Thị trường ô tô Việt Nam đang dần trở thành mảnh đất màu mỡ đối với các hãng xe khi sản phẩm mới liên tục được đưa về trong năm 2020. Một số mẫu xe, thậm chí còn đến Việt Nam chỉ sau 1-2 tháng ra mắt toàn cầu như Kia Sorento, Toyota Fortuner, Toyota Corolla Cross,… Nhưng ngược lại, 2020 lại là năm đáng quên với 3 mẫu xe dưới đây khi âm thầm biến mất tại Việt Nam do doanh số không khả quan.
1. Honda Jazz
Ra mắt tại Việt Nam lần đầu tiên tại triển lãm VMS 2017, Honda Jazz chỉ tồn tại chưa đầy 3 năm khi mất hút trong báo cáo bán hàng của VAMA từ tháng 7 năm nay. Theo nhân viên tư vấn bán hàng, mẫu xe này rất kén khách, đại lý luôn bán xe với giá dưới đề xuất của hãng. Thậm chí, có thời điểm Honda Jazz còn được giảm giá xấp xỉ 100 triệu đồng.
Honda Jazz nhanh chóng biến mất trên thị trường ô tô Việt Nam.
Honda Jazz nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan, thuộc phân khúc hatchback hạng B đối đầu trực tiếp với Toyota Yaris. Sau một năm bán ra, mẫu xe này đã phải bỏ đi bản tiêu chuẩn do sự bất hợp lý về trang bị, tính năng dẫn tới doanh số thấp. Trong cả năm 2019, xe chỉ đạt mức tiêu thụ 1.183 xe, bằng 12,2% so với “người anh em” City.
Dù doanh số bán hàng hẩm hiu, nhưng Honda Jazz lại được đánh giá rất cao về khả năng vận hành. Xe trang bị động cơ 4 xy-lanh, dung tích 1.5L, cho công suất 118 mã lực tại 6.600 vòng/phút và mô-men xoắn 145 Nm tại 4.600 vòng/phút. Hộp số tự động vô cấp CVT và hệ dẫn động cầu trước. Honda Jazz có 3 phiên bản, bao gồm V, VX và RS với giá bán lần lượt 544 triệu, 594 triệu và 624 triệu đồng.
2. Suzuki Celerio
Tương tự Honda Jazz, Suzuki Celerio cũng được giới thiệu tại Việt Nam lần đầu tiên trong khuôn khổ triển lãm VMS 2017. Đến tháng 5/2020, Suzuki Việt Nam chính thức công bố khai tử dòng xe này. Celerio vẫn có doanh số trong tháng 6 và tháng 7 đến từ lượng xe tồn kho, và chính thức biến mất trong báo cáo bán hàng VAMA từ tháng 8/2020.
Như vậy, mẫu hatchback hạng A đến từ Nhật Bản chỉ tồn tại được hơn 2 năm vì chịu sức ép rất lớn từ những cái tên như Kia Morning, Hyundai Grand i10 hay VinFast Fadil.
Suzuki Celerio được nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia.
Nguyên nhân dẫn tới màn rút lui của Suzuki Celerio được cho là do chính sách ưu đãi giảm 50% lệ phí đối với xe lắp ráp trong nước. Mẫu xe của Suzuki có xuất xứ nhập khẩu từ Indonesia, không thuộc diện hưởng ưu đãi như Kia Morning, Hyundai Grand i10 và VinFast Fadil. Bên cạnh đó, Suzuki Celerio cũng nghèo nàn trang bị, đánh vào nhóm khách hàng chỉ cần một chiếc xe “che nắng che mưa” nhưng không thành công.
Suzuki Celerio trang bị động cơ 3 xy-lanh 1.0L, cho công suất 68 mã lực và mô-men xoắn 89 Nm, tích hợp công nghệ tự động tắt máy khi dừng xe nhằm giúp xe tiết kiệm nhiên liệu. Theo công bố của nhà sản xuất, mức tiêu thụ nhiên liệu hỗn hợp của Celerio ở mức 4,8 l/100km.
3. Mitsubishi Mirage
Cùng phân khúc với Honda Jazz, Mitsubishi Mirage không có doanh số kể từ tháng 9 năm nay. Dù liên doanh Nhật Bản không đưa ra thông báo chính thức nào nhưng có thể ngầm hiểu rằng mẫu xe nhỏ hạng B này tạm thời bị ngừng bán. Trước đó, các đại lý đã cho biết thông tin rằng Mirage sẽ không còn được nhập về.
Sự ra đi của 2 mẫu hatchback hạng B Nhật Bản cho thấy phân khúc này không thực sự màu mỡ khi Toyota Yaris chiếm lĩnh, trong khi cặp đôi Mazda2 hatchback và Suzuki Swift có lượng khách ổn định hàng tháng nhưng không đủ để bứt phá.
Mitsubishi Mirage tạm thời ngừng bán tại Việt Nam.
Ra mắt lần đầu từ năm 2013 tại Việt Nam, Mitsubishi Mirage đã qua một lần nâng cấp facelift nhưng doanh số bán hàng chỉ ở mức cầm chừng. Hiện tại, “người anh em” Attrage bản 2020 đã được đưa về Việt Nam và lần đầu tiên đạt doanh số hơn 700 xe/tháng hồi tháng 10. Mirage đã có bản nâng cấp 2020 tại thị trường nước ngoài từ giữa năm nay, nhưng dường như Mitsubishi không có ý định tiếp tục phân phối dòng xe này ở Việt Nam.
Trước khi biến mất, Mitsubishi Mirage không phải xe bán tốt khi doanh số 7 tháng đầu năm 2020 chỉ dừng lại ở 156 xe, thấp hơn đáng kể so với doanh số 879 xe của Toyota Yaris. So với mẫu xe anh em là Attrage, Mirage yếu thế hơn hẳn. Doanh số mẫu sedan Attrage cùng kỳ là 2.100 xe.