Với biến thể chạy điện F-150 Lightning, Ford một lần nữa cho thấy họ không ngủ yên với ngôi vị “vua doanh số” thị trường Mỹ, liên tục kiến tạo và đổi mới, giống như điều mà họ đã duy trì ngay từ những ngày đầu.
Khi Ford trình làng chiếc F-150 Lightning chạy hoàn toàn bằng điện tại một sự kiện ở Dearborn, Michigan vào tuần trước, hãng xe oval xanh đã đánh dấu cột mốc quan trọng đối với dòng xe bán tải vô cùng thành công của mình, có thể khiến cho cục diện thị trường xe tại Mỹ thay đổi. Biên tập viên Allyson Harwood của Kelley Blue Book nhận xét: “Ford không phải là hãng xe duy nhất điện khí hóa, nhưng họ có lẽ là công ty quan trọng nhất”.
Tại Mỹ, 3 mẫu xe bán chạy nhất đều là xe bán tải và Ford F-150 là vị “vua doanh số” không cần phải bàn cãi. Trong 44 năm qua, F-150 là chiếc xe bán tải bán chạy nhất ở Mỹ và cả dòng F-series là loại xe bán chạy nhất, ở bất kỳ phân hạng nào. Nó cũng là chiếc xe bán tải có di sản lâu đời nhất.
Theo dữ liệu của Cox Automotive, Ford đã bán được 7,4 triệu xe thuộc dòng F-series trong thập kỷ qua, bao gồm cả xe bán tải hạng nặng F-250 và F-350 lớn hơn. Chiếc bán tải Chevrolet Silverado là chiếc xe bán chạy thứ 2 tại Mỹ nhưng cách biệt lại khá xa, chỉ với 5,3 triệu xe.
Cùng nhìn lại lịch sử huy hoàng của dòng Ford F-Series và dấu mốc F-150 Lightning chạy hoàn toàn bằng điện để phù hợp với xu hướng điện khí hóa tất yếu đang diễn ra của ngành công nghiệp ô tô.
Sự nổi lên của những vùng ngoại ô
Ford đã giới thiệu chiếc bán tải đầu tiên được sản xuất hàng loạt tại nhà máy vào năm 1925. Đó là phiên bản hoàn chỉnh của chiếc Model T Runabout với thùng chở hàng bằng thép.
Trước đó, Ford cũng từng giới thiệu nhiều mẫu xe tải, như chiếc Ford Model TT (1917). Tuy nhiên, hầu hết chúng đều không có thùng tải. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, những công ty khác đã ra mắt thùng tải gắn thêm. Henry Ford vì lo ngại các công ty sản xuất phụ kiện sẽ giận dữ nên tại thời điểm đó vẫn chưa trang bị thùng tải hoàn chỉnh cho xe.
Những chiếc bán tải trở thành sản phẩm quan trọng với Ford đến mức sau Chiến tranh thế giới thứ 2, khi công ty chuyển đổi từ việc chế tạo máy bay ném bom và xe Jeep sang sản xuất xe chở khách một lần nữa, sản phẩm mới đầu tiên của hãng là chiếc bán tải. Nó có tên gọi là Ford F-1, ra đời năm 1948 và là khởi đầu của dòng F-series ngày nay.
Dòng F được tung ra ngay khi những thay đổi lớn đang diễn ra ở Mỹ. Các chương trình thế chấp do chính phủ hỗ trợ, những ưu đãi cho cựu chiến binh, việc làm được trả lương cao hơn và các kỹ thuật xây dựng mới đã giúp phát triển các đô thị mới bên ngoài các thành phố lớn. Những khu vực này chính xác không phải là nông thôn, nhưng cũng không phải là thành thị. Đây là khu vực ngoại ô.
Vào năm 1940, có 13,4% người Mỹ sống ở các vùng ngoại ô, theo số liệu của Cục điều tra dân số. Đến năm 1970, con số này tăng lên 37%. Đến năm 2010, xu hướng này vẫn tiếp tục đến mức một nửa số người Mỹ sống ở vùng ngoại ô. Điều này đã tạo ra thị trường màu mỡ cho xe bán tải. Ở vùng nông thôn Mỹ, xe bán tải từng là phương tiện giao thông chủ yếu như ngày nay.
Tuy nhiên, ở các vùng ngoại ô, những chủ nhà có bãi cỏ rộng cũng thấy cần xe bán tải. Loại xe này giúp họ thuận tiện vô cùng khi cần mua đồ từ các cửa hàng điện máy, cần mua phân bón hay cỏ giống.
Carlson cho biết với số lượng hộ gia đình có 2 xe hơi và gara 2 xe ngày càng tăng. Trong đó, bán tải có thể được xem như một chiếc “xe cày” phụ việc gia đình bên cạnh chiếc sedan còn lại trong nhà. Chưa kể, trong khoảng thời gian này, thiết kế của xe bán tải cũng đẹp hơn, thời trang hơn chứ không còn quá cục mịch như thời kỳ đầu.
Ngày càng tiện nghi
Càng bán được, xe bán tải càng được nâng cấp nhiều hơn. Những chiếc xe này bắt đầu có tấm che nắng và những thứ đại loại thế để tiên nghi hơn nhằm thu hút khách hàng. Xe cũng có thiết kế đẹp hơn và mang màu sắc xe con hơn thông thường.
Sự nổi lên của các khu vực ngoại ô khiến cho nhu cầu mua xe bán tải nhiều hơn. Một số người mua xe để thuận tiện cho công việc sửa nhà hoặc làm vườn cho những người hàng xóm giàu có xung quanh. Những người sở hữu bán tải thường là dân lao động. Chúng giúp họ làm ra tiền.
Khi cần đổi xe, họ không đổi sang sedan mà lại tiếp tục đổi sang xe bán tải mới hơn, xịn hơn. Con cái của những người này cũng lớn lên với xe tải và tiếp tục sử dụng chúng. Khi lứa sau này lớn lên, xe bán tải cũng phát triển sang và đẹp hơn, nên họ lại tiếp tục mua chúng.
Chính sách bảo hộ xe bán tải nội địa
Thuế gà “Chicken Tax” ra đời năm 1954 là chính sách nhằm trả đũa thuế quan của Pháp và Tây Đức đối với gia cầm Mỹ. Chính quyền Johnson đặt mức thuế 25% đối với xe tải/bán tải nhập khẩu. Và đáng nói là nó vẫn được duy trì cho đến ngày nay. Nhờ đó, thị trường xe bán tải Mỹ lên như diều gặp gió vì được bảo hộ.
Những chiếc xe bán tải giờ không chỉ là phương tiện di chuyển mà còn nâng lên thành văn hóa Mỹ, giống như trong quảng cáo của Chevrolet có đoạn “This is our country, this is our truck” (Đất nước ta, xe bán tải của ta).
Ngày nay, những hãng ngoại quốc như Toyota, Nissan, Honda cũng cung cấp xe bán tải theo nhu cầu của khách hàng. Kể cả một hãng xe Hàn như Hyundai cũng “chen chân” vào phân khúc này với chiếc Santa Cruz. Tuy nhiên, những mẫu xe bán tải này đều được sản xuất tại Mỹ để né thuế nhập khẩu quá nặng.
Dù vậy, kể cả có sự tham gia của nhiều hãng xe ngoại, thị trường bán tải Mỹ vẫn là “sân chơi” của những “ông lớn” quốc nội.
Không “ngủ yên trên chiến thắng” với V6, vật liệu nhôm, biến thể “xanh”
Ford liên tục đổi mới các sản phẩm của mình để có thể duy trì “ngôi vương” một cách vững chắc. Năm 2011, Ford giới thiệu tùy chọn động cơ V6 tăng áp trong khi thị trường xe bán tải toàn do các động cơ V8 lớn thống trị.
Vào năm 2015, một chiếc F-150 của hãng được ra mắt với thân vỏ hoàn toàn bằng nhôm, đi ngược lại với suy nghĩ cố hữu về việc một chiếc xe bán tải luôn phải bằng thép, cứng cáp và bền bỉ. Và chỉ mới năm ngoái, Ford đã bắt đầu bán chiếc bán tải hybrid đầu tiên.
Vì vậy, khi Ford gần đây tiết lộ F-150 Lightning, chiếc xe bán tải cỡ lớn chạy hoàn toàn bằng điện đầu tiên của hãng cho thấy thiên hướng đổi mới của Ford. Đây là tầm nhìn giúp họ duy trì vị trí đỉnh cao tại thị trường Mỹ.
F-150 Lightning – dấu mốc theo xu hướng điện khí hóa của ngành công nghiệp ô tô
19/5 vừa qua, Ford đã chính thức ra mắt chiếc F-150 Lightning hoàn toàn mới tại Mỹ. Đây là mẫu xe bán tải chạy hoàn toàn bằng điện đầu tiên của hãng nhằm cạnh tranh với hàng loạt đối thủ đã và sẽ ra mắt trong tương lai như: Cybertruck, Hummer EV, Rivian R1T.
Các đối thủ này hới tới phân nhánh khách hàng thích sự khác biệt, táo bạo, mạnh mẽ còn F-150 Lightning hướng tới số đông khách hàng phổ thông tại Mỹ, sẽ góp doanh số lớn cho hãng trong tương lai.
Ford F-150 Lightning sử dụng động cơ điện với 2 mức công suất và tầm hoạt động.
- Động cơ và gói pin tiêu chuẩn (standard-range) cho công suất 426 mã lực và mô-men xoắn cực đại 1.051 Nm. Tầm hoạt động vào khoảng 230 dặm (370 km).
- Động cơ và gói pin mở rộng (extended-range) cho công suất 563 mã lực và mô-men xoắn cực đại 1.051 Nm. Tầm hoạt động vào khoảng 300 dặm (480km). Với gói pin mở rộng, xe có thể tăng tốc từ 0-96 km/h chỉ trong 4 giây.
Tùy vào từng loại sạc mà F-150 Lightning sẽ tiêu tốn thời gian nạp năng lượng khác nhau. Thời gian sạc lâu nhất là khoảng 19 tiếng. Trong khi đó, ở các trạm sạc nhanh, chỉ sau 44 phút xe đã có thể tăng pin từ 15% lên 80%.
F-150 Lightning với gói pin tiêu chuẩn sẽ được cung cấp một bộ sạc 48A tùy chọn, có thể sạc tăng từ 15 đến 100% pin trong khoảng 10 giờ. Các phiên bản dùng pin mở rộng sẽ đi kèm bộ sạc kép 80A, có thể sạc tăng từ 15 đến 100% pin trong khoảng 8 giờ.
Ngoài phần cứng, Ford cũng đang nghiên cứu phát triển phần mềm đặc biệt mang tên Intelligent Range. Nó sẽ hỗ trợ người dùng theo dõi mức sử dụng pin, dự đoán tầm hoạt động của pin một cách chính xác khi chở nặng hoặc kéo nặng.
Không chỉ thế, F-150 Lightning còn đi cùng hệ thống Intelligent Backup Power. Hệ thống này cho phép xe chia sẻ năng lượng pin của nó cho các mục đích khác như: cung cấp điện cho nhà riêng (liên tục 3 ngày), thắp sáng khu cắm trại, dùng các thiết bị điện cho công trình…
Chiếc Lightning cũng là mẫu xe đầu tiên trong “đại gia đình” F-Series sở hữu hệ thống treo độc lập phía sau. Điều này giúp xe nâng cao khả năng lái và độ êm ái khi sử dụng.
Đương nhiên, ngoài việc tự đổi mới, Ford cũng cung cấp những tiện tích mà khách hàng thật sự cần. Chiếc F-150 Lightning của họ dù dùng điện nhưng vẫn sở hữu sức kéo “khủng” lên đến 5 tấn. Các phụ kiện dành cho thùng tải F-150 thông thường vẫn có thể dùng trên chiếc Lightning.
F-150 Lightning mới cũng là chiếc F-150 đầu tiên được trang bị hệ thống thông tin giải trí SYNC4A mới nhất của Ford, hoạt động thông qua màn hình cảm ứng định dạng dọc 15,5 inch khổng lồ. Nó có tính năng điều khiển bằng giọng nói, điều hướng kết nối dữ liệu đám mây, Apple CarPlay và Android Auto không dây, tự động cập nhật phần mềm qua mạng. Màn hình cảm ứng vẫn giữ lại một núm vặn vật lý, giống như trên Mustang Mach-E.
Ford F-150 Lightning đã bắt đầu nhận đặt cọc với các phiên bản gồm tiêu chuẩn, XLT, Lariat, và Platinum. Xe sẽ đến tay khách hàng từ năm 2022.
Đáng chú ý, mẫu xe bán tải có giá khởi điểm đáng ngạc nhiên chỉ từ 39.974 USD (900 triệu đồng) cho bản tiêu chuẩn. Bản cao cấp nhất tuy có thể lên đến 90.000 USD (hơn 2 tỷ đồng) nhưng các bản cỡ trung như XLT cũng chỉ ở mức 52.974 USD (1,2 tỷ đồng). Nên đây được cho là giá bán khá phù hợp cho một sản phẩm chạy hoàn toàn bằng điện. Khách hàng hứng thú với sản phẩm mới này của Ford có thể đặt cọc chỉ với 100 USD (2,3 triệu đồng).
Và đúng như dự đoán, mẫu xe bán tải chạy điện đầu tiên của Ford đã gây được sức hút lớn với số đông người tiêu dùng. Chỉ trong 12 tiếng đầu mở bán, chiếc Ford F-150 Lightning 2022 đã ghi nhận gần 20.000 đơn đặt hàng, sau 48h con số này là 44.500 và hiện tại, con số này có lẽ đang tăng cao hơn nhiều lần.
Nhiều chuyên gia nhận xét: “Điều Ford thực sự đang làm là họ đang đưa mọi người đi cùng trong hành trình đổi mới của họ qua những giải pháp trung hòa giữa sự đổi mới và sự thuận tiện”. Và đây chính là lý giải chính xác nhất cho sự thành công của F-Series trong gần 1 thế kỹ qua.
Với Ford F-150 Lightning 2022, Ford cho thấy họ tiếp tục thức thời, nhạy bén, không “ngủ yên trên chiến thắng” và khẳng định vững chắc ngôi vị “vua doanh số” thị trường Mỹ.