Thiết lập mạng lưới trạm sạc dày đặc, chuẩn bị đưa siêu pin vào sản xuất
Làm sao để xe điện chạy được quãng đường dài nhất sau một lần sạc và thời gian cho mỗi lần sạc đầy ngắn nhất là những thách thức với các nhà sản xuất. Thực tế cho thấy, chỉ trong vòng vài năm trở lại đây, công nghệ pin trên xe điện đã có những bước tiến đáng kinh ngạc. Điều này mang tới niềm tin cho người dùng, rằng không bao lâu nữa, những rào cản về pin tưởng như không thể vượt qua sẽ được các nhà sản xuất gỡ bỏ hoàn toàn.
Tại “Ngày Pin xe điện” hồi tháng 9 năm ngoái, Tesla tiết lộ đang phát triển mẫu “siêu pin” giúp mở rộng cự ly vận hành của xe lên hơn 400 dặm (khoảng 643km) mỗi lần sạc. Đặc biệt, pin thể rắn, dự kiến được sản xuất hàng loạt từ 2023, được xem là lời giải hoàn hảo cho bài toán về pin, khi có thể đảm bảo quãng đường lên tới 750km/1 lần sạc. Đây cũng là loại pin mà hãng xe Việt VinFast dự kiến sẽ sớm sản xuất sau khi bắt tay với ProLogium, công ty đi đầu thế giới về thương mại hoá pin thể rắn từ 2013.
Về thời gian sạc, hiện công nghệ sạc nhanh và siêu nhanh cho phép sạc đầy pin chỉ trong vài phút. Tiền đồ xán lạn của xe điện còn thể hiện ở quyết tâm phủ kín hệ thống trạm sạc của các nhà sản xuất. Tại Việt Nam, riêng VinFast đã đặt mục tiêu ấn tượng khi dự kiến “phủ sóng” hơn 2.100 trạm với 40.000 cổng sạc trên toàn quốc trong năm 2021. Với mật độ trạm sạc dày, việc “nạp năng lượng” cho xe điện sẽ trở nên tiện lợi và nhanh chóng không khác gì việc đổ xăng truyền thống.
Người dùng không sở hữu pin, hỏng hãng thay miễn phí
Trong cấu phần giá xe điện, chi phí pin có thể chiếm tới 30%. Mặc dù công nghệ mới đã giúp hạ nhiệt giá thành pin, nhưng đó vẫn là một khoản không hề nhỏ. Theo BloombergNEF, năm 2010, pin xe điện có giá trung bình 1.000 USD trên mỗi kWh, đến nay đã xuống mức khoảng 200USD/kWh.
Để dễ hình dung, với dung lượng 42kWh, pin của cái tên đang “hot” hiện nay là VF e34 sẽ có giá khoảng 8.400 USD (tương đương gần 200 triệu đồng). Như vậy, nếu không tách bạch riêng cấu phần pin ra khỏi xe, người dùng phải gồng gánh chi phí khá lớn cho hệ thống pin ô tô điện.
Khi pin xe điện “lão hóa” theo thời gian, gặp trục trặc và phải thay, đây thực sự là một gánh nặng của người dùng.
“Cái khó ló cái khôn”, nhiều nhà sản xuất đã đưa giải pháp hợp lí để chia sẻ gánh nặng này với người dùng bằng chính sách thuê pin. Việc này mang lại 2 lợi ích cho khách hàng: giảm hàng ngàn USD chi phí mua xe ban đầu và được bảo hành trọn đời về pin.
Tất nhiên, không phải hãng xe nào cũng chấp nhận phần thiệt này. Trên thế giới, một số hãng đưa ra hai tuỳ chọn sở hữu hoặc thuê pin kèm điều kiện. Còn tại Việt Nam, VinFast áp dụng triệt để chính sách thuê pin với toàn bộ xe bán ra, với chi phí chỉ 1,450 triệu đồng/tháng. Điều này đồng nghĩa, thay vì phải trả “một cục” hơn 200 triệu đồng, người dùng sẽ lợi hơ khi chỉ “trả góp” một khoản nhỏ với lãi suất 0%.
Khi khả năng tiếp nhận sạc của pin xuống dưới mức khuyến cáo, tức 70% (sau khoảng 1.000 chu kì sạc), khách hàng sẽ được hãng đổi cho pin mới. Như vậy, hãng sẽ chịu mọi rủi ro về chất lượng và tuổi thọ của pin trong suốt quá trình sử dụng thay cho khách hàng.
Làm thế nào để tăng hiệu suất sử dụng pin?
Cho dù là xe điện hay xe xăng, mức độ tiêu thụ nhiên liệu nhiều hay ít phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là tính chất cung đường di chuyển và hành vi của người lái. Ví dụ, với xe động cơ đốt trong, khi chạy trên đường cao tốc ít ma sát với mặt đường, tốc độ ổn định, xe sẽ tiêu thụ ít xăng, dầu hơn so với khi di chuyển trong nội đô.
Với xe điện, cách sử dụng xe của tài xế sẽ là yếu tố quyết định cả mức tiêu hao năng lượng và cả tuổi thọ pin. Lái xe phóng nhanh, phanh gấp liên tục, bật điều hòa hết tốc độ hay “không đều chân ga” sẽ làm tăng mức tiêu hao từ 10-30% so với một tài xế lão luyện. Đây cũng là điều tất cả các nhà sản xuất đều khuyến cáo người dùng để vừa tăng hiệu suất vừa tăng độ bền của pin.
Thu hồi và xử lý pin hết hạn
Sau khoảng 10 năm sử dụng, phần lớn xe điện cần được thay pin. Nếu một lượng lớn pin hết hạn trở thành mối nguy thì xe điện đã không nhận được nhiều sự ủng hộ như thế, cả từ các chính phủ và giới hoạt động môi trường.
Trên thực tế, các hãng xe điện đều có chính sách thu hồi và xử lý pin hết hạn. Đơn cử, Tesla từng tuyên bố 100% pin dùng trong ô tô điện của hãng là loại có thể tái chế. Điều này, bên cạnh việc sản xuất mới, sẽ góp phần giải quyết nhu cầu khổng lồ về pin khi “ông vua xe điện” đặt mục tiêu tăng trưởng ổn định với tốc độ 40-50%/năm.
Tại Việt Nam, VinFast cũng cho biết đã có kế hoạch và sẽ chịu trách nhiệm về việc xử lý pin cuối vòng đời. Đây cũng là sự ưu việt của việc cho thuê pin thay vì bán đứt cho khách hàng. Về phía người dùng, lợi ích kinh tế là động lực thúc đẩy việc đổi pin cũ, pin hỏng, nhờ đó, nhà sản xuất có thể chủ động kiểm soát chất lượng toàn bộ số pin đang lưu thông.
Kỳ Anh (Tuoitrethudo)