Đòn bẩy đúng lúc, khan hàng xảy ra diện rộng
Thống kê mới nhất từ VAMA (Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam) và Tổng cục Hải quan cho thấy trong năm 2020, lượng ôtô tiêu thụ trong cả nước và ôtô nhập khẩu về Việt Nam tăng dần đều trong nửa cuối năm. Kết quả này có được phần lớn nhờ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ ôtô của Chính phủ áp dụng cho 6 tháng cuối năm 2020.
Theo VAMA, chỉ riêng hai tháng 10 và 11 tiêu thụ ôtô đã liên tục lập đỉnh mới lần lượt là 33.254 xe và 36.359 xe, trong khi đó dù chưa có thống kê tháng 12 nhưng giới quan sát nhận định tháng cuối cùng năm 2020 cũng sẽ là một kỷ lục mới. Nguyên nhân được cho bởi tâm lý chạy đua mua xe hưởng ưu đãi lệ phí trước bạ của người dân tăng cao.
Còn theo Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng năm 2020, lượng ôtô nguyên chiếc các loại đạt 92.261 chiếc, giảm 30,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ôtô 9 chỗ ngồi trở xuống là 68.104 chiếc, giảm 31,4%; ôtô vận tải là 18.091 chiếc, giảm 34,3%. Tuy nhiên, riêng từ tháng 9-11, nhập khẩu xe đã vượt tháng cao điểm nhất là tháng 3 (12.151 xe).
Anh Phan Dương Tuấn, nhân viên bán hàng tại đại lý Ford Phú Mỹ cho biết tình trạng khan xe đã xảy ra ngay từ đầu tháng 12. “Mẫu xe lắp ráp EcoSport không còn hàng để bán. Ngay cả xe nhập khẩu cũng cháy hàng. Chỉ còn mẫu xe thương mại là Ford Transit và Tourneo là sẵn hàng”, anh Tuấn chia sẻ.
Sự thiếu hụt nguồn cung khiến dẫn đến người mua xe cũng phải chạy đôn chạy đáo để mua được xe. Chị Phan Thanh Hải (Cầu Diễn, Hà Nội) kể lại quá trình mua xe Vinfast Fadil đúng kiểu càn quét không bỏ sót: “Tôi đặt mua Fadil bản cao cấp từ cuối tháng 11 nhưng không đại lý nào còn xe kịp giao tháng 12. Đi nhiều nơi trong thành phố cũng ở tình trạng tương tự. Tôi phải về một đại lý ở quê chồng Quảng Ninh mới có xe, nhưng lại là bản tiêu chuẩn. Dù không đúng ý định ban đầu nhưng có xe chạy đã tốt lắm rồi”.
Khan xe không chỉ ảnh hưởng tới khách hàng mà ngay cả nhân viên bán hàng cũng ở thế bị động. Anh Phan Dương Tuấn kể lại chuyện khiến anh day dứt đến tận những ngày đầu năm mới. Đó là một khách hàng ở xa đặt mua Ford Ranger Raptor, anh Tuấn kiểm tra và thấy còn một chiếc trong kho đã bỏ cọc nên nhắn vị khách mang tiền đến trả thẳng. Thế nhưng khi khách khệ nệ bê bao tải tiền đến vào hôm sau thì anh Tuấn bối rối bởi chiếc Raptor đã được sale bán cho người khác. “Dù được khách thông cảm nhưng tôi vẫn cảm thấy áy náy vì để khách mất công mất việc”, anh Tuấn nói.
Thị trường 2021 còn diễn biến khó lường
Là người quan sát khá kỹ thị trường ôtô ngay từ những tháng đầu năm khi dịch Covid-19 bùng phát, chuyên gia ôtô Vĩnh Nam cho rằng dù năm 2020 đã kết thúc nhưng những thách thức cũ vẫn tồn tại. “Trong năm 2021, thị trường ôtô chưa thể hết tình trạng khan xe đến Quý III do tình hình Covid-19 vẫn còn phức tạp. Nguồn cung nguyên vật liệu và linh kiện vẫn còn khó khăn do một số quốc gia sản xuất chưa hồi phục. Trong đó một số xe nhập khẩu hoặc linh kiện từ Châu Âu sẽ gặp khó khăn nhiều hơn do Châu Âu lại bùng phát đợt dịch mới nên số lượng sản xuất không nhiều và tiến độ giao hàng bị chậm”, chuyên gia Vĩnh Nam nhận định.
Thực tế những ngày đầu năm 2021 đã diễn biến đúng như vậy. Các mẫu xe lắp ráp “hot” như Kia Seltos, Hyundai Accent, Honda City, Vinfast Fadil…vẫn trong tình trạng hết xe bàn giao sớm. Nhiều sale không dám hứa hẹn thời gian có xe. Ở dòng xe nhập khẩu, Ford Everest, Toyota Camry, Suzuki Ertiga…cũng vắng bóng ở showroom trưng bày.
Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng tiểu ban Chính sách của VAMA, hàng năm Hiệp hội đều đưa ra những dự báo thị trường dựa trên tình hình của nền kinh tế. Nếu như năm 2020 dự báo giảm do dịch bệnh thì về lý thuyết năm 2021 sẽ phải tốt hơn nhưng đến thời điểm hiện tại VAMA cũng chưa thể đưa ra dự đoán. Ông Hiếu nói: “Nếu bóc tách yếu tố xe bán chạy nửa cuối năm 2020 nhờ chính sách hỗ trợ 50% trước bạ của nhà nước thì có thể thấy điều này ảnh hưởng tới những tháng đầu năm 2021. Lý do vì một lượng lớn khách đã dồn mua xe năm trong cũ nên nhu cầu đầu năm mới sẽ giảm.”
Ông Hiếu cũng cho rằng thị trường cuối năm khan xe và đầu năm mới cũng tiếp diễn không phải do không dự đoán được mà là phần lớn các hãng xe vừa bán vừa dò đường. “Trong bối cảnh dịch bệnh covid-19 vẫn khó lường, chỉ cần một lần bùng phát là mọi thứ lại bị dừng lại. Vì vậy năm 2021 tâm lý đề phòng sẽ vẫn còn”, ông Hiếu nói.
Cùng quan điểm như vậy, ông Lê Ngọc Đức – Tổng Giám đốc TC Motor cho rằng các nhà sản xuất không chỉ lo lắng đầu vào mà còn phải đối mặt với rủi ro đầu ra, bởi tâm lý người tiêu dùng trong bối cảnh dịch bệnh, thiên tai sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới các quyết định mua xe mới.
Nhận định về thị trường ôtô 2021, ông Đức nói: “Sự phục hồi nhanh chóng và bứt phá của năm 2020 sẽ là một tiền đề tốt cho thị trường ôtô Việt Nam năm 2021. Chúng ta có thể thấy rằng, người tiêu dùng đang dần coi ôtô chỉ là phương tiện đi lại không còn là tài sản nữa, đối tượng khách hàng ngày sở hữu xe ngày càng được trẻ hoá, tỉ lệ khách hàng trẻ có thu nhập ổn định mua xe ngày một tăng,…Tôi tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 và thị trường sẽ tăng trưởng trở lại”.
Cũng theo ông Đức, hiện nay sự chênh lệch chất lượng giữa xe lắp ráp và xe nhập khẩu đã không còn độ vênh quá lớn nhờ nỗ lực đầu tư và phát triển của các nhà sản xuất tại Việt Nam. Ví dụ như công đoạn hàn trước đây hầu như là bán tự động thì đã được chuyển đổi thành robot hàn tự động hoàn toàn. Do đó câu chuyện hiện tại của “xe nội” là lựa chọn sản phẩm như thế nào, các tính năng, công nghệ trang bị phù hợp theo thị hiếu người dùng cùng mức giá hợp lý để tạo nên thế cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu nguyên chiếc.