Theo thông cáo chính thức, Vingroup – công ty mẹ của VinSmart lý giải quyết định “dừng cuộc chơi” là để tập trung vào phát triển các tính năng thông minh trên phương tiện giao thông và nhà ở. Trong đó, trọng điểm là phát triển các tính năng thông tin – giải trí – dịch vụ. Vingroup lý giải việc sản xuất tivi và điện thoại không còn khả năng đột phá, trong khi ô tô thông minh hay nhà ở thông minh vẫn còn nhiều dư địa tạo ra giá trị khác biệt cho người dùng.
Quyết định này của Vingroup khiến cả cộng đồng yêu thích đồ công nghệ không khỏi bất ngờ tiếc nuối, bởi dù là “tay chơi mới” nhưng VinSmart đã từng lên đến Top 3 điện thoại thông minh bán chạy nhất thị trường và sở hữu dải sản phẩm rộng lớn với giá cả vô cùng phải chăng.
Căn cứ vào phát biểu của đại diện Vingroup, có thể thấy họ đặt mục tiêu cao và xa hơn, dồn lực cho cuộc đua “nóng nhất” là công nghệ thông minh trên ô tô điện và nhà ở thông minh. Nhưng đây không phải là lần đầu tiên, Vingroup tinh gọn chính mình cho mục tiêu này.
Vingroup từng gây bất ngờ lớn khi chuyển giao mảng bán lẻ cho Masan vào cuối năm 2019
Trước đó, năm 2019, Vingroup đã gây choáng váng toàn thị trường khi công bố chuyển giao mảng Bán lẻ – Nông nghiệp cho Masan, đồng thời giải thể hệ thống điện máy VinPro. Việc chuyển giao mảng kinh doanh đang mang lại “tiền tươi” quay vòng mỗi ngày, trong khi hai mảng này đã sắp đến điểm hòa vốn và “auto có lãi” đã khiến nhiều người khó hiểu. Lý do rất rõ ràng, Vingroup nhận thấy các mảng này không còn phù hợp với chiến lược “lõi” là Công nghệ – Công nghiệp – Thương mại Dịch vụ đang theo đuổi. Và quyết định này là một sự “tối giản” cần thiết về nhân sự và quản lý để nhẹ gánh cho mục tiêu ưu tiên là VinFast.
Đầu năm 2020, Vingroup tiếp tục gây xôn xao với quyết định dừng Dự án Hàng không sắp được cấp phép. Dự án Vinpearl Air đã được đặt dấu chấm hết nhanh như khi bắt đầu: chưa đầy 5 tháng sau công bố gia nhập. Cộng đồng một lần nữa tiếc nuối vì đã quá mong chờ một hãng bay được bảo chứng chất lượng bởi Vingroup.
Một lần nữa, Vingroup thẳng thắn thừa nhận thị trường hàng không tại Việt Nam đã quá chật chội và không còn dư địa tạo ra giá trị đột phá, trong khi mảng ưu tiên cốt lõi là VinFast cần tập trung nguồn lực.
Chưa đầy vài tháng sau, khi cơn bão Covid ập xuống – ngành hàng không và du lịch toàn cầu lẫn trong nước tê liệt. Trong lúc Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways… chật vật chống đỡ qua ngày với lượng khách sụt giảm thì Vingroup lại bảo toàn được nguồn lực để thúc đẩy mảng ô tô phát triển đột phá. Năm 2020 cũng chính là năm thăng hoa của VinFast với hàng chục ngàn xe được bán ra trên thị trường, đưa VinFast trở thành chiếc xe “quốc dân” tại Việt Nam, bất chấp tình hình bất ổn vì Covid 19.
Mới đây nhất, ngày 9/5/2021, Vingroup công bố dừng phát triển điện thoại và ti vi thông minh Vsmart với lý do: “Việc sản xuất điện thoại hoặc ti vi thông minh đã không còn mang lại khả năng đột phá, tạo ra giá trị khác biệt cho người dùng” để tập trung cho mục tiêu cốt lõi là “phát triển các dòng ô tô đặc biệt thông minh, các ngôi nhà thông minh, thành phố thông minh”.
Như các lần trước, mỗi quyết định của Vingroup đều cho thấy họ nhất quán mục tiêu ưu tiên cho VinFast, đồng thời có cơ sở đúng đắn để dừng lại một mảng kinh doanh. Thị trường điện thoại di động hiện đã bão hòa. Số liệu của Gartner trong 3 tháng đầu 2020, nhu cầu về smartphone trên toàn cầu giảm 20%. Xu hướng này tiếp tục trong quý 2 với mức giảm 20%. Đến quý 3, sự sụt giảm mới chậm lại, nhưng vẫn ở mức 7,5%. Với việc Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng đến chi tiêu dùng, thị trường sẽ tiếp tục gặp khó khăn.
Một lần nữa,Vingroup đã chủ động “tinh gọn chính mình” để dồn toàn lực cho mục tiêu ưu tiên hơn là phát triển công nghệ trên ô tô và nhà ở.
Trước đó, họ cũng đã có rất nhiều lần chủ động dừng nhiều dự án đầy tiềm năng khác trong sự nuối tiếc của người trong cuộc lẫn bên ngoài, khi không còn nhìn thấy triển vọng xứng đáng hoặc đơn giản là giảm bớt gánh nặng cho nhẹ thuyền đi xa hơn.
Thực tế, không có doanh nghiệp nào có thể trụ vững mãi trên đỉnh hoàng kim nếu chỉ ở trong vòng an toàn hoặc đứng một chỗ, dám thử nghiệm, dám dừng lại đúng lúc, song song với việc kiên định mục tiêu là cốt lõi là lựa chọn sống còn của mọi doanh nghiệp. Bài học “chỉ kiên định một chỗ” của Nokia là quá nhãn tiền. Bởi thế, dù đang phát triển rực rỡ nhưng vua thép Hòa Phát đang phải lấn sân sang chăn nuôi, bất động sản; Trường Hải bên cạnh ô tô cũng đầu tư nông nghiệp, phát triển nhà ở…. Sony phải chấp nhận bỏ mặc lĩnh vực âm nhạc kỹ thuật số, điện thoại thông minh và tivi từng là thế mạnh để tập trung cho hướng đi mới mang lại lợi thế cạnh tranh khác biệt là máy chơi điện tử PlayStation.
Dù sinh sau đẻ muộn hơn các sản phẩm kia, song với tiềm năng của ngành công nghiệp trò chơi điện tử trị giá hơn 160 tỷ USD, game giờ là mảng lợi nhuận cao nhất của hãng điện tử này – một điều khó có thể dự đoán trước đây.
Quay lại với VinSmart, hiện tại có thể có nhiều tiếc nuối cho một thương hiệu điện thoại Việt đang rất thành công, song đó nhìn rộng hơn đó là bước đi chiến lược cần thiết để dồn lực một thương hiệu Việt khác có khả năng đi xa hơn, bước ra toàn cầu.