Theo kinh nghiệm mua ô tô cũ của các chuyên gia, bạn lái thử càng lâu càng có nhiều cơ hội để phát hiện ra các vấn đề trên xe. Thông thường, các vấn đề này sẽ bộc lộ rõ nhất trong lúc xe đang vận hành.
Ví dụ, trên xe số tự động, dấu hiệu động cơ quá nhiệt sẽ bắt đầu lộ rõ nhất khi đã chạy được từ 20 – 30 phút. Một số vấn đề khác như tiếng kêu của vòng bi, rung lắc của hệ thống truyền động, nhao lái của vô lăng, tiếng ồn của lốp xe dễ nhận thấy hơn khi lái xe trên đường cao tốc.
Trong khi đó, tài xế nên kiểm tra hoạt động của hệ thống treo và hệ thống lái khi di chuyển trên đường gồ ghề. Rất khó để kiểm tra các dấu hiệu này nếu chỉ di chuyển trong thành phố. Lái thử trên các kiểu đường khác nhau để kiểm tra khả năng vận hành của xe.
1. Kiểm tra khi xe đứng yên
Đầu tiên, bạn phải tự trả lời một số câu hỏi dưới đây để kiểm tra tình trạng của động cơ:
– Động cơ nổ và khởi động có dễ dàng không? Chạy mượt mà hay bị rung lắc?
– Có tiếng ồn nào khác lạ không?
Đây là các dấu hiệu phải chú ý kỹ khi kiểm tra lúc xe đang đứng yên. Loại bỏ bất kỳ chiếc xe nào nếu có vấn đề ở động cơ, vì chăm sóc sửa chữa các vấn đề này rất tốn kém.
Thứ hai, đánh giá việc chuyển số từ P sang D hoặc từ P sang R, xem việc chuyển số có diễn ra ngay lập tức hay bị trễ. Tránh mua những xe có độ trễ lâu hoặc bị cứng khi chuyển số.
Đồng thời, bạn thử lắng nghe xem xe khi chuyển từ P sang R có phát ra tiếng kêu hay không. Nếu có, đây là lỗi ở hệ thống truyền động hoặc hệ thống lái, bạn không nên mua nữa.
Cuối cùng, bạn cần kiểm tra phanh có bị chạm sàn, bị xốp hay bị cứng không. Bên cạnh đó, bạn có thể kéo thử phanh tay để xem xe có giữ được khi đỗ nghiêng không. Nếu xuất hiện bất kì dấu hiệu nào vừa nêu, bạn nên tìm kiếm một chiếc xe khác.
2. Kiểm tra khi đi trong thành phố
Khi kiểm tra xe bằng cách di chuyển trong thành phố, bạn nên để ý:
– Phản hồi động cơ có mượt mà không, phản hồi nhanh hay chậm?
– Khi tăng tốc có bị trễ hay không?
– Khi dừng ở đèn đỏ, động cơ chạy không tải thế nào? Vòng tua máy có lên xuống không?
– Động cơ có đủ công suất không? Đối với động cơ turbo (tăng áp), hãy để ý khói và tiếng động bất thường hoặc độ phản của động cơ.
Người mua khi lựa chọn xe số tự động hoặc số vô cấp CVT cần kiểm tra xe có bị rung lắc, giật cục; vòng tua máy khi tốc độ ổn định có lên xuống; chuyển số có mượt mà; xe khởi động có bị rung hay không.
Xe số tự động cũng thường có hiện tượng trượt số xảy ra khi nhấn ga. Lúc này, vòng máy tăng nhưng tốc độ không đổi. Nếu xe giật hoặc rung lắc khi tăng tốc hay sau khi phanh gấp, rất có thể hộp số đã bị mòn.
Khi kiểm tra xe số sàn, bạn cần thử tăng và giảm tốc ở từng số và lắng nghe liệu có tiếng ma sát hoặc tiếng kêu lạ khi chuyển số. Một hộp số bị mòn có thể không gài số được và khiến chân côn run hoặc tạo tiếng động bất thường khi nhấn/nhả.
Một bộ phận quan trọng khác cần kiểm tra là ly hợp. Nếu bộ phận này bị mòn, nó sẽ chỉ hoạt động khi nhả ra gần hết. Trong trường hợp tệ hơn, nếu ly hợp bị hỏng, xe sẽ bị trượt nếu tăng tốc khi cài ở số 2,3,4 hoặc có mùi khét.
Dành cho xe sử dụng hệ dẫn động AWD: bộ vi sai cầu sau hoặc khớp nối AWD hỏng sẽ gây ra hiện tượng rung, lắc từ phía sau xe khi rẽ.
Mặt khác, bạn cũng nên để ý xem xe có nhao lái, lệch tâm khi giữ thẳng; hệ thống treo hoạt động tốt khi qua đường xóc; xe có bị trượt nghiêng sang một bên khi phanh hay không.
3. Kiểm tra trên đường cao tốc
Khi xe đang chạy trên đường cao tốc mà bị rung, đây là dấu hiệu của việc lốp, vành hoặc hệ dẫn động đang có trục trặc. Ngoài ra, bạn cũng có thể kiểm tra khả năng cách âm của xe ở thời điểm này. Nếu có tiếng ồn phát ra từ các bộ phận khác, rất có thể xe đang gặp vấn đề.
Ngoài ra, người mua cũng nên để ý liệu xe có chạy ổn định hay bị lệch, vô lăng có rung lắc khi phanh, xe giảm tốc khi đi ra đường cao tốc.
4. Sau khi lái thử
Bạn nên tránh xa các loại xe mà có đèn cảnh báo trên táp lô, xe báo quá nhiệt hoặc nhả khói bất thường từ ống xả. Hãy lái thử một chiếc xe cùng mẫu để so sánh.