Túi khí là gì?
Đây là trang bị an toàn trên ô tô. Túi khí là những túi vải có thể co giãn (hoặc một vật liệu khác) đảm bảo được khả năng thu gọn và dễ dàng bung ra trong trường hợp cần thiết. Nếu không may xảy ra va chạm thì túi khí sẽ được bơm phồng lên tức thì, giúp bảo vệ các bộ phận quan trọng trên cơ thể hành khách và người lái.
Tại sao trên xe đã được trang bị dây đai an toàn nhưng vẫn phải có túi khí?
Trên thực tế, khi va chạm với xe khác hay đâm vào một vật thể cố định nào đó thì xe dứng lại rất nhanh nhưng không lập tức. Ví dụ như khi đầu xe đâm vào hàng ráo chắn cố định hoặc đuôi một chiếc xe đứng yên với vận tốc 50 km/h, thì xe chỉ hoàn toàn dừng lại sau khoảng cách trên dưới 0,1 giây. Tại thời điểm va đập, phía trước của xe bị ngừng đột ngột, tuy nhiên phần còn lại vẫn tiếp tục dịch chuyển với vận tốc 50 km/h do lực quán tính, trong đó có khoang cabin xe.
Trong quá trình va đập, khoang cabin bắt đầu giảm tốc, tuy nhiên hành khách vẫn tiếp tục chuyển động lao về phía trước với vận tốc như vận tốc ban đầu trong khoang xe. Chính vì thế nếu không có các trang bị bảo vệ thì việc chuyển động với vận tốc 50 km/h sẽ khiến người ngồi trong xe bị va chạm với các vật thể trong xe (kính trước, bảng tablo… Có thể nói tốc độ này tương đương với việc bị rơi từ tầng 3 xuống đất. Trong trường hợp này, nếu cả người lái và hành khách đều đã đeo dây an toàn thì tốc độ dịch chuyển của họ sẽ giảm dần, và đống nghĩa với việc giảm được lực va đập tác động lên cơ thể.
Tuy nhiên, đối với những va đập mạnh ( ở vận tốc trên 20 km/h ) thì dây an toàn không thể đảm bảo 100% khả năng bảo vệ và chống va đạp. Chỉ với một lực nhỏ, hàng khách vẫn có thể bị va đập vào các vật thể trong xe. Cũng chính từ cơ sở này, túi khí đã được chế tạo ra để kết hợp với dây an toàn giúp tăng khả năng bảo vệ hoặc va chạm của mặt, đầu với những vật thể trong xe, đồng thời hấp thụ một phần lực va đập từ người lái và hành khách.
Thành phần và quá trình hoạt động của hệ thống túi khí
Để có thể nhận biết được mức độ nguy hiểm của một tình huống vân hành nhất định, hệ thống túi khí trên ô tô gồm các cảm biến va chạm, gia tốc, tốc độ và áp lực phanh… Trong trường hợp, bộ điều khiển nhận thấy những thông số vượt quá giá trị quy định (cảm biến nhận thấy va chạm, lực đạp phanh và gia tốc phanh lớn…) thì lúc này ngòi nổ trong bộ thổi sẽ đánh lửa để đốt chất mồi lửa và hạt tạo khí bơm đầy túi khí. Toàn bộ quá trình trên chỉ mất khoảng 50 miligiây – nhanh hơn một cái chớp mắt.
Ngoài ra có một sự thật thú vị nhưng ít người biết đó là ngay sau khi bơm đầy khí thì túi khí sẽ lập tức xả khí trước khi va chạm với khách hàng (qua các lỗ xả phía sau) nhằm hấp thụ lực của va chạm đó. Nếu không có quá trình này thì việc hành khách lao vào túi khí đang được bơm căng cũng giống như va chạm trực tiếp với bức tường và có thể gây nên chấn thương nghiêm trọng hơn.
Thể tích trung bình của một túi khí cho người lái là khoảng 55 lít. Đối với túi khí cho hành khách lại có thể tích lớn hơn nhiều khi có thể chứa đến 120 lít khí khi bung ra.
Bên cạnh đó, không phải túi khí nào cũng sẽ bung ra khi ô tô xảy ra va chạm, mà chỉ trong một số trường hợp nhất định, loại túi khí phù hợp mới được kích hoạt. Để đảm bảo an toàn cho người trên xe thì mỗi loại túi khí sẽ được bố trí ở các vị trí khác nhau nhưng tuân theo một quy chuẩn hoạt động riêng. Ví dụ như túi khí rèm cửa sẽ chỉ bung khi phát hiện va chạm mạnh ở phần hông xe, túi khí trước thì được thiết kế để bung ra khi va chạm ở ngưỡng tốc độ trên 20 km/h.
Túi khí là trang bị dùng một lần, chính vì vậy sau khi túi khí được bung ra thì tài xế nên đưa xe đến các địa lý, garage để thay thế một bộ túi khí khác, và đồng thời cũng là để khắc phục thiệt hại cho xe sau lần va chạm đó.
Các chỉ dẫn an toàn để phát huy tối đa khả năng bảo vệ của túi khí
Lưu ý khi ngồi trên xe thì phải thắt dây an toàn do túi khí cũng chỉ là một trang bị hỗ trợ thêm cho dây đai an toàn. Tuy nhiên trên thực tế, đây thường là thiếu sót của rất nhiều người Việt khi có nhiều người quan niệm rằng chỉ ở băng ghế trước mới cần cài dây an toàn. Thế nhưng nếu không thắt dây an toàn đúng cách, bất cứ vị trí nào trên xe cũng đều đối diện với nguy cơ tử vong khi xảy ra va chạm.
Ngoài ra, người lái và cả hành khách ở hàng ghế trước cũng nên điều chỉnh ghế ra xa nhất có thể, đặc biệt là những người có vóc dáng nhỏ. Giữ khoảng cách 25 cm (10 inch) từ vô lăng đến xương ngực để đảm bảo an toàn tối đa khi túi khí được bung ra.
Còn đối với trẻ em, trẻ dưới 12 tuổi thì nên được ngồi ở băng ghế sau và thắt dây an toàn khi xe chạy. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cũng cần được trang bị ghế chuyên dụng phù hợp với kích cỡ khi ngồi trên xe và cũng phải thắt dây an toàn.