Bugi là một trong các bộ phận quan trọng trên xe ô tô cần được kiểm tra, bảo dưỡng và thay thế định kỳ để tránh các trục trặc về sau.
Nhiệm vụ của bugi là tạo ra tia lửa điện bên trong buồng đốt của xe. Bugi phải hoạt động trong một môi trường vô cùng khắc nghiệt với nhiệt độ cao và tần suất làm việc dày đặc. Hoạt động của bugi ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất động cơ xe ô tô.
Các loại bugi xe ô tô
Có hai loại bugi đó là bugi nguội và bugi nóng. Bugi nguội được sử dụng đối với những xe ô tô có tỉ số nén và tốc độ cao. Những xe thường xuyên phải vận hành ở các cung đường dài, phải tải một lượng hàng hóa lớn thường sử dụng loại bugi này. Ngược lại, đối với những xe có tỉ số nén và tốc độ động cơ thấp thì dùng bugi nóng. Lý do là bởi xe chỉ di chuyển ở quãng đường ngắn và không phải tải quá nhiều.
Hai loại bugi hiện nay là nguội và nóng
Khá là khó để phân biệt hai loại bugi này vì chúng có ngoại hình hầu như là giống nhau. Chủ xe có thể nhìn vào chỉ số nhiệt để phân biệt chúng. Chỉ số nhiệt nhỏ thì đó là bugi nóng, ngược lại chỉ số nhiệt lớn thì đó là loại bugi nguội. Đây là cách nhận biết bugi ô tô thông dụng.
Cách kiểm tra và đánh giá tình trạng bugi
Theo các mốc thời gian bảo dưỡng xe ô tô định kỳ, chủ xe cần kiểm tra bugi ô tô sau 2.000km xe đã di chuyển. Đầu tiên, chủ xe cần đỗ xe ở vị trí an toàn, sau đó rút nắp dây cao áp khỏi bugi của xe. Tiếp theo, dùng mảnh vải sạch để làm sạch toàn bộ phần quanh chân bugi. Sử dụng que gỗ để lấy hết muội bẩn tồn đọng trong nồi bugi, đừng quên ngâm đầu chấu trong xăng. Tuyệt đối không được làm sứt hoặc làm vỡ sứ cách điện.
Chủ xe cần chuẩn bị một thước đo phẳng dẹt có độ dày chỉ 0,7mm, dụng cụ này sẽ giúp chủ xe kiểm tra khe hở nằm giữa chấu và điện cực dương. Nếu kết quả đo cho thấy khe hở này quá rộng thì chứng tỏ tia lửa được tạo ra bởi bugi sẽ khó khăn trong việc phóng quá và khi xe di chuyển ở tốc độ thấp thì bị mất lửa, nhanh hỏng bô bin sườn. Ngược lại, nếu khe hở này quá hẹp, tia lửa sẽ không đủ lớn để giúp hỗn hợp nhiên liệu được bắt cháy, xe sẽ bị ì và tiêu tốn nhiều nhiên liệu hơn. Nếu trường hợp này xảy ra, chủ xe cần chỉnh lại khe hở này, chỉ cần gõ hoặc nạy vào mỏ chấu là được.
Chú ý khe hở nằm giữa chấu và điện cực dương
Khi kiểm tra bugi ô tô, hãy chú ý tới những biểu hiện khác như màu sắc của bộ phận sứ cách điện bugi. Nếu là màu đỏ gạch nung, không có muội than bám đen, đồng thời chấu và nồi bugi sạch sẽ, khô ráo, bugi vẫn đang hoạt động ổn định, không có vấn đề gì. Ngược lại, nếu sứ cách điện cũng như chấu bugi có màu đen do muội than bám dày đặc thì chắc chắn bugi có vấn đề. Nhiên liệu không được đốt cháy hoàn toàn bị đóng cặn. Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể là bởi vít lửa bị rơ hoặc rỗ; sai loại bugi; áp lực nén trong buồng đốt quá thấp; tỉ lệ hỗn hợp nhiên liệu bị sai…
Trường hợp sứ cách điện và chấu cũng bị bám đầy muội than nhưng ướt thì có thể do séc măng và xi lanh quá mòn khiến dầu nhờn bị lọt vào bên trong buồng đốt. Nếu để bugi trong tình trạng này lâu dài có thể dẫn đến hiện tượng chết bugi ô tô.
Nên thường xuyên kiểm tra bugi xe ô tô
Ngoài ra, chủ xe cũng nên kiểm tra bộ phận sứ cách điện. Nếu sứ cách điện đã quá mòn hoặc bị nứt, mẻ thì bắt buộc phải thay mới bugi. Khởi động xe rồi quan sát tia lửa phóng ra. Nếu tia lửa phóng quá nhỏ và lung tung thì bugi cần được thay mới. Việc kiểm tra bugi nên được thực hiện thường xuyên, tốt nhất là trong những lần chủ xe bảo dưỡng ô tô định kỳ.
Cách thay bugi xe ô tô
Để thay mới bugi ô tô, điều đầu tiên là chủ xe cần chờ đến khi động cơ xe nguội hẳn. Lý do là bởi nếu cố tình vặn bugi lúc xe còn nóng thì phần đầu bugi sẽ bị kẹt rất chặt và lỗ vặn ở đầu quy-lat có thể bị bứt. Lưu ý quan trọng đó là không được giật mạnh các dây bugi, chủ xe hãy xoay chụp bugi và kéo ra một cách chậm rãi, nhẹ nhàng đến khi chụp được rút ra. Nếu thực hiện thao tác quá mạnh bạo, đầu bugi có thể bị toạc ra và chụp bugi có thể bị tét.
Chủ xe nên thay mới khi bugi quá cũ
Chủ xe nên lau sạch những vết bẩn trước khi tháo bugi cũ ra. Thậm chí chủ xe nên sử dụng khí nén hoặc dung môi dạng xịt để làm sạch khu vực xung quanh bugi. Nếu xảy ra tình trạng bugi bị kẹt cứng, chủ xe hãy tra một chút dầu máy vào rang bugi và đợi dầu ngấm một chút trước khi tiếp tục thao tác.
Minh Duyên