Trong những tuần gần đây cái tên Rimac bất chợt được nhắc tới rất nhiều không phải vì siêu xe C_Two của họ chuẩn bị hoàn thiện và bàn giao, cũng chẳng phải vì những thành tựu hãng từng đạt được giúp công ty Croatia được tôn vinh là nhà cung ứng ắc quy điện hiệu suất cao số 1 thế giới. Thay vào đó, người ta chỉ nhắc đến Rimac như “ông chủ” tương lai của Bugatti.
Cụ thể, có khả năng rất cao Rimac sẽ được Volkswagen chuyển giao thương hiệu đang sở hữu siêu xe đắt giá số 1 thế giới là Bugatti (với La Voiture Noire), đổi lại sẽ một phần cổ phiếu chưa rõ. Dù vậy, Rimac hoàn toàn kín tiếng trong giai đoạn này, một phần vì họ đang tiến gần tới một cột mốc lớn hơn: ra mắt C_Two.
Siêu xe thứ 2 của Rimac sẽ hoàn thiện và bắt đầu đi vào lắp ráp cũng như bàn giao trong năm sau nên dù muốn hay không, cũng đã đến lúc họ thử nghiệm khả năng va chạm và bảo vệ an toàn người dùng của siêu phẩm triệu USD. Theo chia sẻ của hãng, tới nay đã có không dưới 9 phiên bản thử nghiệm của C_Two đối đầu với… tường, cột và rào chắn đủ thể loại để cho họ có cái nhìn rõ nhất về độ vững chãi tổng thể.
Cần nói thêm rằng toàn bộ các bài test của Rimac đều được thực hiện ở mức độ vừa phải (khoảng dưới 60 km/h) và dù kết quả vô cùng thuyết phục, việc siêu xe này gặp tai nạn ở tốc độ chỉ bằng một nửa tối đa thôi (rơi vào ngưỡng xấp xỉ 200 km/h khi vận tốc tối đa C_Two là 412 km/h) cũng sẽ cho kết quả rất khác. Không một siêu xe nào trên thế giới có thể chắc chắn 100% đảm bảo toàn vẹn hành khách ngồi trong ở vận tốc này và Rimac C_Two cũng vậy…
C_Two sử dụng 4 mô tơ điện độc lập nằm riêng trên 4 bánh xe với hộp số đơn cấp ở phía trước và 2 hộp số 2 cấp ở phía sau. Cả 4 mô tơ liên kết với nhau thông qua hệ thống kiểm soát hướng lực kéo chủ động 2 cầu. Nếu muốn, khách hàng của Rimac có thể tùy biến hoàn toàn hệ thống truyền động của chiếc siêu xe đời thứ 2, từ việc ngưng tạm thời 1 trong 2 trục bánh xe cho tới việc cân bố lại để đạt tỉ lệ cân bằng 50:50 tuyệt đối.
Tham khảo: Motor1