Với Porsche Taycan, hãng xe thể thao danh tiếng nước Đức đã chính thức tham gia vào thị trường xe điện hồi năm ngoái, nhưng câu chuyện dẫn tới chiếc coupe 4 cửa đột phá này đã bắt đầu từ lâu hơn thế. Tất cả khởi nguồn khi nhà thiết kế chính Michael Mauer của Porsche nhìn thấy bản phác thảo của chiếc hypercar hybrid 918 trên bảng vẽ. Và trong một khoảnh khắc ngắn, ông thấy nó trông có vẻ rất hợp với kiểu dáng bốn cửa.
“Khi đi ngang qua, tôi nhìn thấy một bản sơ đồ của Porsche 918 trên bàn vẽ của một nhà thiết kế trong studio của chúng tôi. Một đường đã được vẽ lại bằng bút dạ để thể hiện rõ đường cong thân xe thuôn xuống”, Mauer nhớ lại. “Từ khóe mắt của tôi, nó trông giống như một điểm nối với cửa sau. Tôi đã rất ngạc nhiên!”. Đó là ý tưởng chính đã khiến Mauer nảy ra ý định tạo ra một thiết kế coupe 4 cửa dựa trên cơ sở kiểu dáng của 918 Spyder.
Thiết kế này sau đó đã được gọi bằng tên mã 960 hay Vision Turismo, nhưng nó mới chỉ là một phần câu chuyện dẫn tới sự ra đời của Taycan. Phần còn lại đó là những thách thức về việc đặt động cơ ở đâu trên mẫu xe ý tưởng này. Như chúng ta đã biết, 918 Spyder có động cơ V8 đặt giữa thân xe. Tuy nhiên với một mẫu coupe 4 cửa, điều này chỉ có thể thực hiện được nếu máy có kích thước rất nhỏ như Koenigsegg Gemera, hoặc đẩy lùi về phía sau.
Chính vì vậy ban đầu, Mauer đã nghĩ tới động cơ đặt giữa nhưng lùi về phía sau, hoặc đặt hẳn ở phía sau như dòng 911. Kết cấu động cơ đặt trước bị loại trừ, vì sẽ khiến Vision Turismo về cơ bản không khác gì so với dòng Panamera. Nhưng nếu đặt động cơ ở đằng sau, chiếc xe sẽ buộc phải hy sinh sự thoải mái hoặc kích thước cabin dành cho những hành khách ngồi sau. Sau khi bàn về Vision Turismo với các đồng đội khác, Mauer đã phát hiện ra giải pháp: đó là dùng động cơ điện.
Mauer nói thêm: “Xét tới câu hỏi về tỷ lệ thân xe và sự lên ngôi của chủ đề các phương tiện di chuyển bằng điện, chúng tôi phát hiện ra rằng ý tưởng này có thể được thực hiện tốt hơn với một hệ thống truyền động chạy điện toàn phần”. Rõ ràng đây là một sự lựa chọn hợp lý: từng mô-tơ điện có kích thước rất nhỏ để có thể bố trí nằm trên mỗi trục bánh, kết hợp với pin đặt ở sàn xe sẽ đem lại cả không gian rộng rãi trong cabin lẫn thể tích khoang chứa đồ lớn.
Cuối cùng, ý tưởng về một chiếc coupe 4 cửa chạy điện đã tiếp tục được phát triển thêm nữa để trở thành một mẫu xe ý tưởng khác là Mission E ra mắt hồi năm 2015 – chính là phiên bản ý tưởng của Taycan hiện tại. Trong khi đó, Vision Turismo chưa bao giờ tới được với giai đoạn thử nghiệm. Mặc dù vậy, Mauer cùng đội ngũ các nhà thiết kế của Porsche đã kịp tạo ra một mô hình tỷ lệ 1:1 của nó. Trong cuốn sách Porsche Unseen, Vision Turismo đã lần đầu được công bố trước công chúng.
Nhìn vào mô hình tỷ lệ thật của Vision Turismo, bất kỳ ai cũng nhận ra sự tương đồng giữa nó với siêu xe 918 Spyder. Bộ mâm 7 cây của nó chia sẻ chung với một mẫu concept khác là Panamera Sport Turismo hồi năm 2012 cho thấy Vision Turismo đã được “thai nghén” từ giai đoạn này. Ra đời trước khi Mauer cùng các cộng sự nghĩ về động cơ điện, chiếc xe có phần đuôi với 2 hốc hút gió lớn nằm dưới kính chắn gió và hai bên cửa sau, để làm mát động cơ đốt trong dự tính được đặt ở vị trí này.
Tuy nhiên, điều kỳ dị nhất của Vision Turismo đó là nó có thiết kế thân xe bất đối xứng. Ở bên phải, chúng ta có thể tìm thấy hình ảnh của Panamera Executive thông qua cửa kính bên vuốt thuôn và kéo dài về phía sau. Trong khi đó, bên còn lại có cửa kính bên phía sau vát góc trông gần như y hệt một mẫu coupe 4 cửa.
Không chỉ tạo cảm hứng dẫn tới chiếc Taycan, Vision Turismo còn có những đặc trưng nay đã trở thành một phần ngôn ngữ thiết kế đang được Porsche áp dụng. Đó là đèn pha trước với 4 bóng LED Projector, đèn hậu LED kéo dài ngang đuôi xe và chữ Porsche nổi nằm chính giữa.