Mục tiêu lớn của Michelin là trở thành nhà sản xuất lốp xe bền vững, bảo vệ môi trường vào năm 2050. Để đạt được mục tiêu này, Michelin luôn tìm kiếm những loại vật liệu mới, thân thiện với môi trường.
Mới đây, Michelin công bố đã thử nghiệm và sẽ sử dụng loại sợi có độ bền cao được làm từ nhựa tái chế trong sản xuất lốp xe. Vật liệu mới này có nguồn gốc chất thải nhựa PolyEthylene Terephthalate (PET) được tái chế bằng enzym theo quy trình của Carbios. Đây là một phương pháp sáng tạo mới để tái chế tất cả các loại chất thải PET.
Carbios, là một công ty tiên phong trong các giải pháp công nghiệp sinh học nhằm tái tạo vòng đời của polyme dệt và nhựa. Đơn vị này cho biết các sản phẩm PET tái chế (RPET) có thể được tạo ra với chất lượng gần tương đồng như được sản xuất bằng PET nguyên sinh.
Như vậy, Michelin chính là nhà sản xuất đầu tiên trên thế giới ứng dụng công nghệ tái chế enzym PET trong lốp xe ô tô. Các loại sợi tái chế của Carbios có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật về lốp của Michelin. Không những vậy loại vật liệu mới này còn rất thích hợp để sản xuất lốp xe khi có khả năng chống vỡ, dẻo dai và ổn định trước sự tác động của nhiệt.
Giám đốc nghiên cứu của Michelin, Nicolas Seeboth cho biết: “Chúng tôi rất tự hào là người đầu tiên sản xuất và thử nghiệm sợi tái chế cho lốp xe. Loại vật liệu này được làm từ các chai nhựa và được tái chế bằng công nghệ enzym của đối tác của chúng tôi, Carbios.”
Hàng năm, có khoảng 1,6 tỷ lốp xe ô tô được bán ra trên toàn thế giới, tương đương 800.000 tấn PET được sử dụng mỗi năm. Việc ứng dụng nhựa tái chế, Michelin đã giúp giải quyết tương đương 3 tỷ chai nhựa sử dụng để sản xuất lốp xe mới.