Trung Quốc đang trở thành chiến trường thử thách thực sự đầu tiên của các đại gia công nghệ khi tham vọng nhảy vào lĩnh vực ô tô. Hàng loạt đại gia công nghệ Trung Quốc, từ gã khổng lồ Huawei đến Baidu đang rầm rộ đầu tư đầu tư vào các dự án xe điện và xe tự lái, những phương tiện được nhiều người coi là tương lai của ngành vận tải.
Mặc dù Apple từ lâu đã có kế hoạch kinh doanh cả ô tô, Alphabet đã có Waymo, đơn vị lái xe tự động, song quy mô – và tốc độ – của những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc thực sự “khủng” hơn nhiều, đặt họ vào vị trí tiên phong trong làn sóng đại gia di động gia nhập lãnh địa xe hơi. Một phần sức hấp dẫn nằm ở chỗ ngành ô tô ngày càng trở nên công nghệ cao khi hướng tới ô tô điện và rời xa động cơ đốt trong truyền thống, khi ô tô ngày càng trang bị nhiều cảm biến và hệ điều hành, khiến ô tô giống với một chiếc máy tính hơn và triển vọng về xe tự lái cũng thúc đẩy sự tham gia của đại gia công nghệ.
Là thị trường tiêu thụ ô tô năng lượng mới lớn nhất thế giới, Trung Quốc là chiến trường quan trọng. Các nhà sản xuất ô tô lâu đời như Volkswagen AG và General Motors Co. đã bắt tay với nhiều hãng xe Trung Quốc mới nổi như Nio và Xpeng. Trong ba tháng qua, Huawei, gã khổng lồ điện thoại thông minh Xiaomi Corp., Baidu – công ty điều hành công cụ tìm kiếm và ứng dụng bản đồ hàng đầu Trung Quốc – và thậm chí cả đối tác sản xuất Đài Loan của Apple là Foxconn cũng đã tham gia vào cuộc cạnh tranh, thiết lập mối quan hệ và tiết lộ kế hoạch sản xuất ô tô của riêng họ.
Triển lãm ô tô Thượng Hải vào tháng trước đã trưng bày nhiều ô tô, trở thành một trong những sự kiện hàng đầu thế giới để giới thiệu những xu hướng mới-nóng nhất trong lĩnh vực ô tô. Khách tham quan đã xếp hàng hàng giờ để vào các gian hàng của Huawei và Baidu, xếp hàng dài và chụp ảnh các hệ thống cảm biến, bảng điều khiển công nghệ cao và xe mô hình. Nhưng bất chấp sự quan tâm mạnh mẽ của công chúng, kỷ nguyên ô tô mới là một thời kỳ “siêu cạnh tranh” ở Trung Quốc. Và các ông lớn công nghệ có rất nhiều điều để chứng minh.
Huawei dường như dẫn đầu xu hướng, gần đây đã công bố kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD vào xe điện và công nghệ tự lái của riêng mình, công nghệ mà hãng tuyên bố đã “vượt mặt” nhà tiên phong xe điện Tesla Inc. ở một số khía cạnh.
Công ty có trụ sở tại Thâm Quyến, nổi tiếng hơn trong mạng viễn thông và smartphone, và là đối tượng của các lệnh trừng phạt của Mỹ, đã tiết lộ chiếc xe đầu tiên được phát triển hợp tác với BAIC BluePark Mew Energy Technology Co., chiếc sedan cỡ trung Arcfox S sử dụng HI, hoặc Huawei Inside, một gói phần mềm ô tô thông minh cho phép chạy ở chế độ tự hành trong hơn 1.000km ở khu vực đô thị. Việc giao hàng dự kiến sẽ bắt đầu vào quý IV.
Thách thức khi nhảy vào lĩnh vực ô tô
Một trong những thách thức lớn nhất đối với những người mới tham gia vào lĩnh vực ô tô là mức độ thâm dụng vốn và tài nguyên để sản xuất ô tô. Giải pháp của các hãng công nghệ là đàm phán và hợp tác. Huawei nhiều lần cho biết kế hoạch của họ không phải là sản xuất xe riêng. Thay vào đó, họ đang hợp tác với ba nhà sản xuất ô tô Trung Quốc – BAIC Motor Corp., Chongqing Changan Automobile Co. và Guangzhou Automobile Group Co. – để sản xuất ô tô tự lái mang tên thương hiệu phụ của mình.
Chủ tịch Feng Xingya cho biết vào tháng trước, Guangzhou Auto sẽ cùng nhau chế tạo một “chiếc xe không người lái thực sự” được sản xuất vào năm 2024. Nhà sản xuất ô tô cũng sẽ hợp tác với Huawei về dữ liệu lớn, buồng lái thông minh, phần cứng và chip điện tử.
“Trung Quốc có thêm 30 triệu ô tô mỗi năm và con số này đang tăng lên”, Phó Chủ tịch Huawei Eric Xu cho biết vào tháng 4. “Ngay cả khi chúng tôi không khai thác thị trường bên ngoài Trung Quốc, nếu chúng tôi có thể kiếm được trung bình 10.000 nhân dân tệ (1.550 đô la) từ mỗi chiếc ô tô bán ra ở Trung Quốc, thì đó đã là một mảng kinh doanh rất lớn”.
Apple dường như cũng đang xem xét một lộ trình tương tự, khi có tin hãng từng nói chuyện với các nhà sản xuất ô tô bao gồm cả Hyundai Motor Co. Không giống như những gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc, Apple phần lớn giữ bí mật về kế hoạch của mình.
Sự gia tăng các phương tiện thông minh và lái xe tự động mở ra rất nhiều cơ hội cho các công ty công nghệ, đặc biệt là khả năng truy cập vào dữ liệu như thông tin chi tiết theo thời gian thực. Trên hết, đó là cơ hội tính phí các tiện ích công nghệ bổ sung và cải tiến hệ thống, về cơ bản coi chiếc xe như một phần cứng máy tính liên tục được cập nhật phần mềm.
Yale Zhang, giám đốc điều hành của công ty tư vấn Autoforesight có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết:”Đó là điều mà những gã khổng lồ công nghệ này giỏi. Doanh thu chính của họ sẽ không phải từ việc bán xe mà là tìm những cách khác để kiếm tiền sau bán hàng, chẳng hạn như nâng cấp hệ thống qua mạng hoặc đăng ký phần mềm”.
Rầm rộ rót tiền
Baidu – bắt đầu đầu tư vào công nghệ rô-bốt từ năm 2013 và tài trợ cho công ty khởi nghiệp xe điện WM Motors của Trung Quốc – hiện có kế hoạch chi 7,7 tỷ USD trong vòng 5 năm tới để phát triển công nghệ xe hơi thông minh thông qua đơn vị mới thành lập Jidu Auto. Giám đốc điều hành Xia Yiping cho biết, bộ phận này đặt mục tiêu ra mắt mẫu xe đầu tiên sau 3 năm, tiếp theo là cứ mỗi 12 đến 18 tháng sẽ ra các phiên bản mới.
“Giá trị cốt lõi của ô tô trong tương lai sẽ là mức độ thông minh của chúng,” Xia nói, lặp lại một điệp khúc quen thuộc. “Công ty nào có kế hoạch càng sớm, thì càng có nhiều quyền kiểm soát các công nghệ tự phát triển, công nghệ tiên tiến hơn, công ty đó sẽ sở hữu nhiều quyền lực hơn trên thị trường.”
Nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc Xiaomi cũng đã công bố kế hoạch đầu tư khoảng 10 tỷ USD trong thập kỷ tới để sản xuất ô tô điện, mặc dù không tiết lộ nhiều chi tiết hoặc đưa ra khung thời gian giao hàng. Người đồng sáng lập tỷ phú Lei Jun vào tháng 3 đã tuyên bố ý định lãnh đạo một bộ phận độc lập mới và dẫn đầu xu hướng phát triển xe điện, trong nỗ lực mà ông gọi là nỗ lực khởi nghiệp lớn cuối cùng của mình.
“Chúng tôi có nhiều tiền cho dự án này,” Lei, cũng là giám đốc điều hành của Xiaomi, cho biết khi tiết lộ kế hoạch. “Tôi hoàn toàn nhận thức được những rủi ro của ngành sản xuất ô tô. Tôi cũng biết rằng dự án sẽ mất ít nhất 3-5 năm với số vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng”.
Nhà phân tích Dyer của AlixPartners cho biết: Mặc dù những gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc có thể đến muộn và xâm nhập vào một lãnh thổ xa lạ, nhưng điều đó có thể có lợi cho họ”, ông nói: “Đây không phải là một ngành mà bạn phải là người đi đầu để giành chiến thắng. Trên thực tế, trong ngành công nghiệp ô tô, người đi đầu tiên thường không bao giờ thắng. Người đi sau luôn là người chiến thắng. Bởi vì khi bạn là người khởi xướng đầu tiên, bạn là người trả tiền để học hỏi qua tất cả những sai lầm”.
Theo Bloomberg