Các thương hiệu hạng sang có xu hướng thiên về nửa đầu (xe thuần điện nhiều hơn). Jaguar, Ford châu Âu, Mini và Volvo đều đã đánh canh bạc tất tay khi công bố chuyển hóa thành một thương hiệu thuần điện từ thập kỷ tới. Hướng tiếp cận này cũng phù hợp với những gì mà chính phủ nhiều nước muốn: ưu tiên xe chạy điện sạch (từ các nguồn tái tạo được) để bảo vệ môi trường và tránh các trường hợp như Dieselgate tái diễn một lần nữa.
Cũng cần nói thêm rằng chắc chắn một vài (hoặc cũng có thể là tất cả) các hãng xe nói trên đều đã nghiên cứu trường hợp của Tesla – thương hiệu xe thuần điện có trọng lượng đầu tiên trên thế giới và giờ đang vươn mình cạnh tranh với các tên tuổi đình đám nhất nhì toàn cầu với truyền thống lâu đời hàng chục, thậm chí là trăm năm.
Ở hướng ngược lại, một số thương hiệu chẳng hạn Toyota vẫn đang khá dè dặt với cách tiếp cận của mình với xe điện. Chủ tịch Toyota Akio Toyoda tin rằng cuộc đua xe điện hiện tại giống một cách tiếp cận có tầm nhìn ngắn hạn, hạn hẹp của không ít quốc gia trên thế giới. “Khi các chính trị gia nói rằng hãy loại bỏ xe chạy xăng/dầu, họ có hiểu những gì sẽ xảy đến tiếp hay không?”, vị chủ tịch phát biểu tại một cuộc họp của Hiệp hội các nhà sản xuất xe Nhật Bản.
“Càng nhiều xe điện được sản xuất, lượng khí thải CO2 càng nhiều hơn”, vị chủ tịch cho biết và nếu chỉ nói trên phương diện Nhật Bản, ông nói không hề sai. Phần lớn điện dân dụng nước này lấy từ các nguồn không tái tạo như dầu mỏ và khí đốt tự nhiên, đồng nghĩa với sạc lại xe điện cũng là một cách xả thải CO2 thay thế thay vì trực tiếp như hiện giờ.
Tất nhiên hiện thực này không chỉ dừng lại ở Nhật mà còn ở rất nhiều quốc gia khác. Bên cạnh đó, trên thế giới chưa có nhiều nước có đủ cơ sở hạ tầng để đáp ứng được cho hàng chục ngàn mẫu xe điện lưu thông và sạc lại cùng lúc chứ chưa nói là hàng triệu như tầm nhìn của nhiều hãng xe.
Tất nhiên, vị chủ tịch Toyota hiểu tầm quan trọng của xe điện nhưng khẳng định không vì thế mà ta nên bỏ qua các lựa chọn xe chạy nhiên liệu thay thế khác như xe chạy pin nhiên liệu hydro hoặc ít nhất cũng là xe hybrid xăng – điện.
Theo Toyota, xe điện hiện giờ vẫn đắt đỏ hơn cả trong khâu chế tạo và giá bán trung bình của chúng trên thị trường. Các ảnh hưởng tiêu cực trong chế tạo ắc quy (từ khai thác kim loại hiếm tới ô nhiễm môi trường) và áp lực đè lên mạng lưới điện quốc gia cũng là các yếu tố cần được tính tới trước khi các hãng xe đổ xô vào sản xuất xe điện.
BMW cũng là một thương hiệu ủng hộ hướng suy nghĩ của Toyota, CEO Oliver Zipse mới đây cũng đã khẳng định họ tin rằng xe chạy động cơ đốt trong sẽ còn phát triển tốt trong nhiều năm nữa.
Dù thế nào đi nữa, các hãng xe toàn cầu cũng cần tính đến một con đường lùi nếu cách làm của họ, trong tương lai, bị chứng minh là không thỏa đáng. Về phần Toyota hay BMW, nhược điểm duy nhất họ có thể gặp phải là mất đi ưu thế tiên phong trong mảng xe điện. Trong khi đó, nửa còn lại chuyển sang phát triển 100% xe điện, nếu phân khúc này không phát triển ở quy mô như họ tưởng tượng, sẽ mất đi nhiều hơn là họ nghĩ…
Tham khảo: Carscoops