Thiết kế động cơ điện mới của Mahle không hề sử dụng nam châm, thay vào đó họ lại sử dụng các cuộn dây được cấp điện trong rotor của nó. Không giống như những thử nghiệm trước đây, nó truyền năng lượng cho rotor quay bằng cách sử dụng cuộn cảm không tiếp xúc, vì vậy về cơ bản động cơ này không có bề mặt bị mài mòn. Điều này sẽ làm cho nó cực kỳ bền và không cần phải bảo dưỡng nhiều.
Nam châm vĩnh cửu thường chứa các kim loại quý được chiết xuất từ đất hiếm như neodymium, nó là thành phần chính của hầu hết các động cơ điện hiện nay. Tuy nhiên, đến 97% nguồn đất hiếm trên thế giới lại đến từ Trung Quốc, và việc kiểm soát sản lượng xuất khẩu một nguồn tài nguyên quan trọng như vậy đã gây ra một bước nhảy vọt 750% về giá của neodymium, thậm chí là 2.000% đối với kim loại quý hơn như dysprosi.
Vì không sử dụng các kim loại đắt tiền, nên giá thành sản xuất loại động cơ điện này rẻ hơn so với các động cơ sử dụng nam châm vĩnh cửu thông thường hiện nay. Mahle cho biết khả năng điều chỉnh và thay đổi các thông số từ tính của rotor thay vì bị mắc kẹt với những hạn chế của nam châm vĩnh cửu, đã cho phép các kỹ sư của họ đạt được hiệu suất trên 95% ngay trong phạm vi tốc độ hoạt động cần thiết, một mức hiệu suất chỉ có thể đạt được ở những chiếc xe đua Formula E.
Đặc biệt là ở tốc độ cao, động cơ này lại càng có hiệu suất cao, điều này sẽ giúp cho phạm vi hoạt động của xe tăng thêm với cùng một dung lượng pin. Mahle cho biết rằng động cơ này sẽ phù hợp với các mẫu xe có kích thước đa dạng từ xe ô tô cỡ nhỏ cho đến xe thương mại cỡ lớn.
Theo IEEE Spectrum, khoảng 2.5 năm nữa thì Mahle sẽ cho sản xuất hàng loạt động cơ điện mới này và Mahle vẫn chưa cho biết nhà sản xuất ô tô nào mà họ đang đàm phán, nhưng các phiên bản động cơ thử nghiệm đã bắt đầu được hoạt động. Với động cơ điện thế hệ mới này, cộng với những tiến bộ trong lĩnh vực chế tạo pin dùng cho xe điện, chúng ta hứa hẹn sẽ đón nhận nhiều bước nhảy vọt hơn nữa trong việc chuyển đổi từ xe xăng/dầu sang xe điện.
Nguồn: Mahle