Đây được xem là dấu hiệu của một thời kỳ “thắt lưng buộc bụng”mới ở Detroit – thủ phủ công nghiệp ô tô Mỹ – sau giai đoạn thịnh vượng kéo dài mấy năm qua.
Ngày 6/5, General Motors (GM) – hãng xe lớn nhất của Mỹ – báo lợi nhuận quý 1/2020 đạt 294 triệu USD, giảm 87% so với mức lãi 2,2 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, so với hai đối thủ đồng hương, GM vẫn may mắn hơn nhiều: cả Ford và Fiat Chrysler đều đã báo lỗ đậm trong quý đầu năm.
Cắt giảm và trì hoãn
Xe bán tải là dòng sản phẩm giúp GM tránh được tình trạng thua lỗ trong bối cảnh đại dịch hoành hành, nhưng Covid-19 cũng đã khiến hãng này thiệt hại 1,4 tỷ USD trong quý 1 – báo cáo kết quả kinh doanh của GM cho hay.
Cũng trong quý 1, Fiat Chrysler lỗ 1,8 tỷ USD, từ chỗ lãi gần 552 triệu USD trong cùng kỳ năm ngoái. Ford lỗ 2 tỷ USD, so với khoản lãi 1,1 tỷ USD vào quý 1/2019.
Fiat Chrysler cho biết sẽ cắt giảm 1 tỷ USD khỏi kế hoạch đầu tư cơ bản trong năm nay và trì hoãn 3 tháng đối với một loạt kế hoạch ra mắt xe mới. Ford dự tính giảm 10% ngân sách đầu tư cơ bản của cả năm.
Ngay lúc này, việc thắt chặt ngân sách đã bắt đầu gây áp lực lên kế hoạch đầu tư công nghệ lâu dài của các hãng xe, chẳng hạn công nghệ ô tô điện và xe không người lái – hai lĩnh vực vốn được xem giữ vai trò trụ cột trong chiến lược cho tương lai của các hãng xe.
Tuần trước, Ford tuyên bố lùi kế hoạch triển khai dịch vụ xe thương mại không người lái sang năm 2022, thay vì vào năm 2021 như dự tính ban đầu. Hãng cũng hủy kế hoạch phát triển một chiếc SUV Lincoln chạy điện – dự án hợp tác với startup xe điện Rivian Automotive. Ngoài ra, Ford còn hoãn kế hoạch ra mắt mẫu SUV Bronco mới và có thể hoãn việc thiết kế lại mẫu bán tải F-150, chiếc xe bán chạy nhất của hãng.
Về phần mình, GM mới đây cho biết đã tạm dừng dự án dịch vụ chia sẻ xe có tên Maven. Trong số những dự án ra mắt xe mới mà GM tạm hoãn có dự án SUV điện Hummer – một kế hoạch được thị trường chờ đợi trước khi Covid-19 trở thành đại dịch ở Mỹ.
Tại Fiat Chrysler, các mẫu xe mới như SUV Grand Cherokee và Jeep Grand Wagoneer cũng bị hoãn ra mắt.
Các nhà điều hành trong ngành ô tô Mỹ nói họ vẫn giữ vững cam kết với các dự án công nghệ mới. Nhưng giới phân tích cho rằng các dự án đó phải mất nhiều năm nữa mới có thể mang lại lợi nhuận và có thể chịu nhiều sức ép nếu đại dịch Covid-19 buộc các hãng xe phải kéo dài khoảng thời gian thắt chặt chi tiêu.
Trong một cuộc trao đổi qua điện đàm với các nhà phân tích sau khi công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 1, Tổng giám đốc (CEO) Mary Barra của GM nói rằng cuộc khủng hoảng Covid-19 đang khiến hãng phải đưa ra những lựa chọn khó khăn, bao gồm lựa chọn về những hạng mục chi tiêu mà mới cách đây chỉ vài tháng còn được xem là quan trọng.
“Khi xem xét thực sự kỹ lưỡng, bạn sẽ tìm thấy cơ hội để tiết kiệm chi phí”, bà Barra nói.
Nỗi sợ hết tiền
Trong 5 năm qua, các hãng xe Mỹ lên kế hoạch kinh doanh dựa trên mức doanh số toàn thị trường đều đặn đạt khoảng 17 triệu xe mỗi năm. Mức doanh số ấn tượng này dựa trên môi trường lãi suất thấp và nền kinh tế Mỹ giữ đà tăng trưởng suốt từ sau khủng hoảng tài chính. Hiện nay, công ty phân tích thị trường IHS Markit dự báo doanh số thị trường ô tô Mỹ chỉ đạt khoảng 12,5 triệu xe trong 2020 do ảnh hưởng của đại dịch. Nhiều nhà phân tích cũng cho rằng mức doanh số của năm 2021 sẽ tiếp tục thấp hơn nhiều con số của những năm gần đây.
Ở thời điểm này, “tam đại gia” ô tô Mỹ đang tập trung vào việc mở cửa trở lại các nhà máy sản xuất xe ở khu vực Bắc Mỹ bị đóng cửa suốt từ giữa tháng 3. Nhưng giới chuyên gia cho rằng, cho dù các nhà máy có hoạt động bình thường trở lại, thì nhu cầu mua xe tụt xuống thấp sẽ buộc các hãng phải cắt giảm thêm chi phí và hạ mức sản lượng.
Giám đốc tài chính (CFO) Dhivya Suryadevara của GM dự báo sản lượng toàn cầu của hãng sẽ giảm 60-70% trong quý 2. Các nhà phân tích thì dự báo GM sẽ “đốt” khoảng 7-9 tỷ USD tiền mặt trong khoảng thời gian đó.
Nếu so với thời điểm trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính 2008 – cuộc khủng hoảng khiến GM và Chrysler phá sản, còn Ford may mắn thoát hiểm trong gang tấc – các hãng xe Mỹ hiện nay ở trong tình trạng tốt hơn. Nhưng kết quả kinh doanh quý 1 của họ cho thấy dự trữ tiền mặt có thể “bốc hơi” nhanh thế nào khi đại dịch khiến cả nguồn cung lẫn nhu cầu của ngành ô tô cùng sụt giảm chóng mặt.
Cả ba hãng xe đều đang chạy đua cải thiện dự trữ tiền mặt. Gần đây, GM, Ford và Fiat Chrysler đã bổ sung tổng cộng hơn 45 tỷ USD tiền mặt vào bảng cân đối kế toán của họ, thông qua phát hành trái phiếu mới hoặc sử dụng các hạn ngạch tín dụng. Ford và GM cùng dừng việc trả cổ tức cho cổ đông, theo đó tiết kiệm được ít nhất 2 tỷ USD mỗi năm.
Cùng với đó, các hãng cố gắng tiết kiệm chi phí một cách tối đa có thể, vì họ tin rằng quý 2 sẽ khó khăn hơn nhiều so với quý 1. Dòng tiền thu về từ các đại lý xe đang dần cạn kiệt, trong khi các hãng tiếp tục phải trả cho các nhà cung ứng các hóa đơn mua linh kiện đã đến hạn thanh toán.
Ford cho biết hãng tiêu tốn hơn 2 tỷ USD mỗi tuần kể từ khi bắt đầu đóng cửa nhà máy vào khoảng hôm 20/3. Fiat Chrysler tiêu hơn 5 tỷ USD trong quý 1.
Theo Wall Street Journal