Không ít người (bao gồm cả các nhà đầu tư và khách hàng Toyota) đã chỉ trích cách tiếp cận có phần bảo thủ của thương hiệu Nhật, tuy nhiên hãng khẳng định họ có lý do riêng của mình. Mục tiêu hãng đặt ra, ngay cả tại thị trường chuộng xe điện như Mỹ, cũng chỉ là 15% doanh số tới từ xe điện và xe chạy pin nhiên liệu hydro từ nay tới 2030.
Ngược lại, hãng xe Nhật tin rằng xe hybrid sẽ chiếm 55% tổng doanh số Bắc Mỹ. Tổng cộng, 70% xe Toyota bán ra ở thời điểm cuối thập kỷ này sẽ sử dụng công nghệ điện hóa hoặc nhiên liệu thay thế.
Tương tự, mục tiêu toàn cầu của Toyota với xe điện hóa là rất khiêm tốn khi chỉ dừng ở 8 triệu xe trước năm 2030, trong đó khoảng 2 triệu là xe điện và xe chạy pin nhiên liệu hydro.
Theo lý giải của giám đốc điều hành Toyota Bắc Mỹ Chris Reynolds, “nhiều người tin rằng dồn tài nguyên vào một giải pháp duy nhất sẽ giúp họ đạt mục tiêu nhanh chóng hơn nhưng Toyota tin rằng đầu tư vào nhiều giải pháp song song là phương thức tốt hơn để đạt mục tiêu ‘không xả thải khí carbon’ trên quy mô toàn cầu”.
Vị lãnh đạo này cũng không quên nhấn mạnh rằng không phải bất cứ hãng xe nào khác mà chính Toyota mới là thương hiệu có tổng số xe điện hóa lớn nhất thế giới trong lịch sử, thậm chí là khi tính tổng toàn bộ các hãng xe khác cộng lại. Hành trình của Toyota khởi đầu từ RAV4 EV (1997) và đạt cao trào với Prius.
Nói riêng về xe điện, Reynolds khẳng định họ sẽ mạnh tay theo đuổi phân khúc này khi mà cơ sở hạ tầng phục vụ mục đích sạc xe cũng như chi phí sản xuất đạt ngưỡng ưu việt hơn.
Hiện tại mẫu xe điện hoàn chỉnh đầu tiên của Toyota là bZ4X thuộc thương hiệu con bZ (Beyond Zero) vẫn chưa được sản xuất mà phải chờ tới 2022. Về phần Lexus, họ đã bắt đầu làm xe điện từ 2019 với UX 300e và trong tương lai gần cũng sẽ sớm ra mắt các series xe điện hoàn toàn mới thay vì chỉ là một phiên bản của xe sẵn có như hiện giờ.
Tham khảo: Carscoops