Bộ Tài chính cho biết không đồng ý với đề xuất giảm thêm 50% phí trước bạ do tác động của đại dịch COVID-19 từ các doanh nghiệp xe hơi Việt Nam.
Mới đây, Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) đã đề nghị Bộ Tài chính cho ý kiến xem xét giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe đăng ký mới để tháo gỡ khó khăn cho thị trường ôtô, do tác động của đại dịch COVID-19.
Song, phía Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ đã có một loạt chính sách để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh, bao gồm cả các doanh nghiệp trong ngành sản xuất, lắp ráp ôtô bị tác động bởi đại dịch COVID-19.
Mới đây nhất là việc Chính phủ ban hành nghị định số 52 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2021.
Qua tổng kết, rà soát chính sách hỗ trợ nêu trên, Bộ Tài chính thấy rằng đề nghị giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô đăng ký mới là không phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Trao đổi với Lao Động, ông Trương Thanh Tân – Giám đốc Trung tâm đào tạo lái xe Học viện Quốc tế – cho biết, việc giảm 50% phí trước bạ giúp doanh nghiệp sản xuất ôtô trong nước kích cầu tiêu dùng do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Tuy nhiên, thời điểm này, nhu cầu mua xe của người dân đã tăng cao, doanh số bán xe quý I/2021 của nhiều hãng rất khả quan.
Theo đó, thị trường ôtô Việt Nam khép lại quý I/2021 với tổng doanh số bán hàng tăng trưởng 36% so với cùng kỳ năm ngoái (theo số liệu của VAMA). Chính vì vậy, không cần thiết phải kéo dài thời gian giảm phí trước bạ.
Đồng thời, việc kết thúc thời hạn giảm phí trước bạ cho ôtô sản xuất trong nước sẽ tránh được việc kiện tụng về sau, đảm bảo các cam kết quốc tế về không phân biệt đối xử giữa sản xuất hàng hoá trong nước và xuất khẩu.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, sau khi Nghị định 70 quy định về mức thu lệ phí trước bạ ôtô sản xuất trong nước giảm 50% từ 28.6 – 31.12 đã làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 3.700 tỉ đồng.
“Giảm 50% thuế phí trước bạ là giải pháp ngắn hạn, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, sản xuất lắp ráp ôtô trong nước trước ảnh hưởng của đại dịch” – Bộ Tài chính cho biết.
Giảm sản lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước
Trong văn bản kiến nghị, VAMA đề nghị giảm sản lượng xe sản xuất, lắp ráp để thỏa mãn Chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu. Theo đó, doanh nghiệp phải tuân thủ sản lượng riêng, chung tối thiểu mới được miễn giảm thuế nhập linh kiện.
Bộ Tài chính cho biết, ngoài các chính sách về ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp xe ôtô động cơ đốt trong, xe chạy điện, Chính phủ đã bổ sung các chương trình ưu đãi cho xe chạy điện, xe dùng nhiên liệu sinh học…
Đồng thời, sắp tới, tiêu chí sản lượng chung tối thiểu các nhóm xe và sản lượng riêng tối thiểu của mẫu xe sẽ được sửa đổi để phù hợp với thực trạng sản xuất xe trước đại diện và phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển của ngành.
Bộ Tài chính khẳng định sẽ cập nhật số liệu, tình hình sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước và diễn biến, tác động của đại dịch COVID-19.
Đồng thời, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền các chính sách phù hợp để thúc đẩy ngành công nghiệp ôtô trong nước phát triển.