Xe ô tô bị hao nước làm mát là vấn đề không phải hiếm gặp. Đây là dấu hiệu cho biết hệ thống làm mát xe ô tô của bạn đang xảy ra trục trặc.
Chúng ta đều biết nước làm mát ô tô có vai trò vô cùng quan trọng đối với động cơ của xe ô tô. Nó có công dụng làm mát giúp cho động cơ khi hoạt động không bị quá nhiệt, hạn chế hiện tượng bị bó kẹt cho các chi tiết trong động cơ. Bên cạnh đó, nước làm mát chuyên dụng cũng cho tác dụng chống đóng cặn hoặc chống đóng băng hay tăng nhiệt độ sôi của nước, từ đó giảm nguy cơ động cơ ô tô quá nóng.
Nước làm mát có vai trò vô cùng quan trọng đối với động cơ của xe ô tô
Khi động cơ xe hoạt động mà bị thiếu nước làm mát thì sẽ dẫn đến hiện tượng động cơ không được giải phóng nhiệt khiến nước làm mát bị sôi và gây ra nguy cơ các chi tiết trong động cơ bị bó kẹt. Do vậy, để đảm bảo cho mỗi chuyến đi được thuận lợi và an toàn, chúng ta phải thường xuyên kiểm tra hệ thống làm mát ô tô.
Vì sao xe ô tô bị hao nước làm mát?
Nước làm mát bị rò rỉ ra bên ngoài
Trong quá trình ô tô hoạt động có thể khiến cho các đường ống dẫn hay tại vị trí các khúc nối có xiết bằng cổ dê đã bị hở và khiến nước làm mát bị rò rỉ và bị hao dần. Tuy nhiên, quá trình hao nước làm mát này diễn ra từ từ nên rất khó để chúng ta phát hiện ra, nhất là những nơi gây rò rỉ có thể nằm ở vị trí ngóc ngách của động cơ xe.
Xe ô tô bị hao nước làm mát tại vị trí các khúc nối của đường ống bị hở
Ngoài ra, nguyên nhân có thể do các nút bịt lỗ được gia công trên động cơ xe ô tô (hay còn gọi là đồng tiền) hoạt động lâu ngày và bị ăn mòn. Két chứa nước làm mát làm việc trong thời gian dài khiến cho các thanh tản nhiệt bị hỏng hoặc khi xe di chuyển trên đường bị đá văng lên làm cho két nước bị thủng và khiến hao nước. Nếu hiện tượng rò rỉ này không được phát hiện kịp thời có thể khiến xe ô tô bị hết nước làm mát.
Nắp của két chứa nước làm mát bị hỏng khiến cho hệ thống không còn được kín. Khi đó, động cơ hoạt động khiến nước nóng lên sẽ dẫn đến hiện tượng bay hơi và gây nên tình trạng hao nước làm mát. Tuy nhiên, nếu chúng ta không kiểm tra thì sẽ không phát hiện ra sự cố này và khi đó cứ đi một thời gian lại thấy nước làm mát bị hao nhưng không tìm được nguyên nhân vì không thấy có dấu hiệu nước bị chảy dưới gầm xe.
Nước làm mát bị lọt vào bên trong buồng đốt
Trong động cơ ô tô có chi tiết giúp làm kín giữa hai bộ phận mặt máy và thân máy có tên là gioăng quy lát. Khi mặt gioăng quy lát bị hỏng cũng là nguyên nhân khiến cho đường nước làm mát của động cơ bị thông sang với đường dầu hoặc là sẽ đi vào buồng đốt. Xi lanh của động cơ bị nứt và khi đó sẽ khiến cho nước làm mát cũng bị lọt vào buồng đốt.
Xi lanh của động cơ bị nứt cũng là nguyên nhân gây hao nước làm mát
Những trường hợp bị hao nước làm mát ô tô như trên là xuất phát từ nguyên nhân hư hỏng của các bộ phận liên quan đến động cơ xe. Khi có hiện tượng này, động cơ hoạt động sẽ bị rung giật hoặc máy nổ không ổn định, thậm chí không hoạt động được nếu bị hư hỏng nặng. Bên cạnh đó, đối với các loại xe sử dụng số tự động thì nguyên nhân gây hao nước làm mát cũng có thể xuất phát từ lý do két dầu của hộp số đã bị hỏng và khiến cho nước làm mát của động cơ bị lẫn sang dầu của hộp số. Trong trường hợp này, nếu không xử lý kịp thời có thể khiến xe không hoạt động được.
Như vậy, chúng ta đã biết hệ thống làm mát của xe ô tô là một hệ thống tuần hoàn kín cho nên nước làm mát cũng sẽ không bị tiêu hao ngay cả khi động cơ làm việc. Nhưng nếu kiểm tra và thấy nước làm mát cho động cơ bị thiếu thì rất có thể đã bị rò rỉ hoặc xuất hiện hư hỏng ở bộ phận nào đó. Vì vậy, ta nên đưa xe tới ngay các trung tâm sửa chữa để được kiểm tra và khắc phục kịp thời. Tuy nhiên trong trường hợp khẩn cấp, ta có thể tự châm thêm nước làm mát cho xe.
Cách châm nước làm mát ô tô
Xác định vị trí của bình nước làm mát động cơ theo chỉ dẫn của sách hướng dẫn sử dụng xe và tháo nắp đậy của bình. Pha hỗn hợp theo tỷ lệ 50-50 của nước làm mát và nước cất, sau đó đổ hỗn hợp dung dịch đã pha đó vào bình. Châm cho tới khi mức nước đạt ở vạch tiêu chuẩn. Các chuyên gia khuyến cáo không nên sử dụng trực tiếp nước làm mát mà không pha với nước cất. Trong trường hợp khẩn cấp, có thể sử dụng nước sạch nhưng sau đó phải tiến hành thực hiện thay thế lại bằng hỗn hợp pha dung dịch như đã nêu trên.
Châm nước làm mát ô tô theo tỷ lệ 50-50 của nước làm mát và nước cất
Sau khi đã châm thêm dung dịch nước làm mát cho động cơ, kiểm tra lại mức dung dịch vài lần. Khi đó, có thể phải châm thêm bởi mực nước làm mát có thể thay đổi. Lưu ý chỉ nên pha dung dịch nước làm mát của xe theo hướng dẫn, không nên tự ý pha thêm thêm các phụ gia khác, vì như vậy có thể khiến xe bị hư hại và sẽ không nhận được các chính sách bảo hành theo quy định của nhà sản xuất.
Linh Mỹ