Phân khúc sedan hạng C tại Việt Nam đang chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt từ nhiều tên tuổi lớn nhỏ. Tuy nhận được sự đầu tư lớn từ các hãng nhưng các mẫu xe vẫn còn đó những chứng “bệnh” có thể khiến nhiều khách hàng khó chịu. Trong bài viết này, danhgiaXe sẽ tổng hợp một số lỗi thường gặp trên ba dòng xe phổ biến thuộc phân khúc sedan hạng C tại Việt Nam là Hyundai Elantra, Kia Cerato và Mazda 3.
Trong dây chuyền sản xuất và lắp ráp ô tô ở quy mô công nghiệp, không thể tránh khỏi một vài (hoặc hàng loạt) xe gặp lỗi cần nhiều biện pháp từ các hãng và người dùng để giải quyết và khắc phục. Dưới đây là những lỗi được tổng hợp từ những người dùng thực tế của các mẫu xe trên (không phải mọi xe đều bị) để mang đến cho độc giả cái nhìn khách quan hơn về mẫu xe mình quan tâm.
Hyundai Elantra
Sở hữu thiết kế sắc sảo, đẹp mắt cùng hàng loạt trang bị hiện đại, thế nhưng Elantra theo phản ánh của một số người dùng vẫn tồn tại những lỗi như:
Vài trường hợp lốp xe sau vài nghìn km có trường hợp bị phù. (do xe nặng, lốp mỏng nên cần hạn chế cấn, va chạm ở tốc độ cao).
Xem thêm: Đánh giá sơ bộ Hyundai Elantra 2019
Ắc quy Troy có trường hợp sau 20,000 km thì hỏng, nên kiểm tra và vào hãng thay bằng loại ắc quy khác (từ người dùng KITTOTET – Elantra Vietnam Club).
Vô-lăng nhẹ dù chuyển qua chế độ sport tạo cảm giác hơi nguy hiểm cho người lái ở tốc độ cao (đây là nhược điểm, không phải lỗi).
“Khi cửa xe đóng không chặt, bấm lock bằng key thì cửa vẫn khóa được, hãng khác thì một trong các cửa không đóng chặt thì không khóa được”. (từ người dùng chungniemdamme – Elantra Vietnam Club).
Lỗi cảm biến va chạm phía trước (từ người dùng ChuongLe – Elantra Vietnam Club):
“Vụ cảm biến thì xe elantra 2.0 mới mua cũng bị như thế, lúc lùi thì kêu, lúc vào thì cảm biến trước không ổn định (lúc kêu lúc không).
Cảm biến trước của xe em sau khi đi 5000km thì em nhận xét như sau:
– Lùi thì luôn kêu.
– Mới nổ máy, xe tốc độ chậm lái ra và gara thì kêu.
– Đi phố, đi chậm mấy cũng không kêu.
– Đi phố, đi chậm muốn kêu thì tấp xe vô lề, chuyển số lùi hoặc P rồi về D rồi đi từ đi ra là kêu suốt.
– Chạy về nhà khoảng 40km/h, đánh lái vào gara, cà đầu xe sát tường cũng không kêu vì cảm biến ngủ quên. Muốn kêu thì đánh thức như trên (gài lùi hoặc P rồi D).”
Kia Cerato
Được đánh giá là dòng xe Hàn khá “lành” và kinh tế, tuy nhiên một số mẫu Cerato cũng mắc phải những lỗi khó chịu sau:
Lỗi mở nắp bình xăng: mỗi lần mở, bạn sẽ phải ấn sâu nắp bình xăng rồi hãy giật lẫy ra, còn nếu không ấn, bạn sẽ giật đi giật lại tới 10 lần mà nắp bình xăng vẫn không được bật ra.
Lỗi bộ phát sóng của chìa khóa khởi động từ (từ người dùng Nguyễn Phú Cường – Cerato Vietnam Club):
Nếu cầm chìa khóa vào xe, chưa ấn khởi động thì thấy đèn chìa khóa nhấp nháy và hiện chữ “Key is not detected”. Nếu ấn nút Start khởi động thì nó hiện “Installation Key” và không đề được. Tuy nhiên nếu cho chìa vào hốc khóa trên xe thì lại khởi động ngon lành.
Xem thêm: Đánh giá sơ bộ Kia Cerato 2019
Lỗi lỏng dây dẫn hộp số đến ECU, xe không nhận biết được đang vào số nào và báo lỗi lên đèn check engine (đèn “cá vàng”). Theo đó, xe “đang đi thì thấy mất đèn báo hộp số D, dừng xe lại về N sau đó vào lại D thì xe rung lên sau đó đèn D hiện lại và đi bình thường…” (từ người dùng Mr.V – Cerato Vietnam Club).
Về lỗi cũng liên quan đến đèn check engine, người dùng Xephuot từ Cerato Vietnam Club chia sẻ: “Mấy hôm nay em di chuyển nhiều trên đường khi cần tăng tốc để vượt có hiện tượng đèn nháy báo lỗi động cơ đồng thời có hiện tượng bị giật ga. Xe chạy không mượt mà và khó tăng tốc. Đi một đoạn khi tốc độ ổn định hoặc giảm tốc độ ga lại nâng tốc độ từ từ thì hết hiện tượng trên”.
Mazda 3
Mazda 3 có thể nói là một trong những mẫu xe được nhắc đến nhiều nhất trong phân khúc. Từ khi ra mắt, mẫu xe này đã vươn lên trở thành hiện tượng đáng chú ý trên thị trường khi liên tục góp mặt trong top 10 xe bán chạy hàng tháng.
Xem thêm: Đánh giá sơ bộ Mazda 3 2019
Bản thân Mazda 3 không dính quá nhiều lỗi vặt, tuy nhiên, theo chia sẻ từ nhiều khách hàng, hai lỗi mà rất nhiều xe mắc phải chính là lỗi gập gương và lỗi “cá vàng” – đèn báo kiểm tra động cơ. Do bản chất là một hãng xe từ Nhật Bản nổi tiếng bởi độ tin cậy nên lỗi “cá vàng” của Mazda đã tốn không ít giấy mực của báo chí trong giai đoạn 2015 – 2016 với hơn 10,000 xe được Thaco triệu hồi để khắc phục.
Cụ thể hơn, trong công bố chính thức của mình, Thaco cho biết, đoạn ống dẫn tại bình xăng được chế tạo từ kẽm hoặc mạ kẽm. Cấu tạo của chúng chưa phù hợp với lượng nhiên liệu. Khi xăng tràn vào, phần kẽm trên sẽ bị mài mòn và hòa lẫn với nhiên liệu, tạo thành muội đen làm tắc đầu kim phun nhiên liệu trong động cơ. Đó là lý do khiến đèn check engine trên xe Mazda 3 bật sáng.
Hy vọng qua bài viết này, danhgiaXe đã mang đến cho độc giả cái nhìn tổng quát và khách quan hơn về ba mẫu xe nhận được rất nhiều sự quan tâm trong phân khúc hạng C, qua đó có thêm tư liệu và kiến thức để lựa chọn cho mình mẫu xe ưng ý và phù hợp nhất.