Thị phần xe du lịch suy giảm khiến Toyota đánh mất vị trí dẫn đầu thị trường ôtô Việt Nam trong năm 2020 về tay Hyundai.
Kết thúc năm 2020, tổng lượng xe du lịch bán ra tại Việt Nam theo báo cáo của Hiệp hội các Nhà sản xuất Ôtô Việt Nam (VAMA), TC Motor và VinFast đạt 336.835 chiếc. Trong đó, ngôi vị hãng xe có doanh số tốt nhất có sự thay đổi giữa Toyota và Hyundai đúng như dự đoán cách đây một tháng.Đồng thời, sự phân chia thị phần trong năm 2020 của 12 thương hiệu có những bất ngờ với sự góp mặt của VinFast, Chevrolet ngừng công bố doanh số bán hàng cũng như Nissan ngừng báo cáo số liệu kinh doanh từ tháng 10/2020.
Hyundai soán ngôi Toyota
Sau 12 tháng, TC Motor cho biết tổng lượng xe tiêu thụ năm 2020 đạt 81.368 chiếc, trong đó có 7.889 xe thương mại và 280 xe chuyên dụng. Như vậy, các dòng ôtô con của Hyundai có doanh số tổng cộng 73.199 chiếc, tăng hơn 3.200 đơn vị so với năm 2019, tỷ lệ tương đương 5,28%.Về phía Toyota Việt Nam, sau khi loại trừ kết quả bán hàng của các dòng xe van thì doanh số tổng của 15 model còn lại đạt 70.627 chiếc trong năm vừa qua. So với năm 2019, kết quả này thấp hơn khoảng 7.900 xe, tỷ lệ giảm đạt 11,27%. Với thị phần tương ứng 21,73% và 20,97%, Hyundai đã vươn lên thành thương hiệu ôtô bán chạy nhất Việt Nam năm 2020.Trong năm qua, dù gặp ảnh hưởng từ dịch bệnh nhưng hãng xe Hàn Quốc vẫn ghi nhận 4/6 sản phẩm tăng trưởng tích cực là Accent, Kona, Tucson và Santa Fe. Trong khi đó, doanh số Grand i10 giảm không đáng kể với tỷ lệ âm 2,87%, khoảng 500 xe. Dòng xe Hyundai gặp khó khăn nhất trong năm 2020 là Elantra, doanh số giảm gần 2.700 chiếc, tương đương 36,36%.
Toyota từ vị trí dẫn đầu đã trở thành kẻ bám đuổi trong cuộc đua song mã với đối thủ Hàn Quốc khi hầu hết sản phẩm đều gặp khó khăn và đánh rơi phong độ. Đáng chú ý nhất phải kể đến doanh số Innova giảm 55,4%, Fortuner giảm 32,8% hay Corolla Altis giảm 24,54%. Hai điểm sáng Vios tăng trưởng 11,3% và Corolla Cross bán hơn 5.900 xe trong 4 tháng không thể giúp Toyota cứu vãn một năm tăng trưởng âm.
Bên cạnh các chương trình khuyến mại từ nhà sản xuất và đại lý trong quý IV, việc toàn bộ 6 dòng xe sản xuất trong nước hưởng chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ được xem là yếu tố quan trọng để Hyundai tăng trưởng và vượt qua Toyota.Trong nửa sau của năm 2020, hãng xe Nhật Bản ra mắt nhiều model mới nhưng doanh số không được cải thiện đáng kể. Một phần vì nguồn cung của các mẫu xe nhập khẩu trong khu vực bị hạn chế, một phần vì những đối thủ có giá bán cạnh tranh được khách hàng ưa chuộng hơn.
Đơn cử có thể kể đến Toyota Wigo gặp khó trước VinFast Fadil và Hyundai Grand i10, hay như Toyota Hilux vẫn bị Ford Ranger bỏ xa, Fortuner tiếp tục lép vế trước Santa Fe hoặc Toyota Innova đánh mất sức hút vào tay Mitsubishi Xpander.
Kia và VinFast tăng trưởng mạnh mẽ
Bên cạnh cuộc đổi ngôi giữa Hyundai và Toyota, cuộc cạnh tranh nội bộ “nhà Thaco” cũng nhận được nhiều sự chú ý khi Mazda bị Kia vượt mặt. Với thị phần đạt 11,63%, Kia trở thành hãng xe bán chạy thứ 3 trong năm 2020, đẩy Mazda với 9,57% thị phần xuống hạng 4.
Lượng xe bán ra của Mazda Việt Nam trong năm 2020 thay đổi không đáng kể khi vẫn đạt hơn 32.000 chiếc, giảm nhẹ khoảng 500 xe với tỷ lệ âm 1,7%. Trong khi đó, Kia có mức tăng trưởng cao nhất thị trường với doanh số nhiều hơn năm 2019 đến 9.077 xe, tỷ lệ đạt 33,74%.
Cái tên chính khiến doanh số Mazda dậm chân tại chỗ là Mazda3, một trong 2 mẫu xe chủ lực của hãng xe Nhật Bản. Giá bán cao khiến thế hệ mới của dòng xe hạng C chỉ bán được gần 9.800 chiếc trong năm vừa qua, giảm gần 4.000 đơn vị so với năm 2019, tỷ lệ giảm 28,9%. Doanh số tăng của CX-5 và CX-8 chỉ bù đắp được phần nào kết quả bết bát của Mazda3.
Về phía Kia, bù đắp cho phần sụt giảm của Morning (giảm 3.083 xe) là sự vươn lên mạnh mẽ của Soluto (tăng 4.915 xe) cùng Sorento mới và Seltos. Xuất hiện trong các tháng cuối năm, 2 dòng xe gầm cao của Kia nhanh chóng đạt doanh số tốt, Sorento ghi nhận mức tăng trưởng gần gấp đôi năm 2019, còn Seltos bán được hơn 6.000 xe sau 4 tháng ra mắt.
Hãng xe có bước tiến lớn cần nhắc đến trong năm 2020 là VinFast. Thương hiệu ôtô Việt Nam trong năm đầu tiên công bố doanh số đã chiếm lấy vị trí thứ 5 trên bảng xếp hạng thị phần với 8,75%.
Tổng doanh số của 3 mẫu xe Fadil, Lux A2.0 và Lux SA2.0 đạt 29.485 chiếc, cao hơn 3 thương hiệu Honda, Ford và Mitsubishi. Chiếm đa số trong đó là VinFast Fadil với hơn 18.000 chiếc, vượt qua Hyundai Grand i10 và Kia Morning để đứng đầu phân khúc xe bình dân cỡ nhỏ.
Mẫu sedan Lux A2.0 bán được hơn 6.000 xe, nhiều hơn 2 đối thủ Nhật Bản là Toyota Camry (5.406 xe) và Mazda6 (1.653 xe). Còn lại, dòng SUV 7 chỗ Lux SA2.0 có doanh số khoảng 5.500 xe, gần tương đương Ford Everest (5.902 xe) và kém Toyota Fortuner khoảng 3.000 xe.Thực tế, giá niêm yết của các mẫu xe VinFast ở mức cao so với mặt bằng chung trong phân khúc. Tuy vậy, doanh số của hãng xe Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng nhờ vào loạt chương trình ưu đãi và giảm giá kéo dài từ giữa năm 2020, kết hợp với chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ cho xe CKD từ Chính phủ.
Các ông lớn gặp khó khăn
Trong số các vị trí xếp sau VinFast, Honda là thương hiệu chịu ảnh hưởng đáng kể nhất từ dịch Covid-19 khi doanh số suy giảm hơn 8.600 xe, tỷ lệ âm 28,83%. Thị phần của Honda từ 10,37% trong năm 2019 giảm còn 7,25% trong năm 2020.
Hãng xe Nhật Bản ở vào tình thế bị động khi nguồn cung từ Thái Lan của CR-V (model cũ), Civic, HR-V, jazz, Brio và Accord bị gián đoạn. Các model này cũng không được hưởng ưu đãi lệ phí trước bạ nên có doanh số hạn chế.
Trong khi đó, Honda City ở vào cuối dòng đời sản phẩm nên không thể cạnh tranh được với Toyota Vios, Hyundai Accent hay Kia Soluto. Phiên bản mới của City bán ra từ đầu năm 2021 nên không đóng góp vào doanh số của Honda Việt Nam.Đến khi mẫu crossover 7 chỗ CR-V ra mắt phiên bản mới lắp ráp trong nước tình hình mới được cải thiện phần nào. Có gần 7.500 chiếc Honda CR-V lắp ráp được bán ra trong 4 tháng cuối năm.Vượt qua Honda là Mitsubishi với 8,6% thì phần. So với Honda, kết quả bán hàng của Mitsubishi có mức sụt giảm thấp hơn, chênh lệch gần 1.700 xe và tỷ lệ tăng trưởng âm là 6,3%.
Xpander là mẫu xe giảm doanh số lớn nhất của Mitsubishi khi sụt giảm hơn 3.200 chiếc, tương đương 16,19%. Bù lại, mẫu sedan cỡ B Attrage với giá bán cạnh tranh ghi nhận tăng trưởng 110%, tương ứng hơn 2.500 xe.
Ford là ông lớn tiếp theo chịu cảnh thu hẹp thị phần, giảm từ 8,61 trong năm 2019 còn 6,96% ở năm 2020. Doanh số xe du lịch của hãng ôtô Mỹ giảm hơn 4.000 chiếc, tỷ lệ âm 16,36%.
Bên cạnh Focus ngừng kinh doanh, doanh số của Ford Việt Nam còn bị ảnh hưởng từ EcoSport và Everest với khoảng 3.200 xe. Hai mẫu SUV 5 chỗ và 7 chỗ giảm tương ứng 29,78% và 24,83%. Dòng bán tải Ford Ranger duy trì phong độ ổn định với hơn 13.000 xe bán ra trong năm vừa qua.
Suzuki và Peugeot là 2 cái tên sau cùng ghi nhận tăng trưởng trong năm 2020, thị phần tương ứng là 2,41 và 1,31%. Hãng xe Nhật Bản bán tốt hơn năm 2019 đến 20,8% (1.250 xe) với 2 model chủ lực là Ertiga và XL7. Trong khi đó, thương hiệu Pháp có tỷ lệ phát triển gần 23,3% với doanh số khoảng 4.400 xe.
Ở 2 vị trí cuối bảng lần lượt là Nissan và Isuzu. Trong đó, Nissan không có số liệu bán hàng trong quý IV, tính từ lúc đổi nhà phân phối tại Việt Nam. Doanh số 2.041 chiếc bao gồm 2 dòng xe CKD là Sunny và X-Trail. Còn với Isuzu, 2 model mu-X và D-max chỉ bán được vỏn vẹn 742 chiếc, giảm 19,6% so với năm 2019.
Nguồn: Zing.vn