Trong khi Rimac C_Two đang dần hoàn thành quá trình đăng kiểm chất lượng tại khắp các thị trường trên khắp Thế giới, chúng ta đã có dịp hiếm hoi được thấy hậu trường phía sau sự phát triển chiếc hypercar điện này – từ khi chỉ là mô hình thử nghiệm khí động học cho tới những chiếc xe thử nghiệm đầu tiên. Đối với Rimac và đối tác Pininfarina, 2021 sẽ là năm quyết định đối với họ khi 2/8 chiếc xe thử nghiệm đăng kiểm vẫn đang được lắp ráp, sau đó sẽ là 6 phiên bản tiền sản xuất.
Có một sự khác biệt lớn giữa những chiếc xe thử nghiệm Rimac mà chúng ta đã thấy cho đến nay và phiên bản tiền sản xuất. Trong khi những chiếc xe đầu tiên trông giống như những gì Rimac công bố gần hai năm trước, các phiên bản ẩn dưới lớp ngụy trang sẽ hội tụ loạt nâng cấp thiết kế và công nghệ mà khách hàng sẽ nhận được trên C_Two bản thương mại. Tuy nhiên, trước khi chính thức ra mắt chiếc xe, đối với những phiên bản chạy thử nghiệm cuối cùng này Rimac sẽ sử dụng một số màu ngoại thất thú vị như tím, xanh nhạt. 2 chiếc còn lại có màu vàng sáng và xám nhiều khả năng được sử dụng để thử nghiệm va chạm.
Như người sáng lập và Giám đốc điều hành công ty Mate Rimac giải thích, có một số cách để người ta có thể sản xuất một chiếc hypercar sối lượng giới hạn sau nhiều năm thử nghiệm – dù cho nó sử dụng hệ động lực với động cơ đốt trong truyền thống hay mô-tơ điện. Tất nhiên, Rimac đã đi theo con đường xe điện và hiện đang tìm cách đẩy nhanh quá trình lắp ráp, cải thiện độ hoàn thiện cũng như tinh chỉnh các phương pháp sơn sợi carbon khác nhau.
Hãng phải đảm bảo tất cả điều này trong khi đảm bảo mỗi lớp sợi carbon trong số 776 lớp được đắp lên thành khung nguyên khối của C_Two đều phải được cán mỏng, dán lên nhau và quét kỹ thuật số một cách hoàn hảo. Sau đó toàn bộ hệ động lực điện cùng các hệ thống máy tính quản lý siêu hiện đại và phức tạp mới được gắn vào để thành chiếc xe hoàn chỉnh. Cuối cùng toàn bộ phần sơn phải đồng màu vì mui C_Two trên thực tế là một thành phần lộ ra của khung xe.
Với việc gấp rút hoàn thành C_Two, Rimac không chỉ đang phải chạy đua với thời gian để giao xe sớm cho khách hàng mà còn đón đầu các đối thủ hypercar chạy điện khác như Lotus Evija hay chiếc Aspark Owl tới từ Nhật Bản. Nền tảng của C_Two sẽ được sử dụng để tạo ra 150 chiếc xe Rimac, cũng như 150 chiếc Pininfarina Battista. Khi ra mắt, Rimac C_Two đã chứng minh cho cả Thế giới thấy rằng những mẫu siêu xe điện cũng có thể “so găng” trực tiếp với các hypercar chạy động cơ đốt trong truyền thống hàng đầu Thế giới hiện nay.
Để làm được điều này, “chìa khóa” của C_Two đó là hệ động lực điện cực kỳ mạnh mẽ ưu việt của chiếc xe. Rimac đã trang bị cho C_Two tổng cộng 4 mô-tơ điện, dẫn động từng bánh của chiếc xe. Khi cùng lúc hoạt động, cả 4 động cơ này có thể đạt tổng công suất lên tới 1.888 mã lực và mô-men xoắn 2.300Nm. Với các động cơ điện độc lập cho từng bánh xe, Rimac C_Two cũng có khả năng thay đổi cấu hình dẫn động linh hoạt – từ ngắt 1 trong 2 cầu hoàn toàn tới vận hành toàn bộ mô-tơ để dẫn động cả 4 bánh.
Thậm chí từng mô-tơ còn có khả năng tự giới hạn sức mạnh độc lập, giúp chiếc xe đạt độ ổn định và bám đường tốt hơn ở các góc cua hay những điều kiện mặt đường không chuẩn. Nhờ có hệ động lực siêu mạnh, Rimac C_Two đạt hiệu năng xứng đáng được liệt vào hàng hypercar. Đánh bại Tesla Roadster thế hệ mới, chiếc xe có thời gian tăng tốc từ 0-96km/h “ngộp thở” là 1,85 giây, trong khi tốc độ tối đa đạt được là 412km/h.