Để đi vào động cơ, không khí phải thông qua một chi tiết gọi là “bướm ga”. Khi tài xế đạp ga, bộ phận này sẽ mở ra (rộng hay hẹp tuỳ thuộc vào hành trình đạp chân ga nhiều hay ít) và để gió đi vào ống góp hút. Phần lớn bướm ga được bố trí ở đầu vào của ống góp hút, nối với lọc gió.
Bướm ga sau khi sử dụng thời gian dài sẽ bị đóng cặn khiến hiệu suất động cơ giảm xuống. Điều gì gây ra hiện tượng này? Làm thế nào để vệ sinh bướm ga?
Vì đâu mà bướm ga bị bẩn?
Khi kiểm tra bướm ga, bạn có thể dễ dàng phát hiện muội đen bám bên trong và xung quanh họng hút. Nếu không nhanh chóng vệ sinh thì động cơ rất dễ bị hư hỏng. Cụ thể, bụi bẩn bám chặt vào bướm ga sẽ làm mất vị trí đầu chuẩn của bộ phận này, khiến động cơ không còn hoạt động chính xác, khó nổ máy hoặc oà ga.
Bụi bẩn bám càng nhiều thì độ mở của bướm ga càng dễ bị sai lệch dẫn đến phun xăng không hợp lý. Bên cạnh đó còn có trường hợp cực kỳ nguy hiểm khác, đặc biệt khi đang lưu thông trên đường, là tắt máy đột ngột.
Việc lượng xăng phun không đúng chuẩn do bướm ga bị sai lệch khiến xe tiêu hao xăng nhiều hơn thông thường. Vì thế, để máy luôn vận hành tốt, các tài xế nên nhanh chóng vệ sinh bướm ga khi phát hiện chi tiết này bị bẩn.
Lưu ý, một số ô tô điểu khiển bướm ga bằng cảm biến điện tử nhận tín hiệu và mô tơ điện đóng mở.
Cụ thể, khi nhận tín hiệu đầu vào từ cảm biến ở bàn đạp ga, mô tơ trên bướm ga sẽ điều khiển cánh bướm ga đóng/mở. Loại bướm ga này thường được bố trí bên cạnh thân bướm ga. Nếu phần mô tơ gặp bất kì vấn đề gì, chủ xe sẽ phải thay thế toàn bộ cụm chi tiết.
Vệ sinh bướm ga như thế nào?
Các chủ xe được khuyến cáo nên loại bỏ, làm sạch bướm ga sau mỗi 160.000 km. Tuy nhiên với điều kiện vận hành tại Việt Nam, chúng ta nên vệ sinh bướm ga sau mỗi quãng đường 50.000 km. Điều này sẽ giúp động cơ vận hành tốt và bền bỉ, không bị tiêu hao nhiều nhiên liệu cũng như giảm phát thải.
Nếu bạn muốn tự mình vệ sinh bướm ga thì đây là những dụng cụ bạn cần chuẩn bị: Chất làm sạch bướm ga, dụng cụ sửa chữa ô tô, bộ lọc gió thay thế, giẻ lau, vít đầu phẳng và vít đầu 4 cạnh.
Các bước vệ sinh bướm ga
Đầu tiên, bạn hãy tháo cáp ắc quy. Tiếp đến là tháo nắp bộ lọc khí, bộ cảm biến lưu lượng khí và ống nạp dưới. Hãy cẩn thận khi tháo ống hút khí ra khỏi bướm ga và ra khỏi động cơ. Đến đây, bạn nên kiểm tra bộ lọc gió của ô tô và thay mới nếu bộ phận này bị bám bẩn.
Bước tiếp theo, bạn phun dung dịch vệ sinh bướm ga xung quanh bộ phận này, chờ khoảng 3 phút rồi dùng giẻ lau sạch. Hãy kiểm tra và làm sạch cả các lưỡi ga bên trong. Đừng quên phun thêm dung dịch làm sạch nếu cần để vệ sinh kỹ hơn.
Van điều tiết là một bộ phận khác không kém quan trọng. Hãy tháo nó ra và làm sạch bên trong để đảm bảo an toàn trong quá trình vận hành xe. Cuối cùng, bạn hãy khởi động lại xe và chạy thử vài vòng để kiểm tra tính ổn định.
Tuy trông có vẻ đơn giản nhưng nếu quyết định tự mình vệ sinh, bạn đừng quên tham khảo sách hướng dẫn sửa chữa để thực hiện quy trình chính xác nhé!