Được trang bị hàng loạt công nghệ hiện đại, nhiều người lầm tưởng rằng việc bảo trì bảo dưỡng xe ô tô điện sẽ tốn kém hơn cả xe máy xăng. Trái lại, nhờ có ít chi tiết cơ giới nên xe ô tô điện thường không đòi hiểu nhiều khi đi bảo dưỡng như xe động cơ đốt trong truyền thống.
Dù vậy, xe ô tô điện vẫn có lịch bảo dưỡng định kỳ tương tự như xe ô tô thông thường bởi động cơ không phải là trang bị duy nhất cần kiểm tra, bảo dưỡng sau một thời gian sử dụng. Vậy việc bảo trì, bảo dưỡng xe ô tô điện như thế nào?
Các trang bị, chi tiết trên xe ô tô điện cần được kiểm tra, bảo dưỡng
Mô-tơ điện
Trang bị đầu tiên trên xe ô tô điện cần được bảo dưỡng chính là bộ mô-tơ. Nghe có vẻ ghê gớm, nhưng nhờ cấu tạo đơn giản với chỉ khoảng 20 chi tiết cấu thành, không sử dụng dầu bôi trơn và nhiều chi tiết cơ khí như động cơ đốt trong nên việc bảo dưỡng mô-tơ điện khá đơn giản.
Đội ngũ kỹ thuật viên sẽ không cần phải thay dầu, kiểm tra dây curoa hay bơm nước, bơm dầu. Thay vào đó, bộ mô-tơ của xe chỉ cần kiểm tra nhanh thông qua thiết bị kiểm tra lỗi. Trong quá trình này, nếu máy báo lỗi phát hiện có chi tiết cần lưu ý thì kỹ thuật viên mới cần phải tháo mô-tơ để bảo dưỡng.
Bộ pin
Việc bảo dưỡng pin cũng được tiến hành theo trình tự như trên. Mỗi một cell pin bên trong khối pin sẽ được kiểm tra để phát hiện lỗi hay vấn đề liên quan đến hiệu năng. Các cell pin bị hỏng sẽ được hiển thị trên máy kiểm tra lỗi.
Việc bảo dưỡng xe ô tô điện khá đơn giản
Hệ thống dây điện
Việc kiểm tra hệ thống dây điện trên xe là đơn giản nhất bởi kỹ thuật viên chỉ cần kiểm tra bằng mắt thường mà không cần sử dụng đến thiết bị hỗ trợ. Trong quá trình này, kỹ thuật viên sẽ kiểm tra xem hệ thống dây điện này để tìm các dấu hiệu hư hại vật lý hoặc lỏng kết nối. Tuy nhiên hầu hết hệ thống dây điện trên xe ô tô điện thường là loại đạt chuẩn sử dụng cho công nghiệp nặng, đồng thời còn được bảo vệ khá kỹ lưỡng nên xác suất gặp phải hư hại là cực thấp.
Hộp số
Là một chi tiết quan trọng trên xe ô tô nhưng hộp số của xe ô tô điện cũng không cần kiểm tra quá kỹ lưỡng. Được biết, hộp số của xe ô tô điện cũng khá đơn giản với chỉ một bánh răng giảm tốc và bộ vi sai, cấu tạo hộp số này đơn giản hơn rất nhiều so với hộp số tự động hay số sàn đi kèm ly hợp truyền thống. Đương nhiên bên trong hộp số của xe ô tô điện cũng có nhớt bôi trơn, tuy nhiên loại nhớt tổng hợp hiện đại này thường không cần phải thay, nhiều hãng thậm chí còn không trang bị ốc rốn xả và lỗ châm dầu cho hộp số xe điện.
Ngoài các trang bị quan trọng kể trên, phần lớn các chi tiết và trang bị khác trên xe điện đều giống với xe ô tô truyền thống, không cần chú ý quá nhiều. Các chi tiết này có thể kể đến đĩa phanh, má phanh, lốp xe hay hệ thống dầu thủy lực. Thông thường các chi tiết này cần được thay mới sau mỗi 2 – 3 năm tùy vào tần suất sử dụng của người dùng xe.
Hệ thống treo và hệ thống lái trên xe ô tô điện cũng sẽ được kiểm tra khi đi bảo dưỡng. Cuối cùng, hệ thống sưởi và thông gió sẽ được kiểm tra và thay lọc bụi nếu cần thiết. Hệ thống điều hòa sẽ được bơm lại khí gas làm lạnh trong trường hợp bị thiếu hụt.
Có thể mang đưa xe ô tô điện đi bảo dưỡng ở đâu
Mặc dù xe điện có kết cấu không quá phức tạo, tuy nhiên hệ thống điện trên xe đòi hỏi kỹ thuật viên cần có chuyên môn giỏi để có thể xử lý các hư hỏng nếu cần thiết. Đồng nghĩa rằng khách hàng sử dụng xe điện cần mang xe đến các đại lý ủy quyền của hãng để bảo dưỡng. Tại đây, mỗi xưởng dịch vụ của hãng sẽ có ít nhất 1 chuyên viên về xe điện, có khả năng sửa chữa, khắc phục và đảm bảo an toàn lao động khi tiến hành bảo trì, bảo dưỡng cho xe.
Dù vậy, với một số mẫu xe điện đã có trên mặt trên thị trường khoảng 10 năm, các xưởng dịch vụ sửa xe tư nhân hiện cũng có thể tiến hành sửa chữa, khắc phục lỗi của xe điện. Các xưởng dịch vụ tư nhân này đa phần đều được trang bị khá đầy đủ máy móc, phần mềm và thiết bị để có thể kiểm tra toàn diện các chi tiết quan trọng trên xe.
Trạm sạc di động cứu hộ ô tô điện
Lịch bảo dưỡng định kỳ xe ô tô điện như thế nào?
Mặc dù cấu tạo hệ thống vận hành xe ô tô điện rất đơn giản, nhưng xe ô tô điện vẫn có lịch bảo dưỡng định kỳ tương tự như xe động cơ đốt trong. Các trang bị, chi tiết liên quan đến an toàn như phanh, hệ thống treo hay lốp xe cần được kiểm tra thường xuyên.
Tùy vào nhà sản xuất, người dùng xe điện sẽ phải đến đại lý kiểm tra xe định kỳ, tùy theo thời gian mua xe hoặc quãng đường vận hành định sẵn. Ví dụ như mẫu Nissan Leaf, mẫu xe này cần được kiểm tra bảo dưỡng định kỳ mỗi năm 1 lần hoặc 29.000 km, tùy theo điều kiện nào đến trước. Trong khi đó mẫu Taycan của thương hiệu Porsche có lịch bảo dưỡng là 2 năm hoặc 32.000 km.
Tương tự như các mẫu xe khác cùng thương hiệu, mẫu BMW i3 cũng có lịch bảo dưỡng theo quy định, trên xe còn có hệ thống điện tử theo dõi và thông báo cho người dùng cần đưa xe đi bảo dưỡng sau mỗi 2 năm dù chưa cần thiết.
Các trang bị của xe ô tô điện không nằm trong diện bảo hành
Cũng giống như xe máy xăng hay máy dầu, xe ô tô điện sẽ có nhiều chi tiết không nằm trong diện bảo hành của hãng. Các chi tiết như lốp xe, má phanh, lưỡi cao su cần gạt mưa nếu bị hao mòn trong quá trình sử dụng thì khách hàng phải tự chi tiền để thay thế.
Nếu một chi tiết trong diện bảo hành bị hỏng hóc do lỗi nhà sản xuất và xe vẫn đang trong thời gian được bảo hành thì hãng sẽ tiến hành thay thế miễn phí cho khách hàng. Tuy nhiên, nếu chi tiết này bị hỏng do lỗi người dùng thì khách hàng phải chịu chi phí thay mới.
Chi phí bảo trì bảo dưỡng xe ô tô điện
Nhờ có cấu tạo đơn giản, ít chi tiết cần bảo dưỡng nên lượng nhân công cần có để bảo dưỡng xe điện cũng rất ít, nhờ đó chi phí bảo dưỡng xe ô tô điện cũng thấp hơn rất nhiều. Trong một số trường hợp, chi phí bảo dưỡng xe điện cao nhất chỉ bằng một nửa so với chi phí bảo dưỡng xe máy xăng hoặc máy dầu thông thường.
Các nhà sản xuất, hệ thống đại lý cũng mang đến cho khách hàng lựa chọn trả chi phí bảo dưỡng theo lượt hoặc mua gói bảo dưỡng trả trước. Trong đó việc mua gói bảo dưỡng trả trước đang được nhiều người dùng xe điện lựa chọn.
Nam Phương