Cũng phải nói trước rằng trước khi chạy Ranger Raptor mình chạy Ranger Wildtrak 3.2, vì vậy trong bài sẽ có một số chỗ mình lấy sự so sánh hai xe làm nội dung diễn giải.
Bạn sẽ quan tâm gì nhất ở chiếc Ranger Raptor này? Thông tin đầu tiên mình muốn đưa ra là giá của nó: 1,2 tỷ đồng (trước thuế) – tất nhiên, mình đặt luôn con số đó cạnh mức giá 920tr của Ranger Wildtrak Bi Turbo 2.0 Và từ sự chênh lệch này, chúng ta đi tìm xem đâu là những điều làm nên sự khác biệt.
Mình sẽ bắt đầu bằng cảm nhận. Tất nhiên Ranger Raptor quá đẹp. Ngay khi nhà sản xuất công bố lên truyền thông hình ảnh của nó mình đã đặt luôn với bản thân câu hỏi “bao giờ thì mình có thể có nó?” Và rồi mình là một trong số vài người đầu tiên ở Việt Nam sở hữu Ford Ranger Raptor.
So với Wildtrak, Raptor nam tính hơn hẳn, không chỉ ở sự cao, to mà còn ở đường nét thiết kế thân vỏ. Những tiểu tiết như mặt ca lăng, lốp, lazang, bậc lên xuống…đều là những khác biệt đáng giá.
Vậy còn gì khác? Bộ treo Fox là câu trả lời đầu tiên, nó làm cho chiếc bán tải không đơn thuần là chiếc bán tải nữa, việc sử dụng hệ thống treo giảm xóc Fox thay nhíp khiến chiếc xe trở nên êm ái hơn, đặc biệt trên những con đường xấu xí ổ gà. Điều khác biệt thứ hai, đó là những Mode lái của Raptor – thứ mà không có chiếc bán tải (tầm trung) nào trên thị trường có cả. Là những chế độ đi trên cát, tuyết, cỏ…và đặc biệt là Baja mode – nôm na là ở chế độ này, chiếc xe có thể chạy off road trên địa hình xấu với vận tốc lên tới trên 100km/h.
Nội thất Raptor về cơ bản không khác gì nhiều hai bản Wildtrak, nhưng toàn bộ ghế được bọc da lộn sang và đẹp hơn, khoang lái có cảm giác rộng và thoải mái hơn đôi chút.
Vô lăng được design phong cách thể thao đẹp, độc, kèm lẫy chuyển số được chuyển từ cần số lên, giúp người lái vận hành linh hoạt hơn.
Tất nhiên, đó là phép so sánh cơ bản. Mình sẽ đi vào chi tiết bằng những trải nghiệm thực. Mình đã lái trung bình khoảng 400-500 km/ngày khi chạy road trip xuyên Việt, có ngày lên đến 700km. Lưu ý, đa phần là đường hỗn hợp chứ không phải cao tốc êm ả. Raptor cho mình cảm giác thoải mái hơn, vì nó cao hơn tầm nhìn tốt hơn, tăng tốc bằng Bi-Turbo mạnh mẽ giúp mình vượt trở ngại nhanh hơn.
Ở các dòng bán tải trước, thân xe thường bị vặn khi ôm cua gấp trên đèo. Raptor đã loại trừ hoàn toàn vấn đề này, với việc khung gầm được thiết kế mới, với vật liệu thép mới, nâng trọng tâm xe cao lên, khoảng sáng gầm lớn hơn, rộng cơ sở cũng lớn hơn Wildtrak 150 mm. Cũng ở điểm này, khoảng sáng gầm lớn cho phép Raptor lội nước lên tới 85 cm (Wildtrak 80 cm). Mình đã vượt qua những đoạn ngập lụt ngang thân xe trong cơn bão ở Phú Yên, thực sự rất đã. Trong hành trình mình có mang Raptor ra khu đồi cát Mũi Né và phụ cận để thử nghiệm chế độ Baja Mode, đó có lẽ là những phút thú vị nhất cuộc đời cầm lái mình từng trải qua, khi chạy chiếc xe nặng hơn 2,3 tấn mà không sợ bị sa lầy trên cát như vậy và chạy qua địa hình xấu với vận tốc như chạy cao tốc. Mình cũng từng thử thách cho xe sa lầy trong cát ướt rồi thoát ra, hay leo lên xuống ở bờ đầm nước có cao độ chênh lệch cả mét với biên độ dốc lớn, những thử thách đều được vượt qua đơn giản.
Cũng từng có một vài lo lắng về việc kích thước cao to, cồng kềnh hơn của Raptor làm cho việc di chuyển khó khăn hơn trong phạm vi hẹp. Mình đã tìm câu trả lời bằng việc chạy vòng vèo Raptor ở Đà Lạt, qua những con dốc nhỏ và những nông trại mà không thấy khó khăn gì cả, không muốn nói là thoải mái hơn. Điều này có lẽ đến từ việc tầm cao quan sát góc tốt và lốp của Raptor cho người lái cảm nhận chất liệu mặt đường tốt hơn chăng?
Thật lòng mà nói mình vốn không quan tâm đến thông số, mọi thứ mình tiếp nhận trên đời đều bằng cảm nhận. Raptor vận hành chuyển số êm ái hơn hẳn, mình hiểu nôm na là do hộp số có tới 10 cấp. Động cơ Bi-Turbo cho mình thấy sự ưu việt ở trong cả lái chậm lẫn nhanh hay tăng tốc gấp. Mình vẫn nhớ cái tiếng gầm gừ của Raptor khi mình chạy trên con đường gập ghềnh cạnh những chú voi ở Tây Nguyên, cảm giác lao vút đi vượt qua hai chiếc xe container dài ngoằng trong vài giây hay những lúc thư thả trôi nhè nhẹ giữa bạt ngàn xe máy ùn tắc giữa phố phường Hà Nội.
Về nhiên liệu và tiêu thụ, Raptor không khác nhiều so với Wildtrak 3.2 của mình trước đó. Trong một số trường hợp hao hơn một chút (chạy cao tốc, chạy chậm), ở một số trường hợp lại tiết kiệm hơn hẳn (ở vận tốc lý tưởng – 70 đến 100km/h) Tựu chung lại, với mình Raptor là một chiếc xe tuyệt vời, dù vẫn còn một vài điểm đáng tiếc. Raptor là một chiếc xe cho mình thoả mãn cảm giác về phong cách thẩm mĩ lẫn tính cách. Nó đủ cao lớn, mạnh mẽ, nam tính, nhưng cũng đủ mềm mại, uyển chuyển, đẹp. Chiếc xe thuận mắt từ ngoài vào trong. Chiếc xe cho cảm giác thoải mái, khoẻ mạnh khi ngồi vào ghế lái. Chiếc xe mang đến sự tự tin cho người cầm lái, từ tầm cao cho khả năng quan sát xa, khả năng cảm nhận địa hình của lốp, sự linh hoạt và khả năng của mode lái làm cho những trở ngại trở nên đơn giản.
Tất nhiên, không có gì trên đời là hoàn hảo. Raptor có một vài điểm đáng tiếc. Như không còn tính năng cảnh báo va chạm, tự phanh hay định vị làn đường, cảm biến trước – những điểm hạn chế được hãng cắt bỏ để phù hợp hơn với môi trường sử dụng off road. Một nhược điểm “khách quan” khác là việc Raptor bị/ được cục Đăng kiểm coi là xe con (vì tỷ lệ tải hàng thấp) nên đã phải chịu thuế trước bạ như xe con (12% ở HN; 10% SG) cũng làm giá xe tăng lên đáng kể.
Dưới đây là những thông số cho những ai có nhu cần quan tâm chi tiết. Kích thước dài x rộng cao của Raptor lần lượt là 5.363 x 1.873 x 2.028 mm. Trục cơ sở 3.220 mm giống hệt các bản còn lại. Khoảng sáng gầm xe 230 mm, lớn hơn 30 mm so với bản Wildtrak. Raptor sử dụng vành 17 inch, nhỏ hơn 1 inch so với bản Wildtrak, kết hợp lốp đa địa hình BF Goodrich kích thước 285/70R17. Hệ thống treo Fox ở cả trục trước và sau. Phanh đĩa 4 bánh. Hệ thống giải trí có màn hình 8 inch, tích hợp SYNC3, có định vị và bản đồ, kết hợp âm thanh 6 loa. Hệ thống khử tiếng ồn cũng có mặt trên phiên bản này. Điều hoà tự động 2 vùng độc lập.
Động cơ của bản Raptor tương đương bản Wildtrak mới nhất, là máy diesel 2 lít tăng áp, cho công suất 213 mã lực tại 3.750 vòng/phút và mô-men xoắn 500 Nm tại 1.750-2.000 vòng/phút. Hộp số tự động 10 cấp. Hệ dẫn động 2 cầu. Tập trung vào khả năng vận hành, Ranger Raptor có ít công nghệ an toàn hiện đại hơn so với Wildtrak. Xe thiếu đi những tính năng hỗ trợ người lái chủ động. Trang bị an toàn trên phiên bản này có hỗ trợ phanh (ABS, EBD), cân bằng điện tử, giảm thiểu lật xe, hỗ trợ khởi hành ngang dốc/đổ đèo, ga tự động, cảm biến lùi, camera lùi và 6 túi khí.
Mình viết đến đây thôi, xe là việc của các chuyên gia, mình khoe ảnh
Video mình làm cho Ford Việt Nam:
#ford #raptor #ranger #ranger raptor #thangsoi #vietnam