Bước sang tháng 4, Thaco công bố tăng giá bán 10 triệu đồng cho cả 4 phiên bản của mẫu crossover Kia Seltos. Giá bán mới của model này ở mức 609 triệu đồng cho bản Deluxe 1.4 Turbo, cao nhất là bản 729 triệu đồng cho bản 1.4 Turbo Premium.
Màn tăng giá gây phản ứng trái chiều
Kia Seltos tăng giá bán trong bối cảnh khá đặc thù. Theo lý giải từ các đại lý, nguyên nhân xe tăng giá là bởi tình trạng thiếu linh kiện khiến nguồn cung thấp hơn cầu. Nói một cách dễ hiểu, model này đang thiếu hàng để bán.
Tại Việt Nam, Seltos liên tục cháy hàng kể từ khi mở bán. Khách đặt mua xe phải đợi nhiều tháng để nhận hàng. Model này cũng nhiều lần lọt top 10 xe bán chạy nhất thị trường và hiện là mẫu SUV cỡ B bán chạy nhất, vượt qua cả “hàng hot” Toyota Corolla Cross.
Kia Seltos vừa tăng giá 10 triệu đồng cho cả 4 phiên bản.
Đáng chú ý, Seltos tăng giá trong khi một số mẫu xe đối thủ như Hyundai Kona, Ford Ecosport hay Honda HR-V phải giảm giá để kích cầu vì doanh số có phần ảm đạm. Thời điểm tăng giá của Kia Seltos cũng được xem là “hợp lý” khi giai đoạn thị trường ảm đạm nhất trong năm đã qua (tháng 2, tháng 3 hàng năm).
Trên các diễn đàn về ô tô cũng như hội nhóm người dùng Kia Seltos, thông tin model này tăng giá thu hút sự quan tâm khá lớn cùng những phản ứng trái chiều. Một số người có nhu cầu mua Kia Seltos cho biết họ đã nhận được thông báo tăng giá từ đại lý và tỏ ra khá bức xúc.
Một số khác cho biết họ may mắn khi cọc mua thời điểm trước ngày 2/4 và tiết kiệm được 10 triệu đồng, trong khi có người cho biết thực tế đại lý đã tăng giá một số phiên bản từ cuối tháng trước.
Một số người tinh ý nhận ra dường như động thái tăng giá sản phẩm đã được Thaco tính đến từ đầu. “Khi tôi tìm hiểu mua xe, mấy bạn sale cho biết giá áp dụng cho những khách hàng đầu tiên, tức là đã xác định sau này sẽ tăng giá”, anh Quang Khương cho biết.
Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng việc xe tăng giá 10 triệu đồng là “chấp nhận được”. “Nếu đã thích và mua một chiếc xe giá trên 600 triệu thì 10 triệu không phải vấn đề lớn.
Tôi tin là mức tăng không ảnh hưởng đến quyết định mua xe của họ nhưng vẫn sẽ có đôi chút bức xúc. Vấn đề nằm ở tâm lý” – anh Nguyễn Duy Hoàng (Hà Nội) cho biết. Lấy mẫu Seltos 1.4 Turbo Deluxe làm ví dụ. Trước khi tăng, xe được bán với giá 599 triệu đồng. Như vậy, mức tăng của xe chỉ là 0,16%.
Lạ mà quen
Kinh doanh về bản chất dựa trên cơ sở “thuận mua, vừa bán”, nghĩa là khi người bán đã công khai niêm yết giá bán rõ ràng, nếu bạn cảm thấy hợp lý thì mua, nếu không bạn có thể chọn một sản phẩm khác.
Bên cạnh đó, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh đều dựa trên quy luật cung cầu. Nếu một sản phẩm có cung không đáp ứng đủ cầu, việc nó tăng giá được xem là điều không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, vẫn có những sản phẩm mà khi nó bỗng dưng tăng giá khiến người ta cảm thấy lạ. Ô tô là một trong những sản phẩm như thế.
Thực tế là trong hàng trăm năm tồn tại của thị trường này, thường chỉ có những mẫu siêu xe bản số lượng giới hạn (limited edition) hay các mẫu xe mang tính sưu tầm mới tăng giá sau khi bán ra.
Seltos có doanh số cộng dồn 2 tháng đầu năm 2021 cao nhất phân khúc B-SUV. Số liệu: VAMA.
Với các mẫu xe phổ thông, tâm lý chung của người dùng vẫn sẽ là “ô tô chỉ có giảm chứ không bao giờ tăng”. Do đó, việc mẫu Seltos tăng giá 10 triệu đồng, dù không nhiều, vẫn tạo ra sự “lạ” nhất định, nhất là trong bối cảnh các mẫu xe mới đang ngày càng rẻ hơn, đẹp hơn, nhiều option hơn cho người dùng Việt Nam.
Tuy nhiên, nó lại “quen” ở chỗ, không phải chưa có tiền lệ xe tăng giá sau khi bán ra tại Việt Nam. Honda CR-V từng “lập kỷ lục” tại Việt Nam khi tăng giá 3 lần liên tiếp, lần lượt vào tháng 4/2018 (tăng 5 triệu), tháng 7/2018 (tăng 10 triệu) và đầu 2019 (tăng 10 triệu). Do đó, nếu nhìn về quá khứ thì thấy màn tăng giá của Kia Seltos cũng không phải thứ gì đó quá đao to búa lớn.
Người dùng Việt Nam còn quá “quen” với việc mua các mẫu xe hàng hot dạng “bia kèm lạc” – thực chất chả khác gì những màn tăng giá vô tội vạ để tận dụng độ hot của sản phẩm. Gần đây nhất, người dùng muốn nhận sớm mẫu Honda City 2021 trước Tết âm lịch phải chịu mua “bia kèm lạc” với gói phụ kiện trị giá gần 30 triệu đồng.
Hyundai SantaFe – mẫu xe hiện đang giảm giá lên tới trăm triệu đồng để đẩy nốt hàng tồn đón model mới – từng được bán “bia kèm lạc” chênh 100 triệu đồng thời điểm mới mở bán (tháng 1/2019). Toyota Corolla Cross, Fortuner, Ford Everest cùng hàng loạt mẫu xe khác đều gặp phải hiện tượng này trong giai đoạn mở bán.
Tình trạng “bia kèm lạc” được xem là cách để các đại lý “kiếm thêm” kiểu mùa vụ. Nhiều hãng sản xuất đã công bố phương án để dẹp bỏ nhưng thực tế, nó vẫn diễn ra liên tục trong nhiều năm qua.
Trong khi đó, với màn tăng giá cho Seltos, thêm một tiền lệ xe vừa bán vừa tăng giá được tạo ra. Sắp tới đây, với các mẫu xe mới ra mắt thị trường, người dùng có lẽ phải đắn đo nhiều hơn trong việc mua sớm hay mua muộn vì biết đâu, một mẫu xe nào đó sẽ tiếp tục tăng giá khi nó trở thành hàng “hot”.