Nếu xe điện luôn âm thầm chờ đợi ở chế độ khởi động thì động cơ đốt trong phải trải qua một quá trình đốt cháy nhiên liệu trước khi sản sinh sức mạnh. Động cơ đốt trong cần một khoảng thời gian để xảy ra các quá trình piston bơm, nén, nổ, xả trong xi-lanh trước khi sinh công. Trong khi đó, tất cả những phản ứng gần như là tức thời trên động cơ điện.
Xe điện truyền tải 100% mô men xoắn sinh ra để dẫn động, không bị thất thoát qua các bộ phận khác. Khi người điều khiển đạp chân ga, xe ngay lập tức tăng tốc mà không có hiện tượng trễ. Do đó, những mẫu xe điện thường có thời gian tăng tốc ngang với những chiếc siêu xe sử dụng động cơ đốt trong.
Khi thí nghiệm động cơ V12 trên chiếc Lamborghini Aventador. Ở vòng tua 1.000 v/ph, động cơ chỉ tạo ra mô men xoắn 95 Nm. Trong khi đó, một chiếc Tesla Model S sản sinh công suất lên tới 660 Nm. Điều này giúp Tesla Model S tăng tốc từ 0-100 km/h chỉ trong vòng chưa đầy 3 giây.
Công nghệ ngày càng phát triển, dòng xe điện cũng đang được Chính phủ các nước đẩy mạnh và ưu tiên hơn. Tại Việt Nam, mới đây, ngày 24/3/2021, Công ty TNHH Kinh doanh Thương mại và Dịch vụ VinFast chính thức công bố nhận cọc mẫu ô tô điện đầu tiên VFe34 với giá 690 triệu đồng. Chỉ sau 12 giờ đồng hồ mở bán, hãng xe Việt thu được 3.700 đơn đặt hàng VFe34. Trước đó, thị trường Việt Nam đã xuất hiện nhiều mẫu xe điện nổi tiếng khác như: Tesla Model 3, Porsche Taycan…
Theo thời gian, những mẫu xe sử dụng động cơ đốt trong hiện đang dần bị loại bỏ khỏi danh mục sản phẩm của các hãng. Xét nhiều mặt, động cơ điện có lợi và ưu việt hơn động cơ đốt trong. Các dòng xe điện có thể đảm bảo tương lai phát triển bền vững nhờ khả năng di chuyển thân thiện với môi trường.