Tình trạng thiếu linh kiện bán dẫn toàn cầu trong ngành công nghiệp ô tô vẫn chưa được khắp phục.
Các ông lớn là Toyota, Ford và cả Stellantis (công ty sáp nhập giữa FCA và PSA) đang phải đối mặt với việc tiếp tục cắt giảm sản lượng do thiếu chip.
Stellantis cho biết rằng những mẫu xe bán tải có lợi nhuận cao của hãng tại thị trường Mỹ đang bị ảnh hưởng. Hiện nhà sản xuất đã phải tạm hoãn khâu lắp ráp lần cuối cho mẫu xe Ram 1500 Classic ở Mỹ và Mexico. Phải đợi đến khi có chip bán dẫn, xe mới được hoàn thiện và chuyển đến các đại lý.
Phía Stellantis hiện không tiết lộ có bao nhiêu chiếc xe sẽ bị ảnh hưởng. Giám đốc điều hành Stellantis là ông Carlos Tavares chia sẻ rằng vấn đề có thể sẽ không được giải quyết hoàn toàn cho tới nửa cuối năm 2021.
Nhà sản xuất ô tô Mỹ, Ford cũng đang lao đao về vấn đề này. Ford F-150 và Ford Edge được lắp ráp ở Bắc Mỹ nhưng chưa được hoàn thiện bởi không có một số bộ phận nhất định, phải chờ đợi ít nhất vài tuần cho khâu cuối cùng. Số lượng ảnh hưởng lên đến hàng nghìn chiếc. Ford tiết lộ thêm rằng quy trình sản xuất tại Louisville, Kentucky (Mỹ) và Cologne (Đức) sẽ tạm dừng hoạt động.
Nhà máy lắp ráp Ohio (Mỹ) của Ford cũng sẽ ngừng hoạt động và dự kiến quay lại sản xuất đầy đủ vào 29/3. Ford dự báo rằng tình trạng thiếu chip có thể khiến lợi nhuận năm 2021 giảm 1 tỷ USD (hơn 23 nghìn tỷ đồng).
Về phía hãng xe Nhật Bản là Toyota cho biết sẽ tạm dừng sản xuất tại nhà máy Kolin (Séc) trong 14 ngày kể từ 22/3 do tình trạng thiếu chip bán dẫn. Nhà máy sản xuất này hiện có công suất 200.000 chiếc mỗi năm. Không chỉ ở Châu Âu, mà khu vực Đông Nam Á cũng bị ảnh hưởng trước tình trạng thiếu chip bán dẫn toàn cầu này.
Thiếu hụt chip bán dẫn diễn ra nghiêm trọng khi đại dịch COVID-19 bùng nổ. Khiến nhiều nhà sản xuất linh kiện phải đóng cửa, và khi trở lại, họ ưu tiên hơn vào các đơn đặt hàng lớn từ công nghệ điện tử. Đồng thời nhu cầu của các nhà sản xuất ô tô diễn ra cùng một lúc khiến nhà sản xuất linh kiện khó mà đáp ứng hết được.