Hộp số vô cấp CVT là gì?
Được viết tắt từ cụm Continuously Variable Transmission có nghĩa là hộp số biến thiên vô cấp. Thay vì sử dụng các bánh răng như các hộp số tự động truyền thống, hộp số CVT lại sử dụng hai ròng rọc. Hộp số này không hề có cấp số, từ lợi thế đó, việc thay đổi đường kính của ròng rọc một cách linh hoạt giúp hộp số CVT thay đổi tỷ số truyền êm dịu hơn.
Ngoài ra, thay đổi tỷ số truyền được điều khiển chính xác bằng máy tính tùy theo điều kiện vận hành thực tế, tải trọng và độ dốc. Nhờ có cấu tạo đơn giản hơn các hộp số truyền thống hay tự động, hộp số CVT giúp động cơ hoạt động với hiệu suất tối đa và khả năng tăng tốc liền mạch. Từ đó giúp tiết kiệm nhiên liệu nhiều hơn và thuận thiện cho quá trình bảo dưỡng, sửa chữa.
Tại Việt Nam, hộp số vô cấp CVT thường thấy ở các dòng xe cỡ nhỏ và vừa như: Honda Brio, VinFast Fadil đối với cỡ nhỏ; Honda City , Toyota Vios đối với cỡ vừa. Ngoài ra, có một số dòng xe thuộc phân khúc cao hơn cũng có lắp thiết bị này như Toyota Corolla Altis , Mitsubishi Outlander , Honda CR-V, Mitsubishi Attrage…
Ưu và nhược điểm của hộp số vô cấp CVT
Ưu điểm
Tiết kiệm nhiên liệu
Lợi thế của hộp số CVT là tối ưu động năng sinh ra để xe luôn hoạt động đúng tỷ số cần thiết. Có nghĩa là, hộp số CVT được lập trình để giữ tốc độ động cơ đồng nhất với động năng được sinh ra. Từ đó, hộp số CVT sẽ giảm thiểu mức tiêu hao năng lượng đáng kể trên cao tốc với tốc độ xe ổn định. Nếu kết hợp với hệ thống kiểm soát hành trình thì hộp số vô cấp này còn phát huy được hiệu quả cao hơn
Trọng lượng và kích thước nhỏ
Hộp số vô cấp CVT có kích thước nhỏ và nhẹ, góp phần làm giảm đi phần nào trọng lượng của tổng xe. Từ đó, nó còn giúp cho xe tiết kiệm được nhiều nhiên liệu.
Chuyển số và vận hành mượt mà
Hộp số vô cấp có quá trình tăng tốc, tỉ số đường truyền thay đổi mượt hơn so với hộp số tự động 4 cấp nhờ vào đặc điểm không có bánh răng. Trong cùng một phiên bản, những xe có gắn hộp số CVT sẽ vận hành êm ái hơn, quá trình chuyển số nhanh chóng, mượt mà và không gây ra hiện tượng giật cục như các hộp số thông thường khác.
Ví dụ, dòng xe Toyota Vios sử dụng hộp số CVT có vòng tua ở 1.300 – 1.400 vòng/phút, được so sánh với phiên bản trước đó trang bị hộp số tự động 4 cấp có vòng tua lên tới 2.000 vòng/phút. Nhờ vòng tua nhỏ hơn nên động cơ cũng hoạt động nhẹ nhàng hơn. Chức năng truyền dẫn chỉ có ít khâu nên việc bảo dưỡng, sửa chữa cũng dễ dàng hơn.
Nhược điểm
Bên cạnh những ưu điểm mà hộp số vô cấp CVT đem lại, hộp số này có một số khuyết điểm khi dùng các dây pully thay cho các bánh răng truyền thống như sau:
Chịu tải và phản ứng kém
Không giống như các hộp số truyền thống mang lại cho bạn cảm giác thể thao, mạnh mẽ, các loại xe có hộp số vô cấp CVT thường kết hợp với động cơ có dung tích nhỏ, thiên về tính thực dụng hơn là chinh phục. Bởi lẽ các hộp số vô cấp chưa thể xử lý mô-men xoắn cao nên có sức tải kém và độ trễ ga nhất định
Khả năng tăng tốc kém
Dù có ưu điểm êm ái, giúp người dùng sẽ không cảm giác xe đang được sang số, nhưng hộp số CVT lại có điểm yếu là bị treo máy ở vòng tua cao khiến động cơ phát ra những âm thanh ồn ào, phải mất một khoảng “chậm xe” để hộp số có thể bắt được lực mô-men từ động cơ và tăng tốc như mong muốn
Sửa chữa tốn kém
Mặc dù chi phí bảo dưỡng không tốn kém nhưng việc sửa chữa có thể đắt hơn các hộp số truyền thống. Chúng cần phải thay dầu sớm hơn, dây đai truyền động cũng phải thay sau khi đi được 50.000 km vì cũng đã bị chịu tải trong thời gian dài. Đây chính là điều bất cập trong việc sử dụng hộp số CVT.
Tóm lại, bên cạnh một số ưu điểm nổi bật, khách hàng mua tô ô cũng cần biết những nhược điểm của hộp số CVT để có thể so sánh, chọn lựa các dòng xe có hộp số phù hợp với mục đích và nhu cầu của mình.