Theo VinFast, ngày 20/4 và 28/4, khách hàng liên tiếp sản xuất, đăng tải các video với nội dung gây hiểu nhầm khiến người dùng hoang mang lên kênh YouTube Gogo TV. Các video này đã được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, khiến nhiều khách hàng khác không rõ sự tình đã thật sự lo lắng, bất an và tổn hại đến uy tín, hình ảnh của VinFast.
“Mức độ lan truyền rộng, tốc độ nhanh của thông tin không đúng sự thật này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến VinFast, buộc chúng tôi phải trình báo cơ quan chức năng để được hỗ trợ làm rõ sự việc”, ông Hoàng Chí Trung, đại diện VinFast trả lời.
Đáng chú ý, đại diện VinFast khẳng định: “Sự thật lịch sử sửa chữa cho thấy ’10 lần phải vào xưởng sửa chữa’ là sai. Tổng cộng có 7 lần, trong đó, một lần khách đưa xe vào xưởng là để thay dầu, lọc dầu, một lần là thay càng A phía trước bên phải vì xe bị tai nạn. Tức là số lần vào xưởng để sửa lỗi cho là tại xe chỉ có 5. Và trong 5 lần đó cũng có một số hiện tượng khách nêu nhưng thực tế kiểm tra lại không có hoặc có nguyên nhân từ phía người dùng”.
Ông Trần Văn Hoàng trong clip số 2 nói về vụ lùm xùm với VinFast.
Về lỗi tiếng cửa kêu, đại diện VinFast trả lời: “Ngày 5/4, khách hàng vào đại lý Phú Mỹ Hưng bảo dưỡng xe và kiểm tra tiếng cửa kêu nhưng đại lý xử lý chưa hiệu quả. Ngày 8/4, khách quay lại để xử lý, nhưng chưa được xử lý triệt để. Đến 16/4, khách tiếp tục tới xưởng. Lần này, VinFast đã cử kỹ thuật viên xuống hỗ trợ nên đã xử lý dứt điểm. Khách hàng đã ký biên bản xác nhận cửa xe không còn kêu nữa”.
“Về việc khách phải đi lại 3 lần, VinFast đã siết lại trình độ kỹ thuật của các đại lý. Nếu đại lý nào không nghiêm túc chấn chỉnh tay nghề nhân viên sẽ bị cắt quyền đại lý để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng”, đại diện VinFast nói.
“Tất cả các lần khách vào xưởng kiểm tra và kết quả làm việc đều có chữ ký xác nhận của khách hàng. Các vấn đề của khách hàng nêu đều được VinFast tiếp nhận và xử lý, bao gồm cả các lỗi từ quá trình sử dụng”.
Ông Trần Văn Hoàng mua xe VinFast Lux A2.0 từ tháng 1/2021.
“Ngay trong ngày 29/4, sau khi có thông tin trên mạng xã hội, chúng tôi đã gọi điện cho khách xin tiếp nhận xe về xưởng kiểm tra. Tuy nhiên, khi kiểm tra, nhiều phản ánh khách nêu không thấy. Tại thời điểm kiểm tra, các tính năng đều hoạt động bình thường và chính anh Hoàng cũng có ký xác nhận việc này. Về cơ bản, chiếc xe hoàn toàn không có bất kỳ lỗi nghiêm trọng nào có thể ảnh hưởng tới xe và sự an toàn của người ngồi trên xe”.
“Đây là lần đầu tiên, VinFast phải viện đến pháp luật nhưng tôi tin là những khách hàng chân chính đều ủng hộ chúng tôi minh bạch”, ông Chí Trung nói.
Ông Hoàng Chí Trung – Quyền Phó Tổng Giám đốc kinh doanh của VinFast. Ảnh: VinFast.
Trước đó, vào chiều qua (5/5), Trần Văn Hoàng đã đăng tải video số 2, xuất hiện cùng 3 người khác được cho là đại diện pháp luật của mình, tới từ một văn phòng luật sư ở TP. HCM. Trong video, Hoàng nhắc lại các lỗi trên xe như ở video số 1, đồng thời nói đã có đại diện về pháp luật. Trong hơn 6 phút, nội dung này được nhắc đi nhắc lại cùng 1 câu nói về ý muốn tìm tiếng nói chung với VinFast trong thời gian sớm nhất.
Nguồn cơn được cho là xuất phát từ việc VinFast đăng tải thông cáo trên fanpage chính thức, cho biết đã đưa vụ việc lên cơ quan công an.
Tuy nhiên, Reuters cho biết đã liên hệ tới VinFast nhưng hãng xe Việt từ chối cung cấp thông tin họ báo cáo vụ việc tới cơ quan cảnh sát nào. Một cán bộ trả lời điện thoại của hãng tin Mỹ từ trụ sở Công an TP. HCM cho biết không biết gì về vụ việc.