Sau đợt giãn cách xã hội quy mô lớn được nhiều quốc gia thực hiện hồi đầu năm làm đình trệ sản xuất và kinh doanh, nhiều thương hiệu xe đã trở lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết vào cuối năm, đặc biệt là quý IV.
Toyota dự kiến đạt sản lượng cao hơn cả 2019, SUV Volvo hay Porsche đạt doanh số vượt xa 12 tháng trước hay thị trường Trung Quốc trở lại đột biến đều là những tin mừng cho thấy dù khó khăn còn ở trước mắt, các hãng xe toàn cầu hoàn toàn có cơ sở tự tin vào một màn “comeback” mạnh mẽ khi bước sang năm mới 2021.
Bỏ qua một năm 2020 đầy biến động, 2021 hứa hẹn sẽ chứng kiến tốc độ chuyển giao từ cũ sang mới nhanh, mạnh hơn nhiều so với giai đoạn thập kỷ trước khi các hãng xe buộc phải chạy đua, “đi tắt đón đầu” để mong giành ưu thế về riêng mình. Dưới đây là những xu thế được dự đoán sẽ làm thay đổi bộ mặt làng xe và phân bố quyền lực trên toàn cầu.
Cuộc đua vũ trang mang tên xe điện
Xe điện là cụm từ có lẽ là hot nhất trong làng xe năm 2020 khi người người, nhà nhà đua nhau làm xe điện. Tesla vẫn giữ ngôi vị số 1 phân khúc này nhờ nền tảng sẵn có nhưng một khi các thương hiệu truyền thống đã bắt đầu nghiêm túc, họ chắc chắn phải cải thiện chất lượng các dòng sản phẩm của mình nếu không muốn vì chủ quan mà mất đi thế độc tôn.
Volkswagen đã và đang ra mắt hàng loạt xe điện mới cho thương hiệu con I.D., Toyota dù chậm chân nhưng cũng đã manh nha giới thiệu một số dòng xe điện chưa kể quân bài tủ ắc quy điện thể rắn đang phát triển, Mercedes đưa đội hình EQ vào mở bán đại trà tương tự là Audi với các dòng E-Tron hay BMW với series I mới thời hậu i8.
Ở “chiếu dưới”, các hãng xe phổ thông cũng không hề bỏ bê phân khúc xe của tương lai này. Hyundai và Kia đều đã công bố dự án riêng, Mazda bất ngờ đi trước các đối thủ với MX-30, Nissan có Ariya SUV, Chevrolet chuẩn bị SUV Bolt, Honda đã mở bán e tại châu Âu… làng xe điện đã và đang hot hơn bao giờ hết và chỉ 5 năm nữa thôi ta có thể thấy một thị trường ô tô rất khác nơi xe điện chiếm tỉ lệ đa số trong lượng xe mới ra mắt.
Một điểm đáng chú ý là ngoài xe điện, một mảng xe của tương lai khác là xe tự lái lại hạ nhiệt bất ngờ. Trái với giai đoạn 1, 2 năm trước, giờ phần lớn các hãng xe đã nhận ra rằng đây chưa phải thời điểm thích hợp để phổ biến dòng xe này.
Thực tế, công nghệ chế tạo xe điện dù chưa thật sự chín muồi nhưng vẫn ở đẳng cấp cao hơn rất nhiều so với mặt bằng chung công nghệ tự lái hiện tại – vốn chưa đạt nổi cấp 4 chứ chưa nói mức tự vận hành hoàn chỉnh là 5.
Bên cạnh đó, trái với điểm yếu của xe điện là cơ sở hạ tầng có thể được bổ sung và nâng cấp từ từ, lâu dài, xe tự lái cần một mạng lưới kết nối giữa cơ sở hạ tầng – xe, xe – xe ngay lập tức để có thể đạt trạng thái tối ưu. Yếu tố này, dù trong 5 hay 10 năm nữa, vẫn gần như là không thể, vậy nên mảng này nên là mảng đầu tư lâu dài thay vì cố gắng tiêu tốn tài nguyên để chạy đua mà hiệu quả chẳng đạt bao nhiêu.
Cơn bão mang tên SUV chưa có hồi kết
COVID-19 chứng minh một điều là dù kinh tế có khó khăn tới đâu, SUV dù giá cao vẫn được người dùng ưa chuộng hơn cả. Ngỡ tưởng tài chính khó khăn sẽ khiến người mua “chùn tay” chọn các dòng xe sedan/hatchback có giá hợp lý hơn nhưng không, SUV vẫn là chủ lực doanh số của các hãng xe từ sang tới thường, từ to tới nhỏ.
Toyota RAV4 đang là SUV bán chạy nhất toàn cầu.
Sau khi cải thiện yếu tố tiện nghi so với giai đoạn 10, 20 năm trước, SUV đã trở thành dòng xe toàn diện nhất thị trường khi kết hợp thiết kế mạnh mẽ, sự tiện dụng trong chở/chứa đồ, khả năng vận hành đa năng và cabin rộng rãi, phóng khoáng.
Nhìn ra tương lai 10, 20 năm nữa, ta vẫn khó lòng thấy khả năng có phân khúc nào có thể lật đổ thế thống trị của SUV như hiện tại chứ chưa nói là ngay năm 2021.
Xe và mua xe online
Giãn cách xã hội vì COVID-19 mở đường cho hình thức chọn, xem và mua xe hoàn toàn mới thực hiện 100% qua Internet. Người dùng sẽ được nhân viên đại lý cho xem xe bằng… livestream, đồng thời được tư vấn và giải đáp các thắc mắc cùng lúc. Họ sau đó sẽ thử tùy biến xe theo ý muốn thông qua bộ tùy biến được hãng cung cấp trên trang chủ và sau đó, nếu ưng ý, có thể thanh toán online và nhận lịch bàn giao luôn.
Thực tế, ngoại trừ việc không được “sờ nắn” thử chiếc xe mình định mua, phương thức này vô cùng thuận lợi về toàn bộ các mặt khác đối với người dùng. Thương mại điện tử đã bùng nổ từ nhiều năm trước và cuối cùng chúng đã lan đến mảng bán xe nhờ “thuốc dẫn” chẳng ai ngờ tới là COVID-19.
In 3D và dây chuyền tự động
Tự động hóa sản xuất là mục tiêu mà mọi hãng xe nhắm đến để giảm thiểu sai sót trong khâu lắp ráp, đồng thời tiết kiệm chi phí nhân công trong khi sản lượng được tăng cường. Dù vậy, cho tới thời điểm này ngoài thị trường vẫn chưa có bất kỳ một hãng xe nào thực hiện được hiệu quả 100%. Ngay cả Tesla, đơn vị tự hào nhất về mảng sản xuất tự động của mình, vẫn gặp lỗi xe như cơm bữa và thậm chí khiến họ mang tai tiếng là hãng xe có đội hình kém bền bỉ, đáng tin cậy nhất.
Trong năm 2021, nhà máy Factory 56 tối tân của Mercedes-Benz cùng tổ hợp nhà máy Wolfsburg của VW sau đó 1 năm hứa hẹn sẽ đưa chuẩn lắp ráp tự động của ngành công nghiệp ô tô lên tầm cao mới. Bên cạnh đó, các hãng xe khác không ít thì nhiều cũng buộc phải ứng dụng dây chuyền lắp ráp tự động đại trà, phổ biến hơn lại vì… COVID-19.
Phương thức này hạn chế được tối đa số lượng nhân công lắp ráp đảm bảo họ sẽ không phải đóng cửa nhà máy trong tương lai vì các tình huống tương tự. Thay cho mảng lắp ráp, mảng kiểm soát chất lượng sẽ được bổ sung nhân lực để đảm bảo máy móc làm đúng trách nhiệm của mình.
Thêm vào đó, công nghệ in 3D hiện tại đã đủ tân tiến để đưa vào sử dụng quy mô lớn phục vụ lắp ráp ô tô. Không ít các hãng xe từ lớn tới nhỏ đã bắt đầu ứng dụng máy in 3D để chế tạo các trang bị có độ phức tạp không quá cao, hạn chế việc phải phụ thuộc vào các nhà cung ứng.
Phân bố lại mạng lưới cung ứng toàn cầu
Lại một yếu tố khác bị ảnh hưởng và buộc phải thay đổi vì COVID-19. Hồi đầu năm nay phần lớn các nhà máy xe toàn cầu đã phải đóng cửa với nguyên nhân vì người làm nhiễm bệnh thì ít mà không có linh kiện lắp ráp thì nhiều. Do COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc, phần lớn linh kiện từ quốc gia này cung ứng tới các nước khác bị cắt đứt khiến khâu lắp ráp nghẽn cổ chai.
Cần nói thêm rằng nếu như là cách đây 20 năm, chưa chắc các hãng xe phải đóng cửa nhà máy vì nguồn cung linh kiện của họ bị gián đoạn đột ngột. Nguyên nhân là bởi vào giai đoạn đó, bất kỳ hãng xe nào cũng tự dự trữ cho mình lượng linh kiện đủ dùng trong 2, 3 tháng kế tiếp để tránh đúng tình huống mà chúng ta gặp phải bây giờ.
Mạng lưới cung ứng toàn cầu không còn xoay quanh Trung Quốc mà tỏa rộng hơn bao giờ hết.
Dù vậy, do cách làm này tạo thêm gánh nặng kinh tế (do kho bãi lưu trữ hay rủi ro “ế” linh kiện do xe không bán được dẫn đến sản lượng bị hạn chế tương ứng), các hãng xe quốc tế dần chuyển sang chọn cách “mua bao nhiêu dùng bấy nhiêu” với lượng hàng dự trữ chỉ đủ dùng trung bình 2 tới 4 tuần.
Hậu cú sốc hồi đầu năm, các hãng xe toàn cầu đều có chung một nhận định là không thể chỉ dựa vào một nguồn cung linh kiện chủ yếu (bất chấp giá có rẻ đến đâu) – trong trường hợp này là Trung Quốc. Cách dự trữ linh kiện của họ không thay đổi, vẫn từ 2 tới 4 tuần, tuy nhiên số lượng các nhà cung ứng được gia tăng đồng thời trải đều hơn trên toàn cầu để khi khu vực nào đó bị ảnh hưởng vẫn có khu vực khác thay thế.
Thuê bao
Cụm từ tưởng chừng chỉ được nhắc tới trong mảng điện thoại lại bất chợt trở nên hot hơn bao giờ hết trong làng xe năm 2020, tuy nhiên không theo hướng có lợi cho khách hàng cho lắm. Thuê bao ô tô khởi đầu từ ý tưởng của Volvo về việc cho phép người dùng đóng phí thường niên để sử dụng bất kỳ mẫu xe nào của hãng và sau đó được nhiều hãng xe chẳng hạn BMW hay Mercedes-Benz nhân rộng.
Xuất phát điểm là vậy nhưng không mất bao lâu để các hãng xe tìm được cách “vắt sữa” hình thức này. Đơn vị tiên phong và cũng bị chỉ trích nhiều nhất là BMW khi cất Apple CarPlay phía sau hàng rào mang tên thuê bao, yêu cầu khách hàng phải trả phí quý/năm để sử dụng phương thức giao tiếp đã và đang được mặc định hóa ngày một nhiều này.
Không dừng lại ở đó, thương hiệu xứ Bavaria còn tính thuê bao luôn cả các trang bị/tính năng có sẵn trên xe thuộc dạng phần cứng như ghế sưởi. Khỏi phải nói động thái này của BMW bị phản đối nhiều ra sao bởi chúng mang lại cho người dùng cảm giác đây không phải xe của mình 100% – một trong những yếu tố đại kỵ có thể khiến khách hàng quay lưng.
BMW hiện đã tạm thời hoãn hình thức thuê bao để tìm hiểu “cách áp dụng hợp lý hơn” sau khi vấp phải sự phản đối mạnh mẽ nhưng không sớm thì muộn họ cũng sẽ quay lại con đường này. Hyundai hay Mercedes-Benz mới đây cũng đã manh nha sử dụng thuê bao trong tương lai. Nếu chỉ giới hạn ở các phần mềm trên xe như Spotify hay tương lai là Netflix, hình thức thuê bao có thể là lựa chọn hợp lý nhưng nếu áp dụng cho cả phần cứng, các hãng xe trên có lẽ nên tập làm quen với bão dư luận từ trước thì hơn…
Tạm biệt triển lãm xe truyền thống
Gần như trọn vẹn một năm qua ta không có một triển lãm quy mô quốc tế nào đúng nghĩa vì COVID-19 và 2021 rất có thể sẽ cho ra kết quả tương tự. Triển lãm xe truyền thống, đặc biệt là các triển lãm quốc tế quy mô lớn với hàng trăm ngàn lượt xem, vốn đã đang xuống dốc không phanh với lượng khách tham quan liên tục đi xuống trong 5 năm trở lại đây và COVID-19 giống như nhát đâm quyết định khiến dạng sự kiện này thất thế toàn diện trước triển lãm/họp báo online.
Các hãng xe quốc tế trong thời dịch đã quen với cảnh tự tổ chức sự kiện ra mắt của riêng mình mà không cần tới một sân chơi để giao lưu với người dùng do bên thứ 3 cung cấp. Kết hợp với chi phí cho mỗi kỳ triển lãm không bao giờ dưới mức 7 chữ số, hiện tại khó lòng tìm được một hãng xe còn đảm bảo 100% có mặt tại các kỳ triển lãm bởi người người, nhà nhà đang thắt lưng buộc bụng…
Thậm chí triển lãm xe hiện giờ còn bị đánh giá thấp hơn triển lãm công nghệ, điển hình là việc triển lãm công nghệ CES diễn ra vào tháng 1 đánh bật mọi triển lãm xe truyền thống tổ chức cùng giai đoạn khi thu hút độc quyền được nhiều hãng xe.
Nếu đà này cứ tiếp diễn, tới khi thập kỷ này khép lại số lượng triển lãm xe có quy mô quốc tế có thể chỉ còn được đếm trên đầu ngón tay, thay thế bởi triển lãm quy mô nhỏ tại từng quốc gia, các sự kiện công nghệ và cả triển lãm ảo tổ chức nhờ công nghệ thực tế ảo tăng cường.