Thực tế, Anh đã thông qua quyết định cấm bán xe chạy động cơ đốt trong mới từ 2040 trở đi nhưng cột mốc này liên tục được đẩy lên sớm hơn tới 2035 (đầu năm nay) và tới đây là 2030. Việc xanh hóa toàn bộ lượng xe mới bán ra sẽ tạo ra sự thay đổi rất lớn tới cả nền công nghiệp lắp ráp xe trong khu vực và trên hết là nền tảng cơ sở hạ tầng.
Theo Financial Times, Thủ tướng Boris Johnson muốn đẩy nhanh tiến độ tiêu chuẩn hóa xe điện là để thúc đẩy thị trường xe điện nội địa đồng thời hướng xứ sở sương mù tới mục tiêu không còn khí thải vào năm 2050. Một khoản đầu tư 500 triệu bảng (gần 660 triệu USD) sẽ được chính phủ triển khai trong năm tới để nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông phục vụ xe điện bao gồm cả một số mạng lưới điện mới “phủ sóng” tới vùng sâu vùng xa.
Tuy nhiên, chính người dân Anh Quốc cũng đang nghi ngờ tính khả thi của mục tiêu trên mà chính phủ đề ra. Theo Reuters, trong năm 2020 doanh số xe chạy động cơ đốt trong chiếm 73,6% lượng xe mới bán ra trong khi xe thuần điện chỉ chiếm 5,5%.
Lo ngại về chất lượng xe điện, độ an toàn, sự thiếu vắng các chính sách trợ giá và cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng là các mối quan ngại chung không chỉ của người Anh mà cả ở các quốc gia cũng đang đặt mục tiêu bỏ hẳn xe chạy động cơ đốt trong.
Các hãng xe đang có mặt tại Anh cũng lên tiếng phản đối kế hoạch trên. Honda cho biết khung thời gian 15 năm (2020 – 2035) vẫn là quá hạn hẹp trong khi Toyota thì vào thẳng vấn đề khi khẳng định kế hoạch trên của chính phủ Anh sẽ gây thiệt hại lên các khoản đầu tư tiềm năng trong tương lai vào nền công nghiệp ô tô nước này.
Tham khảo: FT, Reuters