Đăng kiểm Việt Nam, đại diện doanh nghiệp bán xe hybrid là Toyota Việt Nam, bán xe điện là VinFast và đại diện của Cộng đồng Otofun. Tại buổi tọa đàm, những câu hỏi, vẫn đề liên quan đến xu hướng điện hóa ô tô đã phần nào được giải đáp.
Tọa đàm “Xu hướng ô tô điện hóa ở Việt Nam” quy tụ các góc nhìn của các chuyên gia đến từ cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp…
Theo nhận định của các chuyên gia tham dự buổi tọa đàm, thời của ô tô chạy điện đang tới khi nhiều nước trên thế giới đã đặt mục tiêu sản xuất 95% xe điện trong tổng sản lượng của mình vào những năm 2025, 2030. Tuy nhiên ở Việt Nam, ô tô điện chiếm thị phần quá nhỏ và chưa thực sự được chú trọng phát triển.
Ô tô điện hiện nay được phân ra 4 dòng chính là xe hybrid (HEV: Hybrid Electric Vehicle), xe hybrid sạc ngoài (PHEV: Plug-in Hybrid Electric Vehicle), xe điện chạy pin (BEV: Battery-powered Electric Vehicle) và xe điện nhiên liệu Hydro (FCEV: Fuel-cell Electric Vehicle). Trong số này, Việt Nam chưa xuất hiện loại xe FCEV, còn các dòng xe khác đều đã có bán.
Thị phần ô tô điện tại nước ta còn quá nhỏ. Ông Nguyễn Văn Phương – Phó Phòng chất lượng xe cơ giới – Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết trong vài năm trở lại đây, ô tô điện hóa nhập về Việt Nam có tăng nhưng không đáng kể, phần lớn là xe hybrid. “Năm 2019 có khoảng 240 xe nhập khẩu vào Việt Nam; năm 2020 là hơn 400 xe và 3 tháng đầu năm 2021 là gần 600 xe. Hiện nay, ô tô điện vẫn được đăng kiểm cấp phép như xe bình thường, không có khó khăn gì”, ông Phương nói.
Ông Nguyễn Văn Phương – Phó Phòng chất lượng xe cơ giới – Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết ô tô điện không gặp khó khăn gì khi đăng kiểm, tương tự các loại xe ô tô thường.
Như vậy, so với sản lượng tiêu thụ ô tô tại thị trường Việt Nam mỗi năm đang ở mức trên 400 ngàn xe, thị phần ô tô điện đang còn quá nhỏ. Đó là một thách thức cho các nhà sản xuất và phân phối ô tô nếu muốn “bẻ hướng” sang đầu tư bán ô tô điện hóa.
Giải thích cho điều này, PGS. TS Đàm Hoàng Phúc, Phó trưởng môn Cơ giới, Đại học Bách Khoa Hà Nội, chia sẻ cái khó nhất hiện nay để hình thành thị trường ô tô điện là chưa có chính sách hỗ trợ cho người bán (ở đây là nhà sản xuất) và người mua.
PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, Phó trưởng môn Cơ giới, Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Về vấn đề chính sách hỗ trợ, bà Nguyễn Thị Xuân Thúy (Đại diện Cục Công nghiệp – Bộ Công thương) cho rằng thực tế nói Việt Nam chưa có hỗ trợ ô tô điện cũng chưa đúng, bởi dù Quy hoạch công nghiệp ô tô Việt Nam tầm nhìn 2020 không nhắc đến loại xe này nhưng nó đã được hưởng lợi từ định hướng hỗ trợ loại xe thân thiện môi trường, cụ thể là thuế tiêu thụ đặc biệt. Ngoài ra, các nhà sản xuất cũng nhận được ưu đãi tùy theo mức độ rời rạc của linh kiện nhập khẩu, bà Thúy cho biết.
Bà Nguyễn Thị Xuân Thuý – Đại diện Cục Công nghiệp– Bộ Công thương
Hiện thuế tiêu thụ đặc biệt ở Việt Nam được áp dụng đối với các dòng xe theo dung tích xy-lanh, trong đó xe có dung tích dưới 1.5L chịu thuế 35%, các dòng xe từ 1.5L đến 2.0L chịu mức thuế 40% đến 45%, các dòng 2.0L đến 3.0L chịu thuế suất 45%. từ 3.0L đến 4.0L sẽ chịu 50% và lên cao nhất 150% đối với xe có dung tích 6.0L trở lên.
Trong khi đó xe hybrid chỉ chịu mức tương đương 70% thuế cho xe động cơ đốt trong cùng loại, còn riêng với xe điện, mức thuế tiêu thụ đặc biệt là 15% cho tất cả các loại xe. Như vậy, nếu tính giá thành/giá nhập nhập khẩu ngang nhau, giá niêm yết của một chiếc ô tô điện sau khi nộp đủ các loại thuế giảm được ít nhất gần 20% so với xe động cơ đốt trong.