Đối với người lái xe thì sự tập trung là một yếu tố vô cùng quan trọng. Vì chỉ cần một vài giây lơ là, tai nạn có thể xảy ra, nhất là với những người hay di chuyển tuyến đường dài. Bên cạnh đó, có những thói quen gây nguy hiểm khi đang vận hành ô tô mà không phải lái xe nào cũng biết, nhất là đối với các lái mới.
Dưới đây là một số những thói quen cấm kỵ khi lái ô tô mà các lái mới cần lưu ý để có thể di chuyển trên đường an toàn hơn.
Phanh gấp khi vào cua
Đây là sai lầm có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Bởi lẽ, việc phanh gấp này sẽ khiến chiếc xe của bạn văng ra ngoài theo lực quán tính.
Vậy nên, khi gặp các khúc cua, tài xế cần giảm tốc độ. Kế tiếp là dựa trên cảm giác lái và tốc độ vào cua mà quay vô lăng. Khi hết cua thì từ từ trả lại lái, không nên trả lái gấp hay thả tự do để vô lăng tự trả lái.
Chú ý hạn chế quay vô lăng nhiều lần vì việc này sẽ khiến đuôi xe bị lắc. Đối với những mẫu xe 4 – 7 chỗ khi gặp vòng cua hẹp nên giữ tốc độ an toàn từ 30 – 40km/h.
Cầm vô lăng sai cách
Thói quen cầm vô lăng cùa nhiều lái mới là ở vị trí 10 giờ và 2 giờ. Điều này là hết sức nguy hiểm và có thể dẫn đến những hậu quả khó lường nếu cầm vô lăng sai cách. Khi xảy ra va chạm khiến túi khí nổ, lực nổ lớn còn có khả năng làm gãy các ngón tay.
Lời khuyên cho vấn đề này là tay lái không được hướng vào đầu mà nên hướng vào vị trí xương ức với khoảng cách 25 – 30cm. Hợp lý nhất là đặt cả 2 tay lên vô lăng, tay trái hướng vị trí 9 giờ, tay phải hướng 3 giờ và giữ tư thế ngồi thẳng.
Chưa quen các phím tắt gắn trên vô lăng
Ưu điểm của những phím tắt được gắn trên vô lăng là giúp các lái xe có thể sử dụng một cách dễ dàng và an toàn nhất. Tuy nhiên, vì chưa quen với các phím này nên nhiều lái xe sẽ loay hoay và bị phân tâm khi lái xe trên đường.
Không thắt dây an toàn
Với khoảng cách di chuyển ngắn, một số người lái thường chủ quan và không thắt dây an toàn. Chính việc làm này sẽ khiến họ dễ bị tổn thương hơn nếu chẳng may va chạm xảy ra hoặc gặp tai nạn.
Cần nhớ rằng trong các trường hợp va chạm bất ngờ, không chỉ túi khí mà cả dây đai an toàn cũng là yếu tố rất quan trọng góp phần đảm bảo mạng sống của người ngồi trong xe.
Chỉnh sai tư thế ngồi
Việc chỉnh ghế ngồi trên xe để có thể điều khiển và xử lý tất cả những tình huống một cách kịp thời là yếu tố cần thiết để tạo nên sự an toàn trong cuộc hành trình của bạn.
Do đó, lái xe cần chỉnh ghế ngồi sao cho thoải mái nhất, chân đặt lên bàn đạp phanh ở tư thế thoải mái để đảm bảo có tầm nhìn tốt đối với các tình huống diễn ra trên đường, nhất là những tình huống bất ngờ.
Bật nhạc quá to
Lỗi này cũng khá phổ biến trong việc lái xe. Nhiều người coi nhẹ nó nhưng thực chất việc này sẽ khiến lái xe không thể tập trung cao độ, nhiều khi không nghe thấy các âm thanh bên ngoài, đặc biệt là tiếng còi xe của các phương tiện khác hay còi hiệu của xe ưu tiên. Thậm chí nó còn làm giảm khả năng quan sát của lái.
Đồng thời, bạn cũng không nên sử dụng tai nghe trong khi lái xe vì dễ bị mất tập trung và không kịp ứng phó với những tình huống bất ngờ.
Như vậy, để di chuyển an toàn, người lái chỉ nên bật nhạc vừa đủ để vẫn nghe được các âm thanh bên ngoài.
Bật Cruise Control khi trời mưa
Các chuyên gia đã đưa ra cảnh báo, khi trời mưa tuyệt đối không nên bật tính năng Cruise Control (công nghệ hỗ trợ người lái). Tính năng này sẽ khiến các lái xe lơ là chân ở bàn đạp phanh và không làm chủ được tốc độ nếu chẳng may gặp sự cố.
Chế độ này chỉ phù hợp trong điều kiện thời tiết khô ráo, khi đó các cảm biến và phanh vận hành hữu dụng hơn.
Để quá nhiều đồ trên mặt taplo
Nếu cần phanh gấp, quá nhiều đồ được đặt trên mặt taplo có thể đổ thẳng vào người bạn gây nguy hiểm hơn. Do đó, đừng đặt quá nhiều đồ linh tinh lên mặt taplo hay biến nơi đấy thành giá để đồ.
Rà phanh liên tục khi xuống dốc
Khi đi đường đèo dốc, những lái mới thiếu kinh nghiệm thường có thói quen rà phanh liên tục khi xuống dốc. Điều này vô cùng nguy hiểm, đặc biệt là những cung đèo dài, việc này có thể khiến phanh mất tác dụng, từ đó xe sẽ tự lao xuống dốc.
Trong trường hợp này, bạn nên chuyển về số thấp để giảm tốc. Cấp số lựa chọn phải bằng hoặc thấp hơn cấp số vận hành khi điều khiển xe lên dốc.
Ngoài ra, trước khi đổ đèo hoặc xuống dốc cần về số thấp từ trước vì khi ô tô đang trôi dốc sẽ rất khó điều khiển về số thấp.
Luôn bật đèn chiếu xa
Lái xe ban đêm thường bị hạn chế tầm nhìn hơn nên nhiều lái xe thường chọn cách bật đèn chiếu xa hết công suất.
Điều này sẽ gây ra sự khó chịu và mất tầm nhìn đối với các phương tiện ngược lại, thậm chí là khả năng lái xe an toàn cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dễ dẫn đến các tai nạn đáng tiếc. Do đó, các tài xế cần cân nhắc sử dụng đèn một cách phù hợp.