Nhà sản xuất ô tô lớn nhất Hàn Quốc đang thúc đẩy dự án ô tô bay, lên kế hoạch về một đội xe bay có thể tung tẩy ngoằn ngoèo trên bầu trời trong vòng một thập kỷ.
Theo Bloomberg, Hyundai đang phát triển các mẫu xe có thể chở 5 hoặc 6 người trong các khu vực đô thị và một phiên bản xe bay lớn hơn để bay giữa các thành phố. Jaiwon Shin, người đứng đầu bộ phận cơ động hàng không đô thị của Hyundai, cho biết công ty dự kiến sẽ gia nhập thị trường ô tô bay vào năm 2028.
Shin, 61 tuổi, nói: “Những người luôn kẹt xe trên đường sẽ nhận ra việc di chuyển bằng các phương tiện trên không tiện lợi như thế nào. Đó là lúc chúng ta sẽ chứng kiến nhu cầu bùng nổ đối với xe bay”.
Không bối rối trước các rào cản về quy định và an toàn, một loạt các nhà sản xuất máy bay, nhà sản xuất ô tô và các công ty khởi nghiệp đang tìm cách “làm loạn” ngành vận tải bằng ô tô bay và máy bay không người lái chở hàng. Các nhà phân tích của Morgan Stanley, trong một dự đoán lạc quan, đã cho rằng công nghệ này có thể dẫn đến một ngành công nghiệp trị giá 2,9 nghìn tỷ USD vào năm 2040.
Hyundai đã giới thiệu concept ô tô bay của mình tại Triển lãm Điện tử Tiêu dùng ở Las Vegas vào đầu năm nay. Concept được phát triển cùng với Uber Technologies Inc.
Như vậy, trong những năm tới, các cơ quan quản lý cần giải quyết những vấn đề như loại giấy phép lái xe nào dành cho lái xe ô tô bay và làm thế nào để loại bỏ hoặc giảm thiểu xác suất tai nạn. Cần có các quy tắc và cơ sở hạ tầng mới để đảm bảo các phương tiện giao thông như xe bay không cản trở giao thông của máy bay và trực thăng.
Shin cho biết một số ô tô bay có thể ra mắt sớm nhất vào năm 2023, nhưng Hyundai đang nhắm đến mục tiêu là năm 2028, khi nhiều cơ sở hạ tầng đã được xây dựng và nhận thức của công chúng cao hơn. Ông cho biết, để thu hút khách hàng sớm, Hyundai đang cố gắng giảm chi phí và độ ồn của phương tiện, đồng thời đảm bảo an toàn chính là một trọng tâm.
Bên cạnh xe bay chở người, Hyundai đang nghiên cứu một biến thể xe bay dùng để vận chuyển hàng hóa, với sức tải lên tới 300 kg. Công ty vẫn chưa quyết định nơi chế tạo hoặc giới thiệu các phương tiện bay đầu tiên của mình.
Miếng bánh ô tô bay: hấp dẫn và nhiều đối thủ
Airbus SE, Boeing Co. và các công ty khởi nghiệp như Lilium nằm trong số các đối thủ cạnh tranh của Hyundai trên mảng xe bay. Vahana, chiếc taxi bay tự lái được phát triển bởi A3, trung tâm công nghệ của Airbus tại Thung lũng Silicon, đã hoàn thành chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào năm 2018 và nguyên mẫu của Boeing cũng đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 1 năm ngoái.
XPeng Inc., một nhà sản xuất ô tô điện của Trung Quốc, tháng trước đã tiết lộ một mẫu xe bay thử nghiệm có thể chở hai người và bay lên đến 25 mét.
Ông Shin cho biết, Hyundai hưởng lợi từ mạng lưới bán hàng toàn cầu và các đơn vị có thể cung cấp dịch vụ, xây dựng cơ sở hạ tầng cho hệ sinh thái phương tiện bay trên không. Các hoạt động kinh doanh của tập đoàn bao gồm sản xuất ô tô, phụ tùng ô tô, xây dựng và hậu cần.
Các nhà sản xuất ô tô cũng có lợi thế hơn các nhà sản xuất máy bay vì chuyên môn sản xuất hàng loạt của họ, Shin nói. Thông thường, Airbus và Boeing mỗi hãng cung cấp ít hơn 1.000 máy bay mỗi năm, trong khi các nhà sản xuất ô tô có thể sản xuất hàng triệu chiếc. Và đối với việc sản xuất các phương tiện bay, số lượng có thể lên tới hàng trăm nghìn chiếc.
Shin nói: “Chúng tôi không muốn trở thành người đầu tiên tham gia thị trường. Chúng tôi muốn là người đầu tiên ra sản phẩm phù hợp nhất cho thị trường”.