Khi động cơ hoạt động, nhiên liệu trong quá trình đốt cháy trong xi-lanh động cơ sẽ tỏa ra một lượng nhiệt lớn, trong đó chỉ 1/3 sinh công, 2/3 tỏa ra không khí hoặc truyền nhiệt qua các chi tiết như xi-lanh, pít-tông, nắp máy… Nước làm mát có nhiệm vụ đảm bảo nhiệt độ của động cơ không bị vượt quá các giới hạn cho phép, đồng thời ngăn chặn các chất gỉ sét đống cặn hoặc ăn mòn các chi tiết khác.
Thông thường, nước làm mát được lưu trữ ở dạng tuần hoàn khép kín nên rất khó bị hao hụt. Tuy nhiên các chuyên gia khuyến cáo phải thay nước làm mát từ 2 – 3 năm hoặc sau 40.000 – 50.000 km lăn bánh.
Một trong những nguyên nhân chính khiến ô tô bị hỏng trên đường cao tốc chính là do hệ thống làm mát gặp hỏng hóc cơ học. Thường thì có thể do hệ thống làm mát đã bị rò rỉ lớn. Nếu không phát hiện dấu hiệu rò rỉ, bạn cần tìm hiểu những nguyên nhân khác khiến nước làm mát bị hao hụt bất thường.
1. Nguyên nhân hụt nước làm mát nhưng không thấy rò rỉ
Nếu được chăm sóc bảo dưỡng kém, các thành phần bên trong hệ thống sẽ bị lỗi. Bên cạnh đó những thói quen lái xe của tài xế cũng có thể khiến chất làm mát bị mất nhanh.
Những chiếc xe cũ thường dễ gặp phải hiện tượng hao nước làm mát hơn là xe mới do các bộ phận bên trong đã bị hao mòn, chẳng hạn như gioăng phớt không còn khít nữa. Vì vậy tài xế không phát hiện ra bất kỳ dấu hiệu rò rỉ nào. Lúc này nước làm mát bị hao hụt từng chút một và đều đặn.
Ngoài ra, châm thừa/châm thiếu nước làm mát cũng là một nguyên nhân khá phổ biến. Khi đó, chất làm mát nóng lên và nở ra. Nếu đổ đầy bình, nước làm mát sẽ tràn ra khỏi bình vào các bộ phận khác của động cơ. Khi đi vào khoang động cơ có thể gây ra nhiều thiệt hại cho các bộ phận điện và hệ thống dây điện. Ngược lại, nếu châm thiếu nước làm mát sẽ làm động cơ quá nóng, dễ xảy ra hiện tượng quá nhiệt.
Hiện tượng quá nhiệt và sự hao hụt nước làm mát có mối quan hệ với nhau. Mất nước làm mát sẽ làm động cơ quá nhiệt, nhưng quá nhiệt cũng làm hụt mực nước làm mát. Vì thế tài xế chỉ nên đổ nước làm mát trong giới hạn vạch Max (Full) và Min (Low).
Bên cạnh đó còn có thể do xe chở đồ nặng, leo dốc thường xuyên; nắp tản nhiệt bị mòn; hệ thống tuần hoàn khí xả (EGR) bị lỗi; bơm bị mòn.
2. Cách kiểm tra nhiệt độ nước làm mát
Bạn có thể kiểm tra đồng hồ đo nhiệt độ nước làm mát trên bảng đồng hồ:
- Chữ C là viết tắt của COLD – MÁT: Nếu kim chỉ vẫn ở khu vực C thì có nghĩa động cơ hoạt động chưa nóng, nó sẽ tăng dần khi máy nóng.
- Chữ H là viết tắt của HOT – NÓNG : Nếu kim chỉ ở khu vực H thì có nghĩa nhiệt độ nước làm mát tăng cao, động cơ đang quá nóng. Tài xế cần tìm chỗ dừng đỗ xe an toàn, tắt máy và mở nắp capo để động cơ nguội bớt. Sau khi máy móc đã nguội thì mở nắp két nước làm mát để kiểm tra.
Nếu không có nước làm mát chuyên dụng, tài xế có thể dùng tạm nước tinh khiết đóng chai. Sau khi châm xong thì có thể đậy nắp và di chuyển bình thường. Sau đó tài xế cần đến ngay gara để kiểm tra lại để an toàn cho động cơ.
3. Cách nhận biết xe hết nước làm mát
Cách 1: Nhìn vào bảng đồng hồ đo nhiệt độ nước làm mát, nếu kim chỉ vào phần H thì có nước làm mát đã hết.
Cách 2: Nếu đèn “Check Engine” đột nhiên bật sáng chứng tỏ động cơ đang có vấn đề, lúc này nước làm mát nên được kiểm tra đầu tiên.
Cách 3: Xem dưới gầm xe có bị rò rỉ không. Nước làm mát có chất phản quang nên dễ dàng phát hiện ra ngay. Nước làm mát thường có 4 màu chính: xanh đậm, xanh lá, đỏ và hồng, chúng đều có một chỉ số riêng về nhiệt độ đóng cặn hay nhiệt độ sôi.