Cơ hội lớn từ thị trường trăm triệu dân
Hiện tại, tỷ lệ sở hữu ô tô trên đầu người tại Việt Nam đang thuộc hàng thấp trong khu vực ASEAN. Trong khi đó, thị trường xe hơi ngày càng bùng nổ, nhu cầu sở hữu xe hơi cho mỗi gia đình là xu hướng tất yếu.
Việt Nam trở thành thị trường xe nóng nhất ASEAN khi hàng loạt hãng xe chuyển sang lắp ráp tại Việt Nam.
Theo số liệu của một công ty nghiên cứu của Indonesia, tỷ lệ xe trên đầu người của Việt Nam năm 2019 là 23 xe/1.000 người, đứng gần cuối bảng so với các nước ASEAN. Trong khi đó, Brunei cao nhất với hơn 720 xe/1.000 người, Malaysia là 443 xe/1.000 người và Thái Lan là 225 xe/1.000 người.
Về doanh số, thị trường xe năm 2019 của Việt Nam đạt khoảng 400.000 chiếc, dù tăng hơn 50.000 chiếc so với năm trước song vẫn thấp hơn nhiều quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia. Hai thị trường này đều đang tiêu thụ hơn 1 triệu chiếc xe/năm. Ngay cả như Philippines, Malaysia cũng tiêu thụ trên 500.000 chiếc/năm.
Theo báo cáo bán hàng của Hiệp hội ô tô ASEAN (AAF), trong 8 tháng đầu năm 2020, 8 thành viên thuộc hiệp hội gồm: Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Philippines, Myanmar, Indonesia, Malaysia và Brunei mới tiêu thụ được khoảng 1,39 triệu chiếc xe, giảm 810.000 chiếc so với cùng kỳ năm trước, tương đương mức giảm 58%.
Về giá cả, giá xe Việt vẫn thuộc hàng cao nhất trong ASEAN. Riêng mức tối tiểu của thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào xe cũng đã chiếm ít nhất 35% giá bán ra ngoài thị trường. Chính phủ hiện vẫn kiểm soát giá xe hơi nhờ chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt, phí là lệ phí trước bạ…
Năm 2020, Chính phủ Việt Nam có một số chính sách ưu ái cho doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất xe trong nước. Theo đó, với Nghị định 57/2020, Chính phủ cho phép miễn thuế nhập khẩu một số linh kiện lắp ráp ô tô về mức 0%. Điều này giúp giảm chi phí cho các doanh nghiệp xe hơi lắp ráp trong nước, từ đó giảm giá thành xe bán ra, tăng sức cạnh tranh.
Là đất nước của 100 triệu dân, sức mua đang tăng cao và đặc biệt là cơ hội tiếp cận xe hơi của mỗi người dân ngày một lớn, nên Việt Nam được đánh giá là thị trường xe có dư địa tăng trưởng lợi nhuận ngoạn mục nhất ASEAN. Đây là cơ hội để nhiều hãng xe cạnh tranh, bổ sung nguồn cung, đưa giá xe tại Việt Nam về giá trị thực.
Cuộc chơi lớn cuối cùng?
Từ một thị trường độc quyền tự nhiên, do nguồn cung phụ thuộc hoàn toàn vào các ông lớn, từ năm 2018 Việt Nam bắt đầu tự do hóa thị trường xe hơi bằng việc bãi bỏ thuế nhập khẩu cho xe các nước ASEAN.
Điều này khiến cho thuế nhập khẩu xe Thái Lan, Indonesia vào Việt Nam được loại bỏ 30% đến 45%. Tuy nhiên, việc giảm giá vẫn chưa tương xứng với giảm thuế . Thị trường chủ yếu vẫn thuộc về các “ông lớn” như Toyota, Honda, Ford, hay Thaco…
Cuộc chơi cuối cùng của các hãng xe lớn khi thị trường Việt đã, đang và sẽ mở cửa mạnh hơn, đảm bảo thị trường cạnh tranh và giá xe phù hợp hơn.
Trong hai năm 2019 – 2020, Việt Nam có nhiều chính sách tháo bỏ đối với thị trường xe hơi, trong đó có Nghị định 57 về giảm, miễn hoàn toàn thuế nhập đối với linh kiện xe hơi lắp ráp trong nước; chính sách giảm 50% phí trước bạ đối với xe lắp ráp, sản xuất trong nước.
Tiếp đó là các cam kết tự do hóa thị trường xe hơi bằng cắt giảm 100% theo lộ trình thuế quan thuế nhập khẩu ô tô từ EU từ năm 2021 đến năm 2030 trong khuôn khổ EVFTA. Việt Nam cũng giảm thuế, bỏ thuế xe nhập tương tự với các nước là thành viên CPTPP, trong đó có Nhật Bản, Úc, Canada, New Zealand..
Với sự mở cửa, ưu đãi lớn cho ngành công nghiệp xe hơi, Việt Nam đang chứng kiến sự mở rộng quy mô các doanh nghiệp xe hơi với việc mở rộng các nhà máy sản xuất xe lớn như VinFast, Thaco, Thành Công, Ford.
Cùng với đó là việc đưa hàng loạt mẫu xe nhập khẩu có doanh số bán cao nhất thị trường về lắp ráp tại Việt Nam để giảm giá thành như Xpander của Mitsubishi, CRV của Honda, Fortuner của Toyota…
Theo các chuyên gia về ô tô, động thái quay trở lại Việt Nam của các “ông lớn” ngành xe cho thấy họ rất quan tâm đến thị trường có tiềm năng số 1 khu vực. Điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển nhanh, mạnh của ngành công nghiệp xe hơi Việt Nam cũng như đa dạng nguồn cung cho thị trường xe Việt.
Hơn nữa, từ năm 2021 trở đi, mỗi năm Việt Nam sẽ cắt bỏ thuế nhập xe theo lộ trình đối với xe nhập từ EU từ 7- 8%/năm cũng sẽ góp phần cạnh tranh mạnh mẽ với xe nhập không thuế từ ASEAN. Những lợi thế “không thuế” sẽ không còn và các doanh nghiệp sẽ phải tìm cách mở rộng sản xuất, lắp ráp ở Việt Nam để nhận thêm nhiều ưu đãi của Chính phủ hơn.